Nhiều ngành xuất khẩu đói nhân lực

Nhiều ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, chế biến gỗ… luôn được đánh giá sẽ hưởng lợi khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có hiệu lực. Song để có thể tận dụng những cơ hội đó, còn nhiều nút thắt cần được tháo gỡ, trong đó nguồn nhân lực là một thách thức không nhỏ.

Ngành nào cũng thiếu

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết đến nay chúng ta vẫn chưa có chiến lược dài hạn trong đào tạo nhân lực cho các ngành công nghiệp nói chung. Đối với ngành dệt may, chỉ tính riêng trong lĩnh vực sợi cũng đang thiếu kỹ sư một cách trầm trọng. Ông Giang nhấn mạnh lý do khiến nhiều DN dệt may vẫn chọn phương thức gia công do nước ta vẫn chưa có trường đào tạo công nghiệp thiết kế thời trang bài bản.

DN Việt Nam nhiều khi chỉ là nơi thực tập, lấy kinh nghiệm cho nhiều bạn trẻ trước khi nhảy qua các công ty nước ngoài.

Ông Đặng Quốc Hùng,
TGĐ Công ty Mỹ nghệ Kim Bôi

Có một thực tế được nhấn mạnh trong diễn đàn dệt may được tổ chức cách đây không lâu, đó chính là tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao cho các khâu đầu tư thượng nguồn như dệt, nhuộm. Trước đây DN Việt Nam còn thiếu vốn đầu tư cho công nghệ nên ít chú ý tới nhân lực. Tuy nhiên nay nhiều DN đủ vốn, chọn hướng đi bền vững thông qua việc đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, thì lại vướng một nút thắt khác là nhân lực. Lâu nay, nhân lực ngành dệt may mới chỉ được nhìn ở khía cạnh may mặc, nơi DN có thể tự đào tạo, còn sợi, dệt, nhuộm lại không đơn giản như vậy.

Theo một số thống kê gần đây, cứ 1 tỷ USD xuất khẩu dệt may tăng thêm sẽ tạo ra 80.000 việc làm trực tiếp. Để đáp ứng mục tiêu phát triển, dự kiến ngành dệt may cần khoảng 3 triệu lao động vào năm 2020. Như vậy, bình quân mỗi năm ngành dệt may cần thêm khoảng 100.000 lao động, chưa kể phải bổ sung số lao động đến tuổi nghỉ hưu và rời bỏ ngành. Thế nhưng, ngành dệt may đang đứng trước tình trạng thiếu lao động kỹ thuật được đào tạo bài bản. Trong tổng số 2,5 triệu lao động, nhiều loại nhân lực hiện ngành dệt may rất cần lại chưa có cơ sở đào tạo. Đơn cử, nhóm ngành sợi, dệt, nhuộm cần khoảng 300-400 kỹ sư/năm, nhưng giai đoạn vừa qua, các trường đại học chỉ cung cấp được khoảng 30 sinh viên/năm, bằng 10% nhu cầu.

Tương tự, ngành da giày Việt Nam cũng đang đau đầu với bài toán nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành thuộc da và thiết kế. Trong nhiều lần trao đổi với ĐTTC, ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng thư ký Hội Da giày TPHCM, đều nhấn mạnh thiết kế chính là khâu yếu nhất của ngành da giày, nên dù phát triển hơn ¼ thế kỷ nhưng phần lớn các DN trong ngành vẫn chỉ làm hàng gia công. Ngay cả đối với thị trường trong nước, việc yếu về thiết kế đã khiến các DN giày dép nội bị đuối trong cạnh tranh. Nhân lực trong ngành chế biến gỗ cũng không khả quan là mấy, tính đến nay Việt Nam đang là một trong những quốc gia xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất thế giới nhưng cũng không thoát khỏi nút thắt nhân lực. Cụ thể, với quy mô khoảng 300.000 lao động trong ngành chế biến gỗ hiện nay, số lượng cán bộ có trình độ đại học chuyên ngành chế biến lâm sản chỉ chiếm 2-3%, công nhân kỹ thuật chiếm 20-30%, số còn lại là lao động phổ thông. Trong khi đó yêu cầu số lượng kỹ sư cần từ 7-10%/tổng số lao động (30.000 kỹ sư), như vậy có thể thấy số lượng kỹ sư chế biến lâm sản cần thiết cho ngành còn thiếu hàng ngàn người mỗi năm.

Ngành da giày đang đối mặt với thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao.

Giải pháp manh mún, thiếu đồng bộ

Khi bàn về giải pháp nguồn nhân lực cho ngành dệt may, ông Vũ Đức Giang cho rằng Nhà nước cũng như một số TP lớn như TPHCM cần có định hướng trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp. Thực ra đề xuất của ông Giang không mới và cũng là đề xuất chung của nhiều ngành hàng khác, nhưng cho đến nay vẫn chưa có những lời giải xác đáng mang tính tổng thể. Phần nhiều các DN, các nhóm ngành vẫn phải có những giải pháp cho riêng mình. Đa số các DN tự bỏ tiền đào tạo, nhưng với nguồn lực còn hạn chế nên số lượng nhân sự được đào tạo không lớn, thêm nữa DN cũng không tránh khỏi việc đào tạo xong lại bị các DN FDI hút nhân sự. Ngoài việc tự đào tạo, một số DN cũng có những hoạt động hợp tác với các trường đại học, cao đẳng xây dựng những khóa đào tạo ngắn hạn. Song hành với đó, để phần nào giải quyết vấn đề nhân sự, các ngành công nghiệp cũng đang tự tìm giải pháp cho các DN của mình. Như mới đây ngày 15-7, Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam (Lefaso) đã cho ra mắt Lefaso Center, một trung tâm trưng bày nguyên phụ liệu của các DN ngành da giày và túi xách, đặc biệt là các DN trong nước; đào tạo nguồn nhân lực cho ngành, hỗ trợ các DNNVV trong việc thiết kế, định giá hàng hóa... Còn trong lĩnh vực dệt may, để giải quyết bài toán nhân lực, thời gian qua Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng đã chủ động thành lập 7 viện, trường trực thuộc phục vụ nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho tập đoàn và ngành dệt may. Đây là bộ phận bảo đảm cung cấp nguồn nhân lực kỹ thuật, quản lý cho các đơn vị, dự án đầu tư của tập đoàn và ngành.

Có thể thấy trong khi mỗi năm con số các cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp được đăng tải ngày một nhiều hơn thì những ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam vẫn còn rất chật vật đi tìm nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu sản xuất kinh doanh của mình. Đã đến lúc cần sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, của Chính phủ, địa phương trong việc hướng nghiệp, mở rộng những ngành đào tạo, kết nối nhu cầu của DN và hướng đào tạo của các trường đại học, cao đẳng, trường nghề. Có vậy mới tháo được nút thắt nhân lực, tạo điều kiện cho các ngành xuất khẩu vươn mạnh hơn ra thế giới.

Thanh Lâm

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20160716/nhieu-nganh-xuat-khau-doi-nhan-luc.aspx