Nhiều lợi thế phát triển chăn nuôi quy mô công nghiệp hiện đại

Người dân chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung quy mô trang trại. Ảnh: NGUYỄN CHƯƠNG

Sau hơn 6 năm thực hiện tái cơ cấu, hoạt động chăn nuôi của tỉnh đã có những thay đổi đáng kể, thúc đẩy sự hình thành và phát triển của ngành Chăn nuôi quy mô công nghiệp, hiện đại.

Chuyển đổi phương thức

Theo Sở NN-PTNT, sau hơn 6 năm triển khai đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, hoạt động chăn nuôi của tỉnh đã có nhiều đổi mới, trong đó, phương thức chăn nuôi có nhiều chuyển biến nhất. Người dân chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát sang chăn nuôi tập trung với quy mô gia trại, trang trại công nghiệp hiện đại.

Bà Nguyễn Thị Uyên ở xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa) cho biết: Nhiều năm gần đây, người chăn nuôi bị ảnh hưởng rất lớn từ tác động của thị trường tiêu thụ, dịch bệnh động vật và giá thức ăn chăn nuôi, vì vậy mức độ rủi ro trong chăn nuôi tăng cao. Để ổn định sản xuất, từ năm 2015, gia đình tôi đã đầu tư xây dựng hẳn khu trại chăn nuôi khép kín, hợp đồng với Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam nuôi heo gia công. Bình quân, mỗi lứa thả nuôi được 600 con giống, mỗi năm thu cả trăm triệu đồng. Cũng theo bà Uyên, từ khi chuyển sang nuôi heo theo phương thức công nghiệp, được đối tác cung cấp con giống, thức ăn, hỗ trợ phòng ngừa dịch bệnh và bao tiêu đầu ra, gia đình bà không còn thua lỗ như trước, lứa nào xuất chuồng cũng thu được vài chục triệu đồng.

Còn theo ông Nguyễn Gian Phúc ở xã An Chấn (huyện Tuy An), để có thể ổn định sản xuất, người chăn nuôi bắt buộc phải thay đổi, không thể sản xuất nhỏ lẻ, thả rông như lúc trước vì dịch bệnh ở vật nuôi ngày càng phức tạp, xuất hiện nhiều loại bệnh nguy hiểm. “Vì vậy, gia đình tôi đầu tư chuồng trại chăn nuôi khép kín, gà giống được phòng ngừa dịch bệnh ngay từ khâu nhập giống cho đến khi xuất chuồng, thức ăn nước uống cũng được kiểm soát từ nguồn. Gà được cho ăn theo đúng khẩu phần của từng giai đoạn sinh trưởng nên tốc độ phát triển tốt, mỗi năm xuất chuồng 4-5 lứa với khoảng 700 con/lứa, mang về nguồn thu nhập ổn định”, ông Phúc nói.

Ngoài việc thay đổi phương thức sản xuất từ nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, người chăn nuôi còn tích cực chuyển đổi mô hình sản xuất của gia đình theo hướng gia trại an toàn sinh học. Ông Trần Văn Phụng ở xã An Phú (TP Tuy Hòa) cho hay: Nhiều năm nay, gia đình tôi không còn nuôi bò thả rông trên rẫy như trước mà làm trại nuôi nhốt, trồng cỏ để chủ động thức ăn. Đàn bò được tiêm vắc xin phòng dịch lở mồm long móng, viêm da nổi cục, tụ huyết trùng theo quy định, chất thải và nước thải chăn nuôi đều được xử lý qua hầm biogas để không gây ô nhiễm môi trường.

Dư địa phát triển còn rất lớn

Theo ông Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, so với các tỉnh trong khu vực miền Trung và cả nước thì hiện nay mật độ chăn nuôi của Phú Yên còn rất thấp. Hiện mật độ chăn nuôi của tỉnh chỉ đạt 0,245 đơn vị/ha. Trong khi đó, theo quy định của Chính phủ thì mật độ chăn nuôi là 1 đơn vị/ha đất nông nghiệp (tương đương khoảng 500kg trọng lượng sống của vật nuôi/ha). Vì vậy dư địa để phát triển chăn nuôi của tỉnh còn rất lớn, đây là lợi thế để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi.

Bà Bùi Hương Giang, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp BaF Việt Nam, cho biết: Phú Yên có rất nhiều lợi thế để đầu tư chăn nuôi công nghiệp hiện đại như đất nông nghiệp rộng lớn, khí hậu ôn hòa, nhân lực dồi dào và đặc biệt là mật độ chăn nuôi thấp. Vì vậy, đơn vị đã chọn Phú Yên làm nơi đầu tư trang trại chăn nuôi quy mô và hiện đại nhất khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Ngoài trại nuôi heo nái giống BaF Phú Yên với quy mô 5.000 con giống tại xã Ea Trol (huyện Sông Hinh) đã đi vào hoạt động, đơn vị cũng đang có kế hoạch xây dựng thêm các trại chăn nuôi heo thịt tại địa phương.

Theo Sở NN-PTNT, hiện trên địa bàn tỉnh có 20 dự án đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi của các đơn vị như: Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam; Công ty TNHH CJ VINA AGRI; Công ty CP Chăn nuôi Ma Vin; Công ty TNHH Chăn nuôi New Hope và Công ty CP GreenFeed Việt Nam đã được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư, trong đó có nhiều dự án chăn nuôi lớn đã đi vào hoạt động. Ngoài các đơn vị này, hiện nhiều nhà đầu tư cũng đang xin chủ trương của tỉnh để đầu tư thêm 10 dự án chăn nuôi trên toàn tỉnh. Các ngành chức năng của tỉnh đang tiến hành thẩm định, ưu tiên các dự án chăn nuôi có quy mô khép kín từ sản xuất giống chăn nuôi thịt, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Thời gian tới, khi các dự án này được triển khai, đi vào hoạt động sẽ góp phần hoàn thiện các mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh, góp phần phát triển, gia tăng giá trị sản xuất chăn nuôi công nghiệp hiện đại.

Thống kê từ Sở NN-PTNT, đến nay, toàn tỉnh có 33 trang trại chăn nuôi bò, 69 trang trại chăn nuôi heo, 32 trang trại nuôi gà, 36 trang trại vịt, 2 trang trại chim cút và 1 trang trại hỗn hợp; trong đó có 12 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại.

THỦY TIÊN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/276738/nhieu-loi-the-phat-trien-chan-nuoi-quy-mo-cong-nghiep-hien-dai.html