Nhiều lợi ích khi điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV từ xa

Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV từ xa (Tele PrEP) tạo cơ hội cho khách hàng có nguy cơ cao ở những tỉnh không có dự án hỗ trợ được tiếp cận dịch vụ PrEP miễn phí. Tele PrEP còn giúp giảm bớt chi phí, thời gian di chuyển, giúp khách hàng không lo lắng về kỳ thị phân biệt đối xử...

TS. Đoàn Thị Thùy Linh - Phó trưởng Phòng Điều trị, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV từ xa (Tele PrEP) hướng đến sự đơn giản, thuận tiện và phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Dịch vụ Tele PrEP cho phép việc kết nối, tương tác trực tuyến (có thể thực hiện cuộc gọi video call) giữa cơ sở y tế với khách hàng trong quá trình cung cấp và nhận dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV.

Tele PrEP tạo cơ hội cho khách hàng có nguy cơ cao ở những tỉnh không có dự án hỗ trợ được tiếp cận dịch vụ PrEP miễn phí.

Ngoài ra, khi được nhận gói dịch vụ từ xa, khách hàng sẽ giảm bớt chi phí và thời gian di chuyển và không lo lắng về vấn đề kỳ thị phân biệt đối xử khi phải đến cơ sở y tế nhận dịch vụ trực tiếp.

Từ tháng 8 - 10/2022, dịch vụ Tele PrEP đã được chính thức triển khai tại 20 cơ sở của 7 tỉnh/thành phố ở nước ta với gần 400 khách hàng.

TS. Đoàn Thị Thùy Linh - Phó trưởng Phòng Điều trị, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế.

Điều kiện để khách hàng được nhận dịch vụ Tele PrEP

Theo TS. Đoàn Thị Thùy Linh, Tele PrEP chỉ áp dụng thực hiện cho những khách hàng tái khám. Khách hàng lần đầu đăng ký và sử dụng dịch vụ cần phải đến cơ sở y tế để được sàng lọc hành vi nguy cơ cao, thăm khám, xét nghiệm và kê đơn khi đủ tiêu chuẩn điều trị. Từ các lần tái khám, khách hàng có thể đăng ký nhận dịch vụ Tele PrEP.

Để thực hiện được dịch vụ này, khách hàng cần có đủ phương tiện và kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin để kết nối và tương tác trực tuyến với nhân viên y tế trong quá trình nhận dịch vụ Tele PrEP; Khách hàng tự nguyện, đồng thuận và cam kết sử dụng dịch vụ Tele PrEP theo các quy định và quy trình chuyên môn do cơ sở cung cấp dịch vụ PrEP thông báo.

Khách hàng sử dụng dịch vụ Tele PrEP cần đáp ứng đủ các điều kiện để sử dụng dịch vụ PrEP theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định 5968/QĐ-BYT ngày 31/12/2021 ban hành Hướng dẫn Điều trị và chăm sóc HIV/AIDS; Và Tele PrEP chỉ áp dụng thực hiện cho những khách hàng tái khám.

Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, khách hàng khi tiếp cận chương trình Tele PrEP được nhận gói dịch vụ Tele PrEP bao gồm các dịch vụ được cung cấp từ xa:

Đặt lịch khám;
Sàng lọc nguy cơ lây nhiễm HIV;
Tư vấn về lợi ích PrEP;
Tư vấn, hỗ trợ thực hiện các xét nghiệm cần thiết cho PrEP;
Hỗ trợ tuân thủ, duy trì điều trị PrEP;
Tư vấn, hỏi bệnh và kê đơn thuốc cho các trường hợp đang điều trị PrEP có tuân thủ điều trị tốt;
Cung cấp thuốc PrEP miễn phí cho khách hàng qua đơn vị vận chuyển.

Có thể nói, Tele PrEP là một trong những mô hình, sáng kiến mới của Việt Nam trong các dịch vụ về HIV/AIDS. Mô hình này được đúc kết từ kinh nghiệm triển khai trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19, đồng thời cũng thực hiện theo khuyến cáo mới của Tổ chức Y tế Thế giới ban hành tháng 7/2022 về việc hướng dẫn triển khai các dịch vụ HIV trên nền tảng trực tuyến, hướng đến sự đơn giản, thuận lợi cho người nhận các dịch vụ về HIV.

Tele PrEP cũng hoàn toàn phù hợp với bối cảnh dịch HIV của Việt Nam trong những năm gần đây khi mà tỷ lệ nhiễm mới HIV có xu hướng tăng nhanh trong nhóm MSM và đa số họ là nhóm người trẻ tuổi.

Với dịch vụ Tele PrEP, khách hàng không cần tới trực tiếp phòng khám.

Sau thời gian thí điểm, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế sẽ có những báo cáo đánh giá chi tiết về mô hình này và đề xuất lên Bộ Y tế để có thể mở rộng mô hình này tại nhiều địa bàn, tỉnh thành khác, bên cạnh các mô hình PrEP hiện hành.

Dương Hải

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhieu-loi-ich-khi-dieu-tri-du-phong-truoc-phoi-nhiem-voi-hiv-tu-xa-169231009103723335.htm