Nhiều kịch bản cho cuộc bầu cử thủ tướng Thái Lan

Rất khó đoán định ai là tân thủ tướng Thái Lan và người đó có thể là ông Pita Limjaroenrat hoặc đại diện đảng do quân đội hậu thuẫn…

Ngày 13-7, sau 5 tiếng tranh luận và một cuộc bỏ phiếu kéo dài 2 tiếng, lãnh đạo đảng Tiến bước Pita Limjaroenrat đã không nhận được đủ phiếu ủng hộ tại Quốc hội để trở thành thủ tướng thứ 30 của Thái Lan. Cụ thể, ông Pita chỉ nhận được 324 phiếu thuận, 182 phiếu chống và 199 phiếu trắng. Như vậy, ông Pita thiếu 51 phiếu thuận nữa để đạt được mục tiêu của mình, theo tờ Bangkok Post.

Giờ đây, Quốc hội có quyền lựa chọn lại ứng cử viên cho chức thủ tướng và sẽ tiếp tục các vòng bầu chọn. Cuộc bỏ phiếu thứ hai dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 19-7 và nếu cần thì cuộc bỏ phiếu thứ ba sẽ được tổ chức một ngày sau đó.

Giới chuyên gia đánh giá rằng rất khó đoán định viễn cảnh cuộc bầu cử thủ tướng Thái Lan vì còn nhiều tình huống có thể xảy ra, theo tạp chí Time.

Lãnh đạo đảng Tiến bước Pita Limjaroenrat. Ảnh: BLOOMBERG

Kịch bản liên minh đảng Tiến bước nắm quyền

Theo trang Thai Enquirer, ông Pita có thể được liên minh đảng Tiến bước, bao gồm đảng Pheu Thai (Vì nước Thái) và một số đảng khác, đề cử lại cho các vòng bỏ phiếu tiếp theo và có thể giành được chức thủ tướng trong vòng bầu cử tới. Một người đại diện cho Pheu Thai đã tuyên bố rằng đảng này sẽ ủng hộ ông Pita trong các vòng bỏ phiếu tiếp theo nhưng nếu ông Pita vẫn không thành công thì liên minh sẽ phải họp để quyết định một hướng hành động thay thế.

Trưởng khoa Khoa học chính trị Titipol Phakdeewanich của ĐH Ubon Ratchathani (Thái Lan) cho rằng những gì đã xảy ra trong cuộc bỏ phiếu hôm 13-7 “không hẳn là dấu chấm hết của mọi việc”. Theo ông Titipol, việc Tòa án Hiến pháp chưa đưa ra phán quyết ông Pita về cáo buộc nắm giữ cổ phần của một công ty truyền thông là cơ hội để ông Pita có thời gian thuyết phục thêm sự ủng hộ của các nghị sĩ cho vòng bầu cử tới. “Tôi không nghĩ rằng sẽ có một tình huống tệ hại xảy ra, trừ phi tòa án ra phán quyết bất lợi cho ông Pita về vụ việc này” - ông Titipol nhận định.

Một kịch bản nữa có khả năng xảy ra là ông Pita có thể đứng sang một bên và ủng hộ đại diện của đảng Pheu Thai ra tranh cử. Cựu nghị sĩ đảng Dân chủ Isra Sunthornvut cho biết ông sẽ không ngạc nhiên nếu tuần tới ông Pita ủng hộ đảng Pheu Thai lãnh đạo chính phủ “vì lợi ích của đất nước và nền dân chủ”.

Lúc đó, đảng Pheu Thai có thể đề cử ông Srettha Thavisin - một trùm bất động sản và là nhân vật được giới quân sự Thái Lan “ưa chuộng” hơn. Giảng viên khoa học chính trị Wanwichit Boonprong của ĐH Rangsit (Thái Lan) cho rằng các nhà lập pháp được quân đội hậu thuẫn, nhất là ở Thượng viện, nhiều khả năng sẽ bỏ phiếu cho ông Srettha và ứng cử viên này của Pheu Thai có thể là một lựa thỏa hiệp tốt, được lòng cả quân đội lẫn những người cấp tiến ủng hộ ông Pita.

Kịch bản quân đội giữ quyền lực

Ngày 11-7, Thủ tướng Prayut Chan-ocha đã tuyên bố sẽ rút lui khỏi chính trường. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng dù ông Prayut nghỉ hưu thì quân đội và các đồng minh sẽ cố gắng duy trì quyền lực theo những cách khác, theo tờ The New York Times.

Dù thất bại trong vòng bỏ phiếu đầu tiên, lãnh đạo đảng Tiến bước Pita Limjaroenrat nói rằng sẽ tìm hiểu những gì đã xảy ra trong cuộc bầu cử ngày 13-7 và tiếp tục thuyết phục những nghị sĩ đã bỏ phiếu trắng ủng hộ ông trong vòng bầu cử tới. “Tôi chấp nhận kết quả nhưng tôi sẽ không bỏ cuộc. Tôi sẽ tìm các chiến lược để đạt được đủ phiếu ủng hộ trong vòng bỏ phiếu tiếp theo” - ông nói.

Quân đội Thái Lan đã thiết kế một hệ thống trong đó về cơ bản, lực lượng này kiểm soát Thượng viện. Để giữ người của mình ở vị trí quyền lực, quân đội có thể đề cử tướng Prawit Wongsuwan, thành viên của đảng cầm quyền, làm ứng cử viên cho chức thủ tướng trong cuộc bỏ phiếu vào tuần tới.

Chuyên gia về chính trị Thái Lan Jade Donavanik của ĐH Học giả châu Á (Thái Lan) nói rằng hầu hết 250 thượng nghị sĩ đều do tướng Prawit lựa chọn cẩn thận và đây là lý do quân đội có tiếng nói trong cuộc bầu cử thủ tướng, theo The New York Times.

Theo Bangkok Post, một khả năng nữa là Thượng viện có thể ủng hộ một chính phủ thiểu số do ông Anutin Charnvirakul của đảng Bhumjaithai lãnh đạo hoặc một trong các đảng được quân đội hậu thuẫn. Tuy nhiên, điều này có nguy cơ châm ngòi cho các cuộc biểu tình của những người ủng hộ dân chủ.

Do Thượng viện sẽ không thể bầu thủ tướng vào năm tới vì hết nhiệm kỳ nên bất kỳ chính phủ thiểu số nào cũng có nguy cơ rơi vào cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Để đề phòng điều đó, phe thiểu số có thể kiến nghị tòa án giải tán đảng Tiến bước, thậm chí là hủy kết quả bầu cử, với lý do là xúc phạm Hoàng gia.

GS Thitinan Pongsudhirak, chuyên về khoa học chính trị của ĐH Chulalongkorn (Thái Lan), nhận định có một khuôn mẫu chung ở Thái Lan là chống lại bất kỳ phong trào tiến bộ nào trong nền chính trị, thông qua nhiều hình thức, bao gồm việc giải tán các đảng chính trị và loại bỏ tư cách của các ứng cử viên chính, theo tờ The New York Times.

Ông Kevin Hewison, giáo sư danh dự về nghiên cứu châu Á tại ĐH North Carolina (Mỹ), cho rằng quá trình giải tán đảng Tiến bước và hủy kết quả bầu cử sẽ mất một khoảng thời gian và cho dù có một cuộc bầu cử mới diễn ra nhanh chóng thì kết quả cũng chẳng khác bây giờ là bao.

Tuy nhiên, bất kỳ động thái nào nhằm hạn chế hoặc cấm các chính trị gia nổi tiếng, đặc biệt là trường hợp ông Pita có thể dẫn đến các cuộc biểu tình lớn, vì những người biểu tình gần đây đã táo bạo hơn nhiều năm trước trong việc nhắm trực tiếp vào chế độ quân chủ.•

Vì sao ông Pita thất bại?

Nhiều chuyên gia cho rằng dù đảng Tiến bước quyết tâm sửa đổi Điều 112 của Bộ luật Hình sự, còn được gọi là luật khi quân nhưng họ không thuyết phục được Quốc hội chấp nhận điều này.

Theo Thai Enquirer, các nghị sĩ của các đảng lớn không thuộc liên minh đảng Tiến bước, chẳng hạn như Bhumjaithai và đảng Quốc gia Thái Lan Thống nhất, đã nói rõ rằng ý định muốn sửa đổi luật này của ông Pita là lý do chính khiến họ không bỏ phiếu ủng hộ ông. Đơn cử, nghị sĩ đảng Bhumjaithai Chada Thaisreth nói rằng chỉ cần ông Pita bỏ đi yêu cầu sửa đổi Điều 112 thì đảng Bhumjaithai sẽ đồng ý bỏ phiếu ủng hộ.

Giảng viên khoa học chính trị Wanwichit Boonprong của ĐH Rangsit (Thái Lan) nói rằng những lời kêu gọi mạnh mẽ của đảng Tiến bước về cải cách chế độ quân chủ có thể khiến cử tri cảm thấy là điều cực đoan, gồm cả những người tự coi mình theo chủ nghĩa tự do và ủng hộ cải cách dân chủ. “Hiện tại, chế độ quân chủ được coi là trụ cột chính của đất nước. Cho dù bạn theo phái tự do hay bảo thủ, bạn vẫn phải tôn trọng chế độ quân chủ như là hiện thân của phẩm giá quốc gia” - ông Wanwichit nói.

ĐỨC HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhieu-kich-ban-cho-cuoc-bau-cu-thu-tuong-thai-lan-post742397.html