Nhiều khu vực ở Trung Quốc đối mặt nguy cơ thiếu điện

Nhiều khu vực của Trung Quốc đối mặt với nguy cơ thiếu điện trên diện rộng do nhu cầu dùng điện cao, hạn hán, sản lượng thủy điện thấp.

Sóng nhiệt đến sớm, lo ngại tái diễn khủng hoảng thiếu điện

Vài tuần gần đây, một đợt sóng nhiệt sớm bất thường đã xảy ra tại một số khu vực ở Trung Quốc, khiến nhiều thành phố có nhiệt độ cao đến mức gần hoặc phá kỷ lục. Không dừng ở đó, nhiều nhà khí tượng cảnh báo điều kiện thời tiết cực đoan sẽ còn tiếp diễn trong nhiều tháng tới.

Đợt nắng nóng này khiến nhiều người lo ngại tái diễn khủng hoảng thiếu điện trầm trọng như đợt sóng nhiệt nguy hiểm diễn ra vào mùa hè năm 2022.

Thời điểm đó, hơn 70 ngày liên tiếp, nhiệt độ tại nhiều thành phố của Trung Quốc đều trên 40 độ C, kéo theo cháy rừng, khiến nhiều dòng sông lớn của nước này cạn nước trong đó sông Dương Tử bị cạn một phần.

Hình ảnh một phần sông Dương Tử cạn nước do sóng nhiệt năm 2022 (Ảnh: NBC)

Khi nhu cầu sử dụng điện tăng cao mực nước ở sông giảm thấp ảnh hưởng tới thủy điện, Trung Quốc đã rơi vào cảnh thiếu điện trầm trọng, năng suất điện tại nhiều nhà máy thủy điện giảm và nhiều địa phương như Tứ Xuyên phải tạm dừng hoạt động một số nhà máy, áp dụng cắt điện luân phiên.

Nhiều tháng liền, Vân Nam buộc phải tiết giảm các hoạt động công nghiệp. Cả Tứ Xuyên và Vân Nam là 2 khu vực phụ thuộc nhiều vào thủy điện.

Vân Nam nằm ở thượng nguồn sông Dương Tử, có 7 trong số 10 nhà máy thủy điện hàng đầu của Trung Quốc. Đây là tỉnh thủy điện lớn thứ hai của Trung Quốc và 80% nguồn cung điện địa phương là từ thủy điện.

Cảnh báo thiếu điện

Năm nay, các chuyên gia cảnh báo, nguồn cung cấp điện ở Trung Quốc cũng rất khó khăn. Tại khu vực phía Nam, nhu cầu điện đã lên đỉnh điểm từ cuối tháng 5, sớm hơn 1 tháng so với năm ngoái.

Theo tờ Tin tức Năng lượng Trung Quốc (China Energy News), Viện Nghiên cứu mạng lưới điện Quốc gia dự báo hè này, nguồn cung ứng điện trên khắp đất nước có thể eo hẹp.

Trong đó, các tỉnh miền Trung, miền Đông, Tây Nam gần như sẽ trải qua thiếu hụt điện khi nhu cầu điện đỉnh điểm.

Theo ngân hàng Citigroup, các nhà máy thủy điện tại Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục gặp thách thức vì 90% khả năng xảy ra hiện tượng thời tiết El Nino trong khoảng thời gian tháng 5 - tháng 7.

Cuối tháng 5 vừa qua, Ngân hàng này đã hạ bậc xếp hạng của Công ty điện Dương Tử Trung Quốc do khả năng sử dụng thủy điện yếu hơn và giả định lượng mưa thấp kéo dài.

Từ tháng 9/2022 đến nay, Vân Nam vẫn hạn chế mức tiêu thụ điện của hơn 300 doanh nghiệp địa phương sử dụng nhiều năng lượng (chủ yếu là để sản xuất nhôm) nhằm đảm bảo sinh kế của người dân nhưng nếu hạn hán tiếp tục, tác động có thể sớm lan sang các vùng khác vì Vân Nam chịu trách nhiệm cung cấp điện cho cả Quảng Đông.

Trung Quốc đang chuẩn bị như thế nào?

Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ cuối năm ngoái, các tỉnh thành của Trung Quốc đã có những động thái để đề phòng khủng hoảng thiếu điện tiếp diễn.

Trong đó, cuối năm 2022, Tứ Xuyên đã thông báo sẽ xây dựng một loạt nhà máy điện khí và chuẩn bị thêm nhiều đường dây truyền tải điện kết nối mạng lưới điện của các tỉnh lân cận với tỉnh này.

Tỉnh Quảng Đông – nơi phụ thuộc nhiều vào thủy điện tại Vân Nam – đã chính thức duyệt xây dựng các nhà máy điện than mới với công suất 17 gigawatts. Đây là một phần trong kế hoạch xây dựng quy mô lớn trên toàn Trung Quốc.

Khu vực Đông Nam Á chật vật vì sóng nhiệt

Trung Quốc không phải là quốc gia châu Á duy nhất đối mặt với sóng nhiệt. Trong tháng 4 và tháng 5 vừa qua, có nhiều nước Đông Nam Á cũng đang phải chịu nhiệt độ nóng kỷ lục làm hỏng đường, gây cháy rừng, nhiều trường học phải đóng cửa.

Từ Malaysia tới Philippines, chính phủ nhiều nước trong khu vực kêu gọi người dân ở nhà đồng thời thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn ảnh hưởng tới mạng lưới điện.

Bà Zhao Li, nhà nghiên cứu cấp cao tại Greenpeace East Asia cho biết, Tổ chức Khí tượng Thế giới đã cảnh báo khả năng xảy ra hiện tượng El Nino cao hơn vào mùa hè hoặc mùa thu năm nay, kéo theo đó là nhiệt độ cao hơn và các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Theo bà Li, nắng nóng như thiêu đốt cũng phản ánh xu hướng thời tiết khắc nghiệt ngày càng thường xuyên do biến đổi khí hậu gây ra trên toàn cầu.

Từ tháng 5 vừa qua, Liên hợp quốc đã cảnh báo, gần như chắc chắn từ năm 2023 - 2027 sẽ là khoảng thời gian 5 năm nóng nhất từng được ghi nhận do ảnh hưởng từ phát thải khí nhà kính và tác động của El Nino.

Trang Trần (Theo SCMP, The China Project)

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nhieu-khu-vuc-o-trung-quoc-doi-mat-nguy-co-thieu-dien-d593741.html