Nhiều khó khăn sau sáp nhập xã

Tháng 3/2020, xã miền núi Nghĩa Thọ được sáp nhập vào xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Đã hơn 3 năm sáp nhập, nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.

Có mặt tại xã Nghĩa Thọ (cũ) nay là địa bàn thôn 1 và thôn 2 của xã Nghĩa Thắng, chúng tôi chứng kiến loạt công trình, trụ sở của Nhà nước đầu tư bị bỏ hoang. Tại trụ sở UBND xã Nghĩa Thọ cũ, 3 dãy nhà hai tầng là nơi làm việc và hội trường được đầu tư khang trang, giờ đây bỏ hoang chưa được trưng dụng. Dù công trình còn mới, nhưng sau hơn 3 năm không sử dụng, một số hạng mục đã bắt đầu xuống cấp.

Ông Phạm Văn Lợi, người dân ở gần trụ sở cho biết, công trình tiền tỷ này không được sử dụng, không ai quản lý, dọn dẹp, vệ sinh, các bộ phận cửa hư hỏng, gỉ sắt, người dân chúng tôi thấy rất lãng phí.

Trụ sở UBND xã Nghĩa Thọ (Tư Nghĩa) bỏ hoang, chưa được trưng dụng trong hơn 3 năm qua.

Trụ sở UBND xã Nghĩa Thọ (Tư Nghĩa) bỏ hoang, chưa được trưng dụng trong hơn 3 năm qua.

Để đưa xã Nghĩa Thọ cũ về đích nông thôn mới, nhiều công trình như bưu điện văn hóa xã, trạm y tế... đã được xây dựng khang trang nhưng giờ cửa đóng then cài, chưa được trưng dụng. Theo Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thắng Võ Sinh Quân, sau khi sáp nhập xã Nghĩa Thọ vào xã Nghĩa Thắng, tại địa bàn xã cũ còn nhiều công trình như trụ sở, trạm y tế, nhà văn hóa thôn và trường học dôi dư.

Đối với các công trình như nhà văn hóa thôn, xã trưng dụng làm nơi hội họp cho các thôn, các trường mầm non, tiểu học được tiếp tục sử dụng làm điểm trường lẻ, còn lại đều chưa được trưng dụng. Bởi các công trình nằm ở địa bàn, xa trung tâm xã nên địa phương không thể cho các đơn vị, cá nhân thuê, hay trưng dụng làm việc. Việc thanh lý các công trình này cũng chưa được thực hiện; ước tính giá trị tài sản các công trình hơn 15 tỷ đồng.

Bà Phạm Thị Thy (46 tuổi) ở thôn 1, có nhà sát trạm y tế xã cũ, 3 năm nay chưa thể mua BHYT để thuận tiện cho việc khám chữa bệnh. “Trước đây, gia đình tôi thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số sống ở địa bàn xã miền núi khó khăn được Nhà nước cấp thẻ BHYT, đi khám chữa bệnh rất thuận lợi. Nhưng sau này chúng tôi không còn được cấp BHYT miễn phí nữa. Trong khi hoàn cảnh gia đình khó khăn, hai vợ chồng phải đi làm keo thuê nuôi ba đứa con, không có tiền mua BHYT”, bà Thy phân trần.

Ngoài chính sách cấp thẻ BHYT miễn phí cho người dân không còn, con em học sinh miền núi nơi đây cũng không còn được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí đóng BHYT học sinh, sinh viên và miễn giảm học phí...

Theo Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thắng Võ Sinh Quân, sau khi sáp nhập đến nay, nguồn ngân sách cấp cho địa phương vẫn không tăng so với mọi năm. Để phát triển kinh tế- xã hội xã Nghĩa Thắng nói chung và địa bàn thôn 1, thôn 2, khu vực miền núi của xã, địa phương đang tập trung các giải pháp để xây dựng khu dân cư nông thôn kiểu mẫu tại 10 thôn và xây dựng lộ trình xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Đồng thời, triển khai các chương trình giảm nghèo, hỗ trợ cây, con giống phù hợp với đặc thù tại địa bàn miền núi để xóa đói, giảm nghèo cho các hộ đồng bào Hrê của xã.

“Để giải quyết những khó khăn sau sáp nhập, địa phương kiến nghị các cấp có chính sách đặc thù để tiếp tục hỗ trợ chính sách an sinh xã hội, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội cho các hộ đồng bào Hrê, cũng như giải quyết hợp lý các tài sản công sau sáp nhập”, ông Quân nói.

Bài, ảnh: KIM NGÂN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/toa-soan-ban-doc/202311/nhieu-kho-khan-sau-sap-nhap-xa-39116c6/