Nhiều hoạt động thiết thực bảo vệ chim di cư ở Kim Sơn, Ninh Bình

Vào ngày 11/1, Chi cục Kiểm Lâm huyện Kim Sơn phối hợp cùng Trung tâm Hành động vì Động vật hoang dã (WildAct) đã ra quân thực hiện tháo dỡ 2.500 m bẫy chim và cứu hộ chim di cư mắc bẫy tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Thực hiện chỉ thị 04/CT-TTg của Thủ Tướng Chính Phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam, WildAct tiếp tục phối hợp cùng với Chi cục Kiểm Lâm huyện Kim Sơn ra quân thực hiện các hoạt động tháo dỡ bẫy chim lưới mù.

Hộ dân vi phạm đã tự nguyện phóng sinh tại chỗ trước sự giám sát của đoàn công tác thực địa. (Nguồn: WildAct)

Kết quả trong 26 điểm đoàn đi qua, phát hiện 6 điểm bẫy lưới, tiến hành tháo dỡ được 26 bẫy, với tổng chiều dài hơn 2.500 m lưới sương mù và giải cứu 8 cá thể chim.

Sau khi phối hợp cùng lực lượng kiểm lâm thu bẫy, WildAct dự kiến sẽ hợp tác với một số doanh nghiệp xã hội tái chế tại Việt Nam để cùng đưa ra các phương pháp xử lý bẫy lưới thích hợp nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường.

Theo khuôn khổ dự án “Tăng cường thực thi pháp luật và nâng cao nhận thức cộng đồng để bảo vệ loài chim Rẽ mỏ thìa và các loài chim di cư khác trong Khu dự trữ sinh quyển Châu thổ Sông Hồng”, WildAct sẽ tiếp tục phối hợp cùng với các cơ quan chính quyền địa phương, trường học và cộng đồng để thực hiện các hoạt động nâng cao nhận thức người dân nhằm bảo tồn các loài chim hoang dã, chim di cư một cách hiệu quả.

Chị Lê Thu Hà, đại diện WildAct tham gia tháo dỡ tại thực địa chia sẻ: “Kết hợp cùng cơ lực lượng kiểm lâm Hạt Kim Sơn tiến hành tháo dỡ bẫy chim là một trong những hoạt động ý nghĩa và quan trọng trong khuôn khổ hoạt động dự án của chúng tôi.

Điều này cho thấy sự phối hợp hiệu quả giữa các tổ chức bảo tồn và lực lượng chức năng để có thể thực hiện tốt công tác bảo tồn chim di cư.

Mong rằng với sự phối hợp và đồng hành của các tổ chức như WildAct sẽ giúp công tác thực hiện khảo sát và tháo dỡ bẫy chim di cư diễn ra thuận lợi và hiệu quả hơn trong những mùa chim di cư sau”.

Hạt kiểm lâm huyện Kim Sơn cho biết tình trạng giăng lưới bẫy chim đã giảm đáng kể nhờ có công tác vận động tuyên truyền từ huyện đến các xã, thôn; tổ chức hai hội nghị, hội thảo chuyên đề về quản lý bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư đến các hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn huyện Kim Sơn và Yên Khánh với tổng số 110 người.

Cán bộ Kiểm Lâm cũng đội ngũ WildAct triển khai các hoạt động tháo dỡ bẫy chim di cư. (Nguồn: WildAct)

Các cán bộ kiểm lâm cũng có các cuộc ra quân hàng tuần, hàng tháng phối hợp cùng chính quyền địa phương để tháo dỡ bẫy và xử lý vi phạm.

Bên cạnh đó, cuối năm 2023, WildAct đã tiến hành khảo sát các mối đe dọa, ghi lại tọa điểm vi phạm săn bắt ở các huyện Kim Sơn, Kim Hải, Yên Mô (Ninh Bình); các huyện Thái Thụy, Tiền Hải (Thái Bình) và các huyện Giao Thủy, Hải Hậu (Nam Định). Các dữ liệu như số lượng bẫy, loại bẫy, vị trí, số lượng loài chim và loài tìm thấy đã được thu thập và chuyển tới các Chi cục Kiểm Lâm các tỉnh liên quan để tiến hành xử lý.

Ngoài ra, các cán bộ kiểm lâm đến từ Chi cục Kiểm Lâm các tỉnh liên quan: Ninh Bình, Thái Bình và Nam Định đã được hai chuyên gia là bác sĩ thú y Lesley Halter và Mark Goelkel đến từ tổ chức Four Paws đào tạo về cách xử lý cứu hộ chim. Khóa đào tạo cũng đề cập đến bệnh lây truyền từ động vật sang người và cách phòng ngừa, giúp các Kiểm Lâm viên trang bị đầy đủ kiến thức an toàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Khu dự trữ sinh quyển Châu thổ Sông Hồng (KDTSH CTSH) của Việt Nam là một trong điểm nóng đa dạng sinh học thuộc trung tâm của đường bay Đông Á-Australia (EAAF) của các loài chim di cư.

Thế nhưng, khu vực này nhiều năm qua đã chứng kiến sự suy giảm trầm trọng của các loài chim di cư bởi việc săn bắt trái phép đang diễn ra hoành hành tại đây.

Huyện Kim Sơn, Ninh Bình là một trong những khu vực thuộc KDTSH CTSH đang phải đối diện với nạn săn bắt chim di cư trái phép ngày càng trở nên nghiêm trọng đó.

Lê An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nhieu-hoat-dong-thiet-thuc-bao-ve-chim-di-cu-o-kim-son-ninh-binh-256975.html