Nhiều hộ dân chưa bàn giao mặt bằng tại dự án 'di dân lịch sử'

Để triển khai dự án 'Bảo tồn, tu bổ, tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế', với sự hỗ trợ, quan tâm đặc biệt của Trung ương cùng chính quyền Thừa Thiên-Huế, đến nay đã có hàng ngàn hộ dân 'sống treo' bên di tích đã được di dời đến khu tái định cư Hương Sơ (TP Huế) để an cư, góp phần hồi sinh Quần thể di tích Cố đô Huế. Tuy nhiên, hiện dự án 'di dân lịch sử' này vẫn còn một số vướng mắc…

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP Huế cho biết, liên quan đến việc di dời để trả lại mặt bằng cho khu vực 1 di tích, giai đoạn 1 của dự án được thực hiện 3 năm (2019-2021), trong đó phải di dời 3.187 hộ ở khu vực di tích Thượng Thành, Eo Bầu, hộ Thành hào, tuyến Phòng lộ.

Cụ thể, tại khu vực Thượng Thành có 577 hộ di dời (242 hộ chính, 335 hộ phụ) với tổng kinh phí phê duyệt hơn 124 tỷ đồng; đã phê duyệt bố trí 444 lô đất. Hiện, còn 12 hộ chưa bàn giao mặt bằng. Đối với khu vực các Eo Bầu có 1.054 hộ (375 hộ chính, 679 hộ phụ) với tổng kinh phí phê duyệt hơn 553 tỷ đồng, bố trí 892 lô đất. Hiện, người dân đã nhận 864 lô, còn lại 28 hộ chưa nhận và có 202 hộ chưa bàn giao mặt bằng. Đối với khu vực Hộ Thành Hào và Tuyến phòng lộ có 1.704 hộ (819 hộ chính, 885 hộ phụ) với tổng kinh phí phê duyệt hơn 451 tỷ đồng. Hiện đã phê duyệt bố trí tái định cư 606 hộ/606 lô đất. Nay, người dân đã nhận 584 lô, còn lại 22 lô chưa nhận. Hiện, chỉ có 187/1.011 hộ đã bàn giao mặt bằng…

Nơi ở nhếch nhác trước đây của người dân trong vùng dự án.

Nơi ở nhếch nhác trước đây của người dân trong vùng dự án.

“Trước đây, gia đình tôi sống tạm bợ trong khu vực 1 di tích ở đường Xuân 68, TP Huế. Hơn 1 năm nay, được Nhà nước hỗ trợ di dời về khu tái định cư Hương Sơ, cuộc sống gia đình tôi đã ổn định hơn. Tôi rất mong, các gia đình nằm trong diện di dời sớm trả lại mặt bằng để hệ thống Kinh thành Huế đẹp hơn”, một người dân đã di dời nhà cửa, bàn giao mặt bằng cho dự án là ông Trần Công Hoàng chia sẻ.

Lãnh đạo UBND TP Huế cho rằng, khó khăn gặp phải trong quá trình di dời chậm vẫn là bàn giao mặt bằng, nhất là khu vực Hộ Thành Hào. Việc cấp phép xây dựng đã cấp, nhưng tỷ lệ xây dựng thực tế còn thấp. Nhiều hộ dân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở nơi ở mới nhưng vẫn chưa bàn giao mặt bằng.

Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế, việc di dời dân cư ở khu vực 1 Kinh thành Huế được áp dụng với khung chính sách đặc thù của Chính phủ, tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho người dân trong quá trình di dời. Cơ sở hạ tầng ở các khu tái định cư được xây dựng đồng bộ, hiện đại để người dân có thể xây dựng nhà ngay. Tuy nhiên, một số hộ dân vẫn cố tình chây ỳ, làm ảnh hưởng đến tiến độ của dự án quan trọng này.

Liên quan đến vấn đề chậm bàn giao mặt bằng, UBND TP Huế đã ban hành các quyết định cưỡng chế đối với 5 trường hợp ở khu vực Thượng Thành. Còn những khu vực khác, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế đã đề nghị UBND các phường liên quan tiến hành vận động các hộ để bàn giao mặt bằng từ cuối năm 2021 nhưng đến nay vẫn không tiến triển. Thực trạng này khiến cho cảnh quan một số khu vực trong diện di dời rất nhếch nhác. Một số nơi còn trở thành điểm tiêm chích ma túy của các con nghiện, ảnh hưởng đến tình hình ANTT.

Chủ tịch UBND TP Huế Võ Lê Nhật chia sẻ, thời gian qua, thành phố nhận nhiều đơn thư của người dân liên quan đến dự án yêu cầu bố trí đất hộ phụ. Có những đơn thư giải quyết được, có những đơn thư chưa giải quyết được. Thành phố đã phân các phường xác minh lại, lấy ý kiến tổ dân phố để khách quan hơn. Với những hộ chưa phù hợp sẽ nhanh chóng điều chỉnh lại. Ngoài ra, việc kiểm đếm, xác định thực trạng sinh sống của các hộ dân giữa các địa phương chưa tương đồng. Khâu thẩm định hồ sơ chậm do lực lượng làm nhiệm vụ “mỏng”.

Tuy nhiên, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế khẳng định, đây là dự án trọng điểm, vì vậy, người dân bàn giao mặt bằng đến đâu tiến hành hạ giải nhà cửa đến đó, tránh tình trạng người dân tái lấn chiếm, gây khó khăn trong giải quyết. Những trường hợp chây ì cần cưỡng chế theo quy định pháp luật, kết hợp với truyền thông để tạo sự đồng tình của người dân.

Tại buổi kiểm tra thực tế và làm việc về tiến độ thực hiện dự án “Bảo tồn, tu bổ, tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế” vào chiều 20/5, đồng chí Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế xác định, đây là dự án đặc biệt quan trọng, tác động đến nhiều đối tượng dân cư. Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã triển khai tốt, nhưng hiện vẫn còn một số vướng mắc. Vì vậy, UBND TP Huế, các sở, ngành liên quan tập hợp tất cả các tình huống phát sinh và có sự thống nhất để đưa ra các giải pháp giải quyết rốt ráo, nhất là đối với những hộ phụ; giải quyết tốt công tác tái định cư; khẩn trương trả lại mặt bằng cho dự án. Đồng thời, UBND TP Huế phải trưng tập cán bộ nội bộ; rà soát, đề xuất bổ sung thêm đội ngũ cán bộ sở, ngành cấp tỉnh, nhất là vấn đề đo đạc, thẩm định đền bù một cách chặt chẽ, đồng bộ, rút ngắn thời gian; huy động tất cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng và vai trò của người đứng đầu.

“Bảo tồn, tu bổ, tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế” là dự án quan trọng không chỉ của tỉnh mà của Trung ương nên hạn chế thấp nhất những sai sót trong quá trình triển khai thực hiện. Đồng chí Lê Trường Lưu yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương, rà soát lại sinh kế của người dân, từ chỗ cũ, sang chỗ mới có gì khó khăn, để tập trung giải quyết, tháo gỡ khó khăn, góp phần ổn định cuộc sống cho người dân. Mục tiêu cao nhất là, đảm bảo tiến độ dự án, gắn với chăm lo đời sống, sinh kế của người dân.

Được biết, hiện, UBND TP Huế đang tiếp tục triển khai giai đoạn 2 (2022-2025) của dự án “Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế”. Theo đó, sẽ có có 1.954 hộ dân được di dời khỏi khu vực hồ Học Hải, đàn Xã tắc, Khâm Thiên Giám, Xiển Võ Từ, Lục Bộ và khu vực tiếp giáp Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Hải Lan

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/ban-doc-cand/nhieu-ho-dan-chua-ban-giao-mat-bang-tai-du-an-di-dan-lich-su-i655324/