Nhiều giáo viên vùng đặc biệt khó khăn không lấy được chồng

Theo Thứ trưởng Giáo dục, quy định về chính sách cho các giáo viên dạy ở vùng kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn còn nhiều bất cập.

Ngày 7/8, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị tổng kết các nghị định của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn.

Với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, Thứ trưởng Giáo dục Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, nghị định liên quan đã tạo bước tiến vượt bậc, thu hút giáo viên đến vùng đặc biệt khó khăn. Cụ thể, hơn 566.500 lượt người đã được hưởng phụ cấp ưu đãi với kinh phí hơn 11.500 tỷ đồng; hơn 18.100 lượt người được hưởng phụ cấp trách nhiệm với hơn 61,3 tỷ đồng; hơn 803.100 lượt người được hưởng phụ cấp thu hút với hơn 14.500 tỷ đồng...

Tuy nhiên theo bà Nghĩa, nghị định hiện hành có nhiều bất cập, đơn cử các chính sách ưu tiên chỉ áp dụng đối với những người ở vùng thuận lợi đến công tác ở vùng khó, còn những người bản địa thì không được hưởng.

'Có rất nhiều cô giáo công tác ở đây không lấy được chồng, nhiều người chưa lập gia đình', bà Nghĩa nói.

Giáo viên vùng cao. Ảnh minh hoạ: Trí Tín

Thứ trưởng Giáo dục bày tỏ lo lắng vì rất nhiều nhà giáo công tác ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, sau khi hết thời gian 5 năm đối với nam, 3 năm đối với nữ vẫn công tác tại vùng này nhưng không tiếp tục được hưởng phụ cấp thu hút. Trong số đó có nhiều người là dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, nhiều nhà giáo công tác tại trường của xã không phải vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, nhưng được phân công giảng dạy một số giờ tại điểm lẻ trường thuộc vùng khó không được hưởng phụ cấp ưu đãi.

Đặc biệt, chính sách đối với nhà giáo được điều động, luân chuyển từ vùng có điều kiện thuận lợi lên công tác ở nơi khó khăn còn một số vướng mắc. Như khi hết hạn công tác điều động, một số địa phương không bố trí cho những người này trở về nơi công tác ban đầu, do nơi đó đang đủ hoặc thừa giáo viên. Một số địa phương có xã đặc biệt khó khăn nhiều hơn xã thuận lợi, nên không có chỗ để luân chuyển, điều động giáo viên sau khi hết thời gian công tác ở vùng đặc biệt khó khăn...

Một số chế độ theo quy định hiện hành như tiền vận chuyển, mua nước ngọt, phụ cấp dạy tiếng Việt và phụ cấp lần đầu, tham quan học tập hầu như không được chi trả do ngân sách địa phương hạn chế.

'Chúng tôi đề nghị có nghị định mới để thống nhất thực hiện cho các đối tượng trên cùng một địa bàn, tránh việc chồng chéo của các nghị định, tránh trường hợp chậm chi trả, hoặc không chi trả, chi trả không đầy đủ, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động', bà Nghĩa nói.

Phó chủ tịch tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh cũng cho rằng, các Nghị định ra đời theo từng lĩnh vực nên rất khó trong cách hiểu văn bản, chính sách. Vì thế, ngành Giáo dục Đào tạo của Đắk Nông đã từng chi 40 tỷ đồng cho giáo viên - những người lẽ ra được hưởng chính sách lại chưa được hưởng.

Thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn tiếp thu ý kiến các đại biểu và cho biết, sau hội nghị này Bộ sẽ xây dựng dự thảo Nghị định mới.

Theo Hoàng Thùy/Vnexpress.net

Nguồn Tiin: http://tiin.vn/chuyen-muc/24/nhieu-giao-vien-vung-dac-biet-kho-khan-khong-lay-duoc-chong.html