Nhiều gia đình dân tộc thiểu số có 'của ăn của để' nhờ trồng cây dược liệu

Chia sẻ với Báo Sức khỏe và Đời sống, nhiều gia đình người dân tộc thiểu số miền núi cho rằng, kể từ khi chuyển đổi cây trồng sang cây dược liệu cho thu nhập khá, có tiền để xây nhà, mua xe và cho con cái học hành đầy đủ.

Chia sẻ với Báo Sức khỏe và Đời sống khi gửi hồ sơ tham gia Lễ Vinh danh "Vì sự phát triển dược liệu Việt gắn với phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi", hộ gia đình ông Đinh Văn Chiến (bản Suối Sấu, xã Song Khủa, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) cho biết, loại dược liệu mà gia đình trồng là cây đương quy và cánh cát.

Dù mới tham gia trồng dược liệu từ năm 2021 nhưng do tham gia chuỗi liên kết sản xuất dược liệu nên gia đình mạnh dạn đầu tư sản xuất trồng hơn 2ha. Trong quá trình trồng, chăm sóc, gia đình luôn tuân thủ theo hướng dẫn kỹ thuật của HTX nên cây dược liệu phát triển tốt, ước tính thu nhập từ dược liệu gấp đôi so với trồng cây lương thực.

Ông Sùng Seo Sếnh bên mảnh đất trồng dược liệu của gia đình.

Còn hộ gia đình ông Sùng Seo Sếnh (xã Tả Van Chư, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) cho hay, hiện gia đình trồng 2ha cây đương quy và cát cánh theo chuỗi liên kết của HTX. HTX sẽ căn cứ vào đăng ký của gia đình và cung cấp giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật và thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình trồng.

Cây đương quy của gia đình ông Sùng Seo Sếnh phát triển tươi tốt.

Ông Sùng Seo Sếnh vui mừng nói, sau 4 năm trồng dược liệu thì cho thu nhập tăng hơn hẳn so với trồng cây lương thực. Nhờ trồng dược liệu nên gia đình đã có tiền xây nhà mới khang trang, có điều kiện đưa 3 con đến trường.

Còn hộ gia đình ông Sùng Seo Thìn (xã Mậm Mòn, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) trồng cây tam thất bắc và thất diệp nhất chi hoa với diện tích hơn 2ha từ năm 2019 đến nay.

Vườn ươm trồng dược liệu của gia đình ông Sùng Seo Thìn.

Ông Sùng Seo Thìn nói, trước đây, hơn 2ha đất này chỉ trồng ngô và lúa, đến năm 2019 chuyển sang trồng cây tam thất bắc và cây thất diệp nhất chi hoa cho thu nhập cao hơn 100% so với trước đây.

Cũng giống như các gia đình khác, hộ gia đình ông Triệu Văn Liều (xã Vũ Minh, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) dành hơn 1,5ha trồng cây đương quy, cát cánh và khôi nhung.

Diện tích 1,5ha trước đây gia đình chủ yếu trồng ngô nhưng đầu năm 2023 đã chuyển dịch sang trồng dược liệu. Do được chăm sóc đúng kỹ thuật, cây phát triển tốt, ước tính sản lượng cuối năm 2023 thu hoạch tốt.

Ông Triệu Văn Liều khoe cây dược liệu của gia đình mình trồng.

Cùng chia sẻ với chúng tôi, hộ gia đình ông Triệu Đức Lường (xã Vị Hương, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn) dành 1,8ha trồng quế, hồi, thất diệp nhất chi hoa và một số dược liệu khác từ năm 2018.

Không chỉ trồng dược liệu, ông Triệu Đức Lường cũng đang lưu giữ nhiều bài thuốc quý của dân tộc và hay lên rừng sưu tầm cây thuốc quý về nhân giống, bảo tồn. Hiện ông đã nhân giống và thuần chủng được khoảng 3.000 cây thất diệp nhất chi hoa và nhiều giống dược liệu quý.

Không chỉ trồng dược liệu, gia đình ông Triệu Đức Lường còn tham gia bảo tồn, phát triển dược liệu.

Hiện ông đã liên kết và cung cấp dược liệu cho HTX Thiên An để làm thành các bài thuốc. Bằng việc trồng, chăm sóc dược liệu và lưu giữ nhiều bài thuốc quý đã giúp gia đình có thu nhập ổn định.

Đêm 21/12, lễ Vinh danh "Vì sự phát triển dược liệu Việt gắn với phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi" sẽ được tổ chức long trọng tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đây là chương trình do Cục quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) phối hợp cùng Báo Sức khỏe và Đời sống tổ chức. Tại buổi lễ, hơn 40 doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình có thành tích xuất sắc trong công cuộc trồng, chăm sóc, chế biến dược liệu vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng núi sẽ được vinh danh.

Buổi Lễ được truyền hình trực tiếp trên sóng VTC1- Đài truyền hình kỹ thuật số Việt Nam và hệ sinh thái Báo Sức khỏe và Đời sống.

42 Đơn Vị, Cá Nhân Qua Vòng Xét Duyệt Hồ Sơ Vinh Danh Vì Sự Phát Triển Dược Liệu Việt | SKĐS

Lê Bảo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhieu-gia-dinh-dan-toc-thieu-so-co-cua-an-cua-de-nho-trong-cay-duoc-lieu-169231220144356304.htm