Nhiều dự án Luật được Quốc Hội thảo luận ngày 31.10

Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 2, ngày 31/10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường nghe các Tờ trình dự án: Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật đường sắt (sửa đổi); Luật cảnh vệ; dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; dự án Luật thủy lợi… Ngay sau đó, các đại biểu về Tổ, thảo luận về 2 dự án: Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) và dự án quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ…

Đề nghị đổi tên thành “Luật quản lý, sử dụng tài sản công”

Trình bày Tờ trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định dự thảo Luật Quản lý sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi) được xây dựng dựa trên những nguyên tắc chung nhất trong quản lý, sử dụng tài sản công theo hướng bao quát đầy đủ phạm vi, đối tượng, nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công; kế thừa những nội dung, quy định hiện hành còn phù hợp, đã được thực hiện ổn định, có hiệu quả trong thực tế; sửa đổi những quy định không còn phù hợp với thực tế và yêu cầu quản lý trong tình hình mới; phân định tài sản công phục vụ công tác quản lý, cung cấp dịch vụ công, tài sản công phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, tài sản công phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi)

Dự thảo Luật gồm 10 Chương với 137 Điều, thể hiện sự đổi mới phương thức quản lý, sử dụng tài sản công phù hợp với từng loại tài sản theo hướng nắm chắc, hạch toán, thống kê đầy đủ tài sản công về giá trị và hiện vật, coi tài sản công là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội, tái cơ cấu ngân sách nhà nước.

Báo cáo nhấn mạnh: Việc sửa đổi Luật sẽ tạo lập cơ sở pháp lý để quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm tài sản công; ngăn chặn, đẩy lùi thất thoát, lãng phí, tham nhũng và những hành vi khác xâm phạm tài sản công; khai thác tài sản công hợp lý, hiệu quả gắn với việc huy động các nguồn lực của xã hội cùng Nhà nước đầu tư phát triển, khai thác tài sản công để tạo lập nguồn lực tài chính đóng góp có hiệu quả vào phát triển kinh tế xã hội, tái cơ cấu ngân sách nhà nước; từng bước chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý tài sản công, phát triển dịch vụ về tài sản công theo cơ chế thị trường trên cơ sở đảm bảo quyền sở hữu toàn dân về tài sản.
Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng việc sửa đổi luật hiện hành phải phân biệt rõ tài sản công phục vụ công tác quản lý của nhà nước, cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và tài sản công phục vụ mục đích thương mại để quy định cho phù hợp, trên cơ sở tách bạch chủ thể quản lý, sử dụng các loại tài sản công nhằm tối ưu hóa hiệu quả quản lý và sử dụng.

Ủy ban Tài Chính – Ngân sách nhất trí với Tờ trình của Chính phủ, theo đó sửa lại tên luật là: “Luật quản lý, sử dụng tài sản công” để bảo đảm phù hợp, thống nhất với quy định tại Điều 53 của Hiến pháp năm 2013 và Bộ luật dân sự 2015. Về vấn đề này, nhiều đại biểu cũng đồng tình với ý kiến đổi tên vì cho rằng, sử dụng cụm từ “tài sản công” thể hiện được đó là tài sản của đất nước, của nhân dân chứ không phải của một tổ chức hay cá nhân nào. Tài sản công rộng hơn, bên cạnh đó cũng thể hiện được thêm trách nhiệm cũng như quyền lợi của người dân đối với tài chung của đất nước.

Ngay sau khi nghe các Tờ trình, các đại biểu Quốc hội về Tổ, thảo luận dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi). Nhiều ý kiến tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật thời gian vừa qua; đồng thời việc sửa đổi góp phần thể chế hóa Điều 53 của Hiến pháp năm 2013 về tài sản công, tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, bảo đảm quản lý chặt chẽ tài sản công, góp phần khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực từ tài sản công phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.

Quy định về các trường hợp nổ súng

Làm việc tại hội trường chiều 31/10, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Theo đó, Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ sẽ thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về tăng cường công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tạo nhận thức thống nhất và đầy đủ về công tác này, bảo đảm tính hợp hiến và tương thích của luật với các quy định của pháp luật hiện hành. Đồng thời, Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được ban hành sẽ là văn bản pháp luật điều chỉnh thống nhất về lĩnh vực này. Bảo đảm tính kế thừa và phát huy tác dụng tốt của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; khắc phục được những bất cập trong công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này trong tình hình hiện nay.

Bộ trưởng Bộ công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

Ngoài ra, Luật cũng đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; quy định rõ, cụ thể các trường hợp được sử dụng các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ trong khi làm nhiệm vụ của các lực lượng chức năng có liên quan, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.

Dự thảo Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ gồm 08 chương, 75 điều. Theo Bộ trưởng Công an, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, quy định về nguyên tắc và các trường hợp được nổ súng trong khi thi hành nhiệm vụ. Tuy nhiên, quy định của Pháp lệnh chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn của công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đặc biệt là trong công tác cảnh vệ để ngăn chặn hoặc tiêu diệt đối tượng sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ tấn công đối tượng cảnh vệ thì được phép nổ súng ngay mà không cần phải thực hiện các hình thức cảnh báo. Bởi vậy, dự thảo Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định về các trường hợp nổ súng. Theo đó, khi làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia việc nổ súng thực hiện theo quy định của pháp luật; Nổ súng sau khi đã cảnh báo; nổ súng không cần cảnh báo…

Về vấn đề này, trong báo cáo thẩm tra dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí,vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, ông Võ Trọng Việt – Chủ nhiệm Ủy Ban Quốc Phòng và An Ninh của Quốc Hội cho hay, đa số ý kiến tán thành với các quy định về nổ súng. Điều luật đã quy định rõ các trường hợp nổ súng khi thực hiện nhiệm vụ có tổ chức, thực hiện nhiệm vụ độc lập, các trường hợp nổ súng sau khi đã cảnh báo và các trường hợp nổ súng không cần cảnh báo. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu các quy định về phòng vệ chính đáng và tình thế cấp thiết trong Bộ luật hình sự để cụ thể hóa trong Điều luật này nhằm bảo đảm chặt chẽ hơn.

Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng và an ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

Có ý kiến đề nghị Luật này chỉ quy định nguyên tắc nổ súng, còn các trường hợp nổ súng cụ thể cần được quy định trong các luật chuyên ngành để khắc phục sự thiếu định lượng trong các quy định về nổ súng. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị rà soát các quy định về nổ súng trong các luật chuyên ngành để quy định tại Luật này bảo đảm tính thống nhất, đầy đủ, cụ thể, khả thi mà không phải dẫn chiếu sang các luật khác; đề nghị xác định rõ người có thẩm quyền quyết định nổ súng trong trường hợp thực hiện nhiệm vụ có tổ chức quy định tại khoản 5 Điều này và trách nhiệm của cá nhân đó khi để xảy ra sai phạm. Đồng thời đề nghị bổ sung các trường hợp cụ thể như: nổ súng của lực lượng Cảnh vệ khi làm nhiệm vụ; nổ súng của người nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam khi cơ quan có thẩm quyền cho phép họ được mang vũ khí vào Việt Nam; nổ súng nơi đông người; nổ súng trên biển hoặc ở khu vực biên giới; nổ súng trên tàu bay của nhân viên an ninh trên không để bảo đảm an ninh chuyến bay.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc việc quy định các trường hợp nổ súng liên quan đến đối tượng có hành vi phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng… để bảo đảm phù hợp với chính sách xử lý hình sự và đề nghị rà soát để chỉnh lý quy định tại khoản 3 và khoản 4 bảo đảm phân định rõ các tình huống nổ súng nhằm tạo điều kiện cho việc thực thi và xử lý vi phạm.

Hà Vân

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/nhieu-du-an-luat-duoc-quoc-hoi-thao-luan-ngay-31-10/