Nhiều doanh nhân thành đạt nghìn tỷ xuất thân là người lao động làm thuê

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhiều doanh nhân thành đạt, với khối tài sản hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng, xuất thân từ người lao động làm thuê cho doanh nghiệp khác.

Nhiều doanh nhân thành đạt nghìn tỷ xuất thân là người lao động làm thuê cho doanh nghiệp khác

Theo báo cáo của Viện phát triển doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện nay, nhiều doanh nhân thành đạt, với khối tài sản hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng, xuất thân từ người lao động làm thuê cho doanh nghiệp khác.

 Báo cáo của VCCI cho biết, nhiều doanh nhân thành đạt nghìn tỷ xuất thân là người lao động làm thuê. (Ảnh: CT)

Báo cáo của VCCI cho biết, nhiều doanh nhân thành đạt nghìn tỷ xuất thân là người lao động làm thuê. (Ảnh: CT)

Báo cáo cho thấy, nếu như năm 2010, hầu hết các doanh nhân Việt Nam đều có xuất thân từ tầng lớp lao động và chủ yếu từ khu vực kinh tế nhà nước thì hiện nay tình hình đã thay đổi.

Theo Viện phát triển doanh nghiệp, năm 2010, trước khi trở thành những nhà kinh doanh thực sự có 28,02% doanh nhân đã từng làm việc doanh nghiệp nhà nước, 27,44% là những cán bộ, công chức nhà nước, 17,29% đã từng làm việc trong các doanh nghiệp tư nhân hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Đến năm 2020, các doanh nhân lại chủ yếu xuất thân từ những người làm việc trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI, chiếm tới 43,5%, tiếp đến mới là các cán bộ, công chức nhà nước (với 16,8%).

Đặc biệt, có tới 15,3% doanh nhân xuất phát từ các hộ kinh doanh chuyển lên thành doanh nghiệp, thể hiện một phần nào các chính sách khuyến khích phát triển hộ kinh doanh của Đảng và Nhà nước trong những năm gần đây.

Ngoài ra, các doanh nhân còn xuất thân từ các doanh nghiệp nhà nước (10,5%), từ sinh viên (8%) hay từ công nhân (4%). Những thành phần khác như từ lực lượng vũ trang, nông dân hay thất nghiệp đều chiếm tỷ lệ nhỏ không đáng kể.

Theo lãnh đạo VCCI, cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển mạnh mẽ, góp phần giải phóng và phát triển sức sản xuất, huy động và phát huy nội lực vào phát triển kinh tế xã hội, quyết định vào phục hồi và tăng trưởng kinh tế, tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng thu ngân sách và tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội như tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo,...

Các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã đóng góp khoảng 60% GDP; tạo việc làm cho gần 14,8 triệu lao động, chiếm 30,16% tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc của cả nước vào năm 2021, đóng góp ngày càng tăng vào ngân sách nhà nước.

Đội ngũ doanh nhân là lãnh đạo doanh nghiệp đạt 3 triệu người

Tại Hội nghị toàn quốc các Hiệp hội doanh nghiệp và giới doanh nhân Việt Nam năm 2023, diễn ra vào sáng 11/10, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhớ lại 37 năm trước, Chủ tịch VCCI cho biết Việt Nam nằm trong sự bủa vây của khó khăn kinh tế, cuộc sống nhọc nhằn với tỷ lệ trên 50% số hộ trong cả nước là hộ nghèo.

Sau quá trình Đổi mới từ năm 1986, việc chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã giúp nền kinh tế hồi sinh.

Đầu những năm 1990, sau khi Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân được ban hành, bên cạnh các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), trong toàn quốc chỉ có khoảng 5.000 doanh nghiệp tư nhân.

 Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). (Ảnh: Việt Vũ)

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). (Ảnh: Việt Vũ)

Ngày hôm nay, khu vực kinh tế tư nhân đã có tới gần 900.000 doanh nghiệp, cùng với các DNNN, các doanh nghiệp FDI, các hợp tác xã tạo thành lực lượng hùng hậu thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển, đưa quy mô GDP Việt Nam nằm trong Top 40 của thế giới, quy mô thương mại quốc tế nằm trong Top 20 của thế giới, sản phẩm Việt Nam tự hào vươn ra thị trường toàn cầu, đến mọi châu lục, đồng thời cũng đáp ứng tốt các nhu cầu trong nước.

Đời sống nhân dân được cải thiện vượt bậc, GDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 4.110 USD, tăng 48 lần so với năm 1986.

Theo Chủ tịch VCCI, với số lượng doanh nghiệp hiện nay, đội ngũ doanh nhân là lãnh đạo doanh nghiệp đã đạt con số từ 2-3 triệu người, còn nếu tính tất cả những người làm kinh doanh, những hộ kinh doanh cá thể thì đội ngũ doanh nhân có thể đạt tới 10 triệu người.

“Đây là một nguồn nhân lực đặc biệt của đất nước, có vai trò quan trọng trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập của nước Việt Nam thời kỳ mới”, ông Phạm Tấn Công cho biết.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhieu-doanh-nhan-thanh-dat-nghin-ty-xuat-than-la-nguoi-lao-dong-lam-thue-post268152.html