Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa 'biết cách' bán hàng xuyên biên giới

Số liệu thống kế từ Cục Thương mại điện tử, Bộ Công thương cho thấy, 49 triệu người Việt Nam sử dụng Internet mà chỉ có 200 tài khoản bán hàng trên Amazon và 11% doanh nghiệp xuất khẩu tham gia vào các sàn thương mại điện tử.

Hội thảo Xuất nhập khẩu trực tuyến 2017

Phát biểu tại buổi Hội thảo Xuất nhập khẩu trực tuyến 2017, ông Nguyễn Kỳ Minh, Giám đốc Trung tâm phát triển Thương mại điện tử, Bộ Công thương cho biết: "Lượng người dùng Internet tại Việt Nam ở mức khá cao, chiếm hơn 50% tương ứng 49 triệu dân. Đồng thời, về quy mô của thị trường thương mại điện tử Việt Nam cũng đang phát triển nhanh chóng, với giá trị năm 2016 đạt khoảng 5,01 tỷ USD, giá trị mua sắm trung bình 1 người cũng đạt mức 170 USD/năm".

Tuy nhiên, con số này chỉ bằng một phần nhỏ so với các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Pháp,... Điều đo cho thấy, tiềm năng của các thị trường thương mại điện tử nước ngoài là rất lớn và doanh nghiệp Việt Nam vẫn có thể mở rộng hoạt động xuất khẩu của mình mạnh mẽ hơn nữa đến các thị trường nước ngoài.

Ông Nguyễn Kỳ Minh, Giám đốc Trung tâm phát triển Thương mại điện tử, Bộ Công thương

Đối với Việt Nam, xuất khẩu chiếm tới 80% GDP của nước ta, tương đương giá trị 175,9 tỷ USD. Nhưng để đưa được sản phẩm từ doanh nghiệp đến ng tiêu dùng nước ngoài (B2B2C) là một điều không phải dễ dàng.

Hiện tại, chỉ có 11% doanh nghiệp xuất khẩu tham gia vào các sàn thương mại điện tử, đồng thời tỷ lệ doanh nghiệp xuất khẩu có website thương mại điện tử cũng chỉ chiếm 49%.

Từ đó, doanh nghiệp cũng có thể nhận thức được tiềm năng ứng dụng thương mại điện tử để thúc đẩy lĩnh vực này là rất lớn. Thương mại điện tử giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả ở tất cả các giai đoạn, từ tiếp thị, xúc tiến thương mại, tới giao kết và thực hiện hợp đồng, thanh toán, thủ tục hải quan và các thủ tục với các cơ quan quản lý nhà nước khác…

Cũng theo nghiên cứu của Cục thương mại điện tử (Bộ Công thương), ở các quốc gia châu Âu, lượng người dùng sử dụng trang thương mại điện tử như Amazon, Ebay để tìm kiếm thông tin về sản phẩm lên tới 55% trong khi các công cụ tìm kiếm Search engineer chỉ chiếm hơn 30% và cuối cùng mới đến các website của công ty.

Nếu tiếp cận được với các trang thương mại điện tử toàn cầu thì việc các doanh nghiệp quảng bá, xuất khẩu hàng hóa thông qua thương mại điện tử là điều rất khả thi và hiệu quả.

Mặc dù, lượng doanh nghiệp tiếp cận được với các dịch vụ công trực tuyến như hải quan điện tử, chứng nhận xuất xứ điện tử và nhiều dịch vụ công liên quan tới xuất nhập khẩu khác đang ngày càng tăng, nhưng mới chỉ dừng lại được ở mức hỗ trợ một số khâu trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc tìm kiếm đối tác nước ngoài thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử (B2B) mà chưa phát triển được mạng lưới bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng nước ngoài (B2C), hay còn gọi là mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới.

Trong những năm gần đây, đã có một số doanh nghiệp quan tâm đến mô hình này nhưng khả năng khai thác còn rất hạn chế. Một trong những yếu tố khiến doanh nghiệp Việt Nam chưa tự tin tham gia vào các sàn giao dịch thương mại quốc tế là kỹ năng bán hàng và xuất khẩu hàng hóa.

Đồng thời, kênh logistis hiện đại cũng là một yếu tố quan trọng khi các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tiếp cận được với các đơn vị cung cấp dịch vụ logistics và hoàn tất đơn hàng.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trực tuyến vẫn còn gặp trở ngại trong việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến khi chưa có các kỹ năng và thông tin đầy đủ. Mặc dù, họ nhận thức được việc sử dụng dịch vụ công online sẽ mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, chất lượng và tính ổn định của các hệ thống cung cấp dịch vụ công cũng là một vấn đề mà doanh nghiệp lo ngại. Vì vậy, các cơ quan nhà nước phải nâng cao tiêu chuẩn và tập huấn kỹ năng cho các doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ công.

NGUYỄN THẮM

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/nhieu-doanh-nghiep-van-chua-biet-cach-ban-hang-xuyen-bien-gioi-2770729.html