Nhiều diện tích lúa bị sâu bệnh gây hại

Lúa đông xuân đang giai đoạn đẻ nhánh cũng là thời điểm sâu bệnh bắt đầu gây hại, có khả năng lây lan diện rộng.

Kiểm tra sâu bệnh trên lúa

Ông Phan Văn Thanh ở xã Quảng Thọ (Quảng Điền) thông tin, khoảng một tuần nay các loại sâu bệnh xuất hiện trên lúa đông xuân và có dấu hiệu lây lan trên diện rộng. Trong số các loại sâu bệnh trên lúa, tập trung nhiều nhất bệnh đạo ôn, là loại bệnh khá nguy hiểm đối với cây lúa nếu không có biện pháp phòng trừ hiệu quả.

Từ những ngày sau Tết đến nay, ông Thanh cũng như nông dân toàn tỉnh tập trung chăm sóc, bón phân để kích thích lúa sinh trưởng, nhất là vào giai đoạn đẻ nhánh. Mặc dù thường xuyên theo dõi, phun thuốc phòng trừ nhưng vẫn chưa thể ngăn chặn bệnh đạo ôn gây hại lúa.

Theo sự hướng dẫn của cán bộ bảo vệ thực vật, chính quyền địa phương, ông Thanh đang tích cực phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn và các loại sâu bệnh gây hại khác. Yêu cầu đối với nông dân hiện nay là không lạm dụng thuốc trừ sâu, diệt cỏ mà phải sử dụng đúng loại thuốc, liều lượng, phun đúng thời điểm… để mang lại hiệu quả phòng trừ.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, ông Hồ Đính thông tin, đây là thời điểm thích hợp đối với các loại bệnh sinh trưởng và lây lan trên lúa đông xuân. Trong số các loại sâu bệnh gây hại, phổ biến nhất hiện nay có khoảng 400ha bị bệnh đạo ôn, chủ yếu trên các giống lúa JO2, nếp với tỷ lệ 5-10%.

Các diện tích lúa bị bệnh đạo ôn gây hại chủ yếu tại các địa phương như Thủy Châu, Thủy Phương, Thủy Phù… (TX. Hương Thủy), Phú Hồ, Phú Mỹ, Phú Gia, Phú Đa, Phú Lương, Vinh Xuân… (Phú Vang), An Xuân, Đông Vinh, Quảng Thọ… (Quảng Điền).

Cùng với bệnh đạo ôn, hiện nay chuột vẫn tiếp tục gây hại trên hàng trăm diện tích lúa tại các địa phương với tỷ lệ 3-5%, nơi cao 10-20%. Các địa phương sử dụng thuốc kết hợp bắt bẫy chuột bằng thủ công. Riêng thuốc đã sử dụng 267,5kg và tiêu diệt gần 6.000 con chuột.

Ông Hồ Đính dự báo, thời gian đến, bệnh đạo ôn lá tiếp tục phát sinh gây hại trên các giống thường bị nhiễm như Nếp, X21, Xi23, JO2... Chuột tiếp tục gây hại gia tăng mật độ và tỷ lệ hại trên các chân ruộng gần các cồn, mồ mả, đê đập. Một số đối tượng sâu bệnh khác như sâu cuốn lá nhỏ, rầy các loại, bệnh khô vằn... dự báo sẽ phát sinh gây hại với mật độ, tỷ lệ thấp.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh phối hợp với các địa phương đang triển khai hướng dẫn nông dân chăm sóc, bón phân thúc cân đối, điều tiết nước hợp lý... giúp lúa sinh trưởng tốt, tăng khả năng chống chịu với sinh vật gây hại. Đặc biệt, chú trọng hướng dẫn nông dân hạn chế tối đa sử dụng thuốc trừ sâu, diệt cỏ, phun đúng thuốc, đúng thời điểm, liều lượng… nhằm đảm bảo mang lại hiệu quả phòng trừ sâu bệnh và chất lượng sản phẩm, an toàn sức khỏe con người.

Yêu cầu với người dân hiện nay là phải tăng cường kiểm tra đồng ruộng nhằm phát hiện sớm bệnh đạo ôn lá để phun phòng trừ kịp thời khi bệnh chớm xuất hiện, nhất là trên các giống nhiễm như Xi23, Nếp, JO2... Đồng thời, theo dõi diễn biến thời tiết và các đối tượng sinh vật gây hại khác để có biện pháp chăm sóc, quản lý và phòng trừ sâu bệnh kịp thời, hiệu quả, ngăn chặn tối đa khả năng lây lan diện rộng.

Bài, ảnh: Thế Hoàng

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/nhieu-dien-tich-lua-bi-sau-benh-gay-hai-138609.html