Nhiều địa phương cho học sinh nghỉ học vì dịch phức tạp và rét đậm, rét hại

Do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và thời tiết rét đậm rét hại, nhiều địa phương đã có phương án cho học sinh nghỉ học và chống rét cho người già, trẻ em.

Theo PV Lê Hạnh (VOV-Tây Bắc), gần 60 trường học ở Sơn La đã dừng việc học trực tiếp do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Theo đó, ngày 21/2, 59 trong tổng số 609 đơn vị trường học ở tỉnh Sơn La đã cho học sinh tạm dừng đến trường học trực tiếp. Trong đó, có 37 trường phổ thông tạm dừng cho học sinh đến trường và học theo hình thức giao bài về nhà; 7 trường phổ thông thực hiện dạy và học trực tuyến; 15 trường mầm non nghỉ học.

Học sinh thường xuyên được kiểm tra sức khỏe tại lớp học.

Theo thống kê, đến nay, ngành giáo dục và đào tạo Sơn La đã ghi nhận hơn 1.500 cán bộ, giáo viên, học sinh mắc COVID-19 ở các cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông và giáo dục thường xuyên; trên 16.000 người là F1.

Các cơ sở giáo dục ghi nhận có F0 đã chủ động, kịp thời triển khai các phương án, kịch bản đã được xây dựng; đồng thời, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế và của tỉnh; bảo đảm hoàn thành mục tiêu vừa phòng chống dịch bệnh, vừa hoàn thành chương trình, kế hoạch năm học 2021-2022.

Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La cũng chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục bổ sung kế hoạch, phương án dạy học an toàn, thích ứng với dịch bệnh COVID-19. Đồng thời, rà soát, đề xuất phối hợp với ngành y tế để hoàn thành mục tiêu 100% học sinh trong độ tuổi được tiêm chủng phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Tại Lai Châu, trước tình hình rét đậm, rét hại kèm theo mưa trên diện rộng, ngày 21/2, gần 17.000 học sinh tại 38 trường học ở các huyện Tam Đường, Sìn Hồ, Than Uyên, Phong Thổ đã cho học sinh nghỉ học để tránh rét.

Theo PV Khắc Kiên (VOV-Tây Bắc), ông Lò Việt Tuyển, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Lai Châu cho biết, ngành giáo dục đã có văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đơn vị trường học chủ động rà soát, kiểm tra, sửa chữa cơ sở vật chất phòng học, phòng ở bán trú, phòng ăn và những điều kiện khác đảm bảo giữ ấm cho học sinh.

Các nhà trường, nhất là các trường ở vùng cao tăng cường công tác tuyên truyền tới cán bộ, giáo viên, nhân viên và gia đình học sinh quan tâm giữ ấm cho học sinh, con em mình bằng cách mặc quần áo ấm, đeo tất chân, tất tay, khăn quàng cổ... Không bắt buộc học sinh phải mặc đồng phục; không tổ chức các hoạt động tập trung học sinh ngoài trời vào những ngày thời tiết quá khắc nghiệt; giờ học thể dục cần bố trí hợp lý để đảm bảo sức khỏe cho học sinh.

Các trường học ở Lai Châu chú ý giữ ấm cho học sinh trong những ngày giá rét.

Các đơn vị có tổ chức nuôi dưỡng học sinh nội trú, bán trú thường xuyên kiểm tra, rà soát bổ sung chăn, áo ấm cho học sinh và chỗ ngủ đảm bảo kín, ấm áp. Tổ chức nấu ăn cho học sinh đảm bảo khẩu phần, chế độ dinh dưỡng, an toàn thực phẩm. Ngoài ra, các trường phải thường xuyên kiểm tra sức khỏe cho học sinh, trang bị đầy đủ các loại thuốc, thiết bị cần thiết để chăm sóc học sinh khi có dấu hiệu bị cảm lạnh, sốt, ho...

Ngày 21/2, trên địa bàn tỉnh Lai Châu tiếp tục có mưa rải rác, trời rét đậm, rét hại. Nhiệt độ trung bình tại các địa phương phổ biến từ 5-7 độ C, nhiều nơi vùng núi cao như Sìn Hồ, Tam Đường, Phong Thổ mức nhiệt từ 2-4 độ C, một số điểm cao đã cán mức nhiệt độ âm và xuất hiện băng giá.

Theo dự báo, rét đậm, rét hại trên địa bàn sẽ còn kéo dài đến hết ngày 23/2, vì vậy cơ quan khí tượng thủy văn địa phương khuyến cáo người dân hạn chế các hoạt động ngoài trời, cũng như có biện pháp giữ ấm cho người và vật nuôi để đảm bảo an toàn trong giá rét.

Cũng do rét đậm, rét hại, Quảng Bình đã lên phương án cho học sinh nghỉ học và bảo vệ người già, trẻ em. PV Thanh Hiếu (VOV-Miền Trung) đưa tin, những ngày qua, tại tỉnh Quảng Bình trời chuyển rét đậm và có mưa. Tỉnh này đang triển khai các biện pháp phòng, chống rét, đặc biệt quan tâm đến sức khỏe người già và trẻ em, khu vực miền núi, bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

Tỉnh Quảng Bình yêu cầu các địa phương có phương án cho học sinh nghỉ học khi nhiệt độ giảm thấp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhất là những trường học, trường nội trú ở các vùng cao. Các trường học chủ động phương án dạy và học, phối hợp chặt chẽ với các cơ sở y tế địa phương theo dõi và chăm sóc sức khỏe học sinh. Các huyện, thị xã, thành phố triển khai biện pháp đảm bảo an toàn cho người già, trẻ nhỏ, tuyên truyền người dân không dùng bếp than để sưởi ấm trong phòng kín.

Ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Bình hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho cây trồng; không gieo cấy, dặm tỉa, bón phân khi nhiệt độ thấp dưới 15 độ C; kịp thời tiêu thoát nước cho những vùng ruộng thấp trũng bị ngập úng cục bộ, hướng dẫn nông dân bón bổ sung phân kali, tro bếp, phân lân... để tăng cường khả năng chống rét cho lúa. Mặt khác, khuyến cáo người chăn nuôi không thả rông gia súc trên rừng, chủ động chống đói, rét, che chắn chuồng trại, giữ ấm cho vật nuôi và tích trữ sẵn các loại thức ăn khô để tránh tình trạng vật nuôi bị đói, giảm sức chống chịu…

Các cơ sở y tế địa phương theo dõi và chăm sóc sức khỏe người già, trẻ em trong thời tiết rét đậm, rét hại.

Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết: “Bắt đầu vào vụ sản xuất Đông-Xuân, thời tiết có đợt rét đậm, rét hại. Chúng tôi đã có những văn bản hướng dẫn các địa phương có những biện pháp phòng chống rét đậm rét hại cho cây trồng. Đặc biệt, trong chăn nuôi thì chúng tôi hướng dẫn cho nông dân chuẩn bị các phương tiện chống rét cho đàn gia súc, gia cầm, chuẩn bị thức ăn thô xanh cho vật nuôi có sức chống chịu trước các đợt rét đậm rét hại”./.

PV/VOV

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/nhieu-dia-phuong-cho-hoc-sinh-nghi-hoc-vi-dich-phuc-tap-va-ret-dam-ret-hai-post925592.vov