Nhiều cử tri kiến nghị về nợ đóng bảo hiểm xã hội, thiếu cán bộ công đoàn

Nhiều nội dung quan trọng, bức thiết liên quan đến nợ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), thiếu cán bộ công đoàn được cử tri là công nhân, người lao động các địa phương Điện Bàn, Duy Xuyên, Hội An kiến nghị tại Hội nghị TXCT giữa Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam với công nhân, người lao động do Liên đoàn Lao động tỉnh vừa tổ chức nhân dịp tháng công nhân.

Tham dự hội nghị có: Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Phan Thái Bình; Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ủy ban Xã hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Dương Văn Phước; Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đặng Thị Bảo Trinh; cùng đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các sở, ban ngành liên quan; đại diện Thị ủy, UBND thị xã Điện Bàn và gần 200 đoàn viên, công nhân, người lao động.

Quang cảnh Hội nghị tiếp xúc cử tri

Kiến nghị nhiều nội dung quan trọng, bức thiết

Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam Dương Văn Phước báo cáo với cử tri kết quả thực hiện một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội của cả nước và tỉnh Quảng Nam những tháng đầu năm 2024;dự kiến nội dung chương trình Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV; gợi ý một số nội dung để cử tri tham gia góp ý, trong đó có dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và Luật Công đoàn (sửa đổi).

Tại buổi tiếp xúc, nhiều công nhân quan tâm, nêu ý kiến liên quan đến chế độ, chính sách về BHXH và dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Cử triNguyễn Chiến Thắng (Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc) cho rằng, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) sẽ giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu xuống 15 năm để nhiều người lao động được hưởng chế độ hưu trí, nhưng mức lương được hưởng sẽ rất thấp. Do đó, kiến nghị việc xem xét có các quy định mang tính chia sẻ, hỗ trợ đối với những người lao động có mức tiền lương hưu quá thấp do số năm tham gia BHXH thấp.

Bức xúc trước tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng BHXH, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, nhiều cử tri kiến nghị việc sửa đổi Luật BHXH phải khắc phục tình trạng này, xử lý nghiêm các chủ doanh nghiệp cố tình trốn đóng BHXH.

Liên quan đến bảo hiểm y tế, cử tri cho rằng, người lao động, đặc biệt là công nhân có thẻ BHYT không được thanh toán khi khám chữa bệnh vào các ngày nghỉ, ngày lễ là chưa phù hợp với thực tiễn, ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động khi đau ốm…

Ngoài ra, công nhân, người lao động kiến nghị Nhà nước quan tâm, xây dựng khu vui chơi dành cho con đoàn viên, công nhân lao động; nghiên cứu bổ sung tăng thêm 2 ngày nghỉ lễ dịp Quốc Khánh (nghỉ từ ngày 2-5.9), tạo cơ hội cho công nhân được đưa con đến trường trong ngày khai giảng 5.9.

Cử tri phát biểu ý kiến tại hội nghị

Góp ý về Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), nhiều cử tri là cán bộ Công đoàn cơ sở kiến nghị các nội dung liên quan đến công tác cán bộ của tổ chức Công đoàn. Cử tri Nguyễn Đắc Hưng, cán bộ Công đoàn thị xã Điện Bàn cho biết: Hiện nay, số lượng cán bộ công đoàn ở cấp tỉnh, huyện được bố trí chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ, số lượng đoàn viên tăng liên tục gây khó khăn cho hoạt động công đoàn, có nơi công đoàn không kịp thời chăm lo, bảo vệ được quyền lợi người lao động. Đề nghị Quốc hội xem xét có giải pháp quy định cơ chế quản lý biên chế phù hợp trong Luật Công đoàn (sửa đổi), tăng quyền chủ động của công đoàn trong bố trí đội ngũ cán bộ công đoàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Cử tri cho biết thêm, lao động khu vực phi chính thức hiện nay rất đông và là lực lượng yếu thế rất cần được công đoàn bảo vệ; kiến nghị Quốc hội xem xét cho phép người lao động khu vực không chính thức có quyền thành lập, gia nhập công đoàn để họ được bảo vệ quyền lợi.

Cử tri Nguyễn Thị Hoa, công nhân Công ty may Minh Hoàng kiến nghị xem xét, điều chỉnh thị xã Điện Bàn từ vùng III lên vùng II với lý do thị xã nằm giáp ranh thành phố Đà Nẵng (vùng I) và thành phố Hội An (vùng II); đa số công nhân, lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn thị xã đến từ thành phố Đà Nẵng và thành phố Hội An nên thu nhập chưa cải thiện được đời sống của công nhân, lao động.

Ngoài ra, nhiều kiến nghị liên quan đề các vấn đề như: xem xét khi quy hoạch khu công nghiệp phải được gắn với quy hoạch khu nhà ở cho công nhân; có cơ chế, chính sách riêng về khuyến khích đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, khu kinh tế; hỗ trợ để công nhân lao động được mua nhà ở.

Nghiên cứu giám sát nợ bảo hiểm xã hội, nợ kinh phí công đoàn

Thông tin thêm về bố trí cán bộ chuyên trách công đoàn, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Phan Xuân Quang cho biết: Thực tế, một số doanh nghiệp có số lao động lớn, nhưng cán bộ công đoàn chưa bố trí đúng quy định và do công ty chi trả chế độ, nên việc phát huy vai trò của cán bộ công đoàn còn hạn chế. Do đó, đề nghị Luật Công đoàn (sửa đổi) cần quy định bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách, lương cán bộ từ Liên đoàn Lao động chi trả mới phát huy rõ vai trò bảo vệ quyền lợi công nhân.

Giải trình làm rõ một số kiến nghị của cử tri, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Nguyễn Văn Hùng cho biết, hiện nay, việc xác nhận tai nạn lao động để giải quyết chế độ thống nhất quy định là công an cấp xã, phường hoặc UBND cấp xã, phường xác nhận. Về giảm 15 năm đóng BHXH để nhiều người tham gia, bảo đảm mạng lưới an sinh xã hội, quyền lợi người lao động, theo quy định người lao động đóng BHXH càng cao, hưởng lương càng nhiều. Thực tế nhiều doanh nghiệp trả lương công nhân cao, nhưng mức lương đóng thấp, ảnh hưởng quyền lợi người lao động.

Đối với nội dung nợ đóng BHXH, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Quí Quý cho biết: Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam hiện nợ đóng BHXH lên đến hơn 260 tỷ đồng, nhất là các doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Thời gian qua, ngành Lao động đã thành lập nhiều đoàn thanh tra, xử lý trong đó có nợ kinh phí công đoàn, nợ BHXH; nhắc nhở, đôn đốc doanh nghiệp nộp và có kiến nghị UBND tỉnh xử lý một vài doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong giai đoạn khó khăn vừa qua, quan điểm của tỉnh là giải quyết hài hòa. Sở đã tiếp tục đôn đốc và thực tế một số doanh nghiệp cũng đã dần nộp tiền nợ BHXH.

Trao đổi, làm rõ về nội dung điều chỉnh Điện Bàn lên vùng II, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Quí Quý cho biết: Sở đã khảo sát, phối hợp với các cơ quan liên quan tổng hợp, giải trình báo cáo UBND tỉnh đề xuất điều chỉnh Điện Bàn lên vùng II. Tuy nhiên, UBND tỉnh vẫn chưa thống nhất, lý do sẽ ảnh hưởng đến thu hút doanh nghiệp, đề nghị Sở tiếp tục nghiên cứu. Trên thực tế một số doanh nghiệp tại Điện Bàn đã trả lương cho công nhân cao hơn so với vùng II. Tuy nhiên, nếu điều chỉnh thì không thay đổi lớn về mức lương, mà thay đổi về mức đóng BHXH; nên việc điều chỉnh này hoàn toàn xác đáng. Do đó, thời gian tới Sở sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh kiến nghị Trung ương điều chỉnh lên vùng II đối với Điện Bàn.

Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Phan Thái Bình nhấn mạnh: Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ rà soát tiếp thu, kiến nghị với Quốc hội một số nội dung xác đáng qua ý kiến của công nhân, người lao động.

Về nội dung nợ BHXH, nợ kinh phí công đoàn, đây là vấn đề lớn, nhức nhối, ngoài doanh nghiệp thật sự khó khăn, thì vẫn có những doanh nghiệp cố tình chây ì. Thông tin thêm đến cử tri, tính đến tháng 6.2023, tổng nợ kinh phí công đoàn là trên 100 tỷ đồng, như vậy rất khó khăn cho hoạt động công đoàn. Đề nghị sở, ngành liên quan thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc nợ đóng BHXH, nợ kinh phí công đoàn, xử lý nghiêm túc đối với doanh nghiệp cố tình nợ, đây là cơ sở để công đoàn các cấp khởi kiện. Đồng thời, Đoàn ĐBQH tỉnh nghiên cứu giám sát về nội dung này trong thời gian tới.

Tặng quà cho công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn

Nhân dịp này, ĐBQH tỉnh, lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam đã trao 148 suất quà, mỗi suất quà trị giá 1 triệu đồng cho công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo.

Vinh Phạm

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/nhieu-cu-tri-kien-nghi-ve-no-dong-bao-hiem-xa-hoi-thieu-can-bo-cong-doan-i370738/