Nhiều cây Hà Nội chết khô: Chưa học được Trung Quốc

Trên các tuyến phố chung thì nên lựa chọn những loại cây phổ thông đảm bảo cho tất cả người dân Hà Nội đều được hưởng thụ.

Theo phản ánh, nhiều ngày gần đây cả trăm cây xanh trồng dọc hai bên đường Nghiêm Xuân Yêm, Nguyễn Xiển (thuộc địa bàn huyện Thanh Trì, Q.Hoàng Mai, Q.Thanh Xuân, Hà Nội) đồng loạt chết khô.

Cây chết thành dãy trên phố Nguyễn Xiển (đoạn giáp ranh Q.Thanh Xuân và huyện Thanh Trì) - Ảnh: TTO

Thông tin tờ Tuổi trẻ cho biết, những cây bị chết hầu hết là xà cừ. Nhận định về hiện tượng trên, trao đổi với Đất Việt, ông Đặng Văn Khang - Giám đốc Công ty cây xanh Trúc Lâm cho biết, nguyên nhân dẫn tới cây trồng bị chết có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân mang tính quyết định như kỹ thuật bứng cây, kỹ thuật trồng, điều kiện khí hậu, điều kiện đất đai...

"Để di chuyển một cây xanh ra trồng ở một vị trí khác không hề đơn giản. Với những cây bóng mát có đường kính gốc <10cm nếu đảm bảo thời gian đôn đảo đúng yêu cầu kỹ thuật thì tỉ lệ sống rất cao, có thể lên tới 90%", ông nói.

Vị Giám đốc công ty cây xanh Trúc Lâm tỏ ra rất ngạc nhiên trước hiện tượng hàng loạt cây xà cừ trên tuyến đường này mới trồng đã chết.

"Xà cừ là loại cây dễ sống nhưng lại bị chết như vậy là do làm ẩu, thiếu kinh nghiệm, đánh cây không đúng kỹ thuật".

Ông Khang nói và cho biết thêm, có thể đơn vị thực hiện đã đánh cây rồi đem đi trồng thẳng chứ không thực hiện đúng quy trình đôn đảo cây trước khi trồng.

Chia sẻ thêm ông Khang cho biết, với những cây xà cừ có đường kính 10 cm (tính từ gốc lên 1-2m) đơn vị ông thường thực hiện với giá là 2,5 triệu/cây bao gồm cả công trồng và thời gian bảo hành trong khoảng 3 tháng.

"Tôi đảm bảo chỉ trong 3 tháng là cây đã sống, nếu trong thời gian này mà cây chết thì đơn vị trồng cây phải chịu bồi thường", ông Khang nói.

Cũng theo ông Khang, việc để cây trồng chết như vậy là gây lãng phí rất lớn. Nếu muốn xác định nguyên nhân cây chết chỉ cần nhổ cây lên là tìm được nguyên nhân.

"Chỉ cần nhổ cây lên là biết cây chết do thời tiết, do chăm sóc kém hay là do khâu kỹ thuật", ông Khang khẳng định.

Ngoài ra, ông Khang lưu ý, khâu khảo sát đất trồng trước khi trồng cây cũng là khâu rất quan trọng.

"Có thể đất bị nhiễm phèn chua lớn cũng có thể không thích hợp với cây xà cừ. Ở đây có hai vấn đề là loại cây trồng có phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, đất đai khu vực đó không? Và thứ hai là kỹ thuật, kinh nghiệm của đơn vị thực hiện", ông Khang nhấn mạnh.

Trung Quốc trồng cây rẻ vẫn đẹp

Cũng đồng tình với quan điểm trên, ông Đức - Giám đốc Công ty cổ phần cây xanh Tiến Đức lý giải thêm nguyên nhân có thể khiến cây vừa trồng đã chết.

Ông Đức cho hay, bất kỳ loại cây nào trước khi trồng cũng phải đảm bảo những nguyên tắc sau: Thứ nhất, nếu là cây trồng ngay thì phải đảm bảo kỹ thuật đôn đảo. Thứ hai, là đất đã đủ ải để trồng hay chưa? Nếu đất còn "tươi" mà đã trồng cây ngay cũng khiến cây bị chết.

"Tôi ví dụ, đất ở Quảng Ninh là đất bị nhiễm mặn nhưng đất Hà Nội là đất chưa đủ thời gian để ải, nếu trồng cây gặp phải trời mưa sẽ dẫn tới lắng đọng, hỏng gốc", ông Đức cho hay.

Theo quan sát của tôi, tôi cũng nhìn nhận có một số tuyến phố ở Hà Nội trồng cây rất đẹp như tuyến phố Võ Chí Công. Cây trồng trên tuyến phố này phù hợp cả về chiều cao, chủng loại, mật độ cây xanh theo tiêu chuẩn của tuyến phố.

Ông Đức cho biết, về nguyên tắc tại các khu đô thị lớn có thể lựa chọn những cây đắt tiền, tuy nhiên, trên các tuyến phố chung thì nên lựa chọn những loại cây phổ thông đảm bảo cho tất cả người dân Hà Nội đều được hưởng thụ.

"Tôi đã từng đi Thái Lan, đi Trung Quốc, ở đây họ cũng trồng cây ít tiền nhưng rất đẹp", ông Đức cho hay.

Tương tự, Công ty cây Việt Nam cũng chỉ ra các điều kiện như kỹ thuật, khí hậu, đất đai là những nhân tố quan trọng quyết định sự sống còn của một cây trồng.

Tuy nhiên, ông quan tâm nhiều hơn tới yếu tố thời tiết, khâu chăm sóc kém, quá trình vận chuyển không đảm bảo cũng có thể là nguyên nhân khiến cây chết.

Cây chết hàng loạt ở Hà Nội:Ai trồng lát hoa mùa hè?

Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng kỹ thuật bứng cây, khảo sát đất trồng chính là yếu tố sống còn của một cây trồng.

"Đào một cây lên trồng chỗ khác nó không khác một người ốm, nếu được chăm sóc, thuốc thang đầy đủ thì nó sẽ phục hồi tốt. Vì vậy, kinh nghiệm của chúng tôi là trồng cây sẽ mang luôn cả đất màu của mình theo. Hiện nay đất Hà Nội bị ô nhiễm rất nhiều. Mỗi đợt mưa, lụt, nước thải tràn lên gây ô nhiễm, không phù hợp với trồng cây", ông cho hay.

Hiện tượng cây xanh chết hàng loạt từng xảy ra trên nhiều tuyến phố. Cụ thể trên phố Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân, Hà Nội), tính từ thời điểm thông xe của đường Lê Trọng Tấn (7/5) đến nay mới chỉ có gần 3 tháng, nhưng hàng loạt cây xanh đô thị được trồng trên vỉa hè của tuyến đường này bỗng dưng chết đứng.

Tình trạng trên cũng xảy ra tương tự trên đường Nguyễn Chí Thanh, Bưởi - Nhật Tân, Tố Hữu, Nguyễn Trãi, Thái Hà, gây lãng phí lớn. Theo tính toán trung bình một cây trồng như lát hoa có giá từ 3-5 triệu/cây, giá với cây xà cừ có giá từ 2-2,5 triệu/cây.

Được biết, Hà Nội đã cử cán bộ sang Trung Quốc trồng cây xanh. Phía Trung Quốc cũng cử chuyên gia sang chuyển giao công nghệ cho Công ty cây xanh Hà Nội.

Thái An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/nhieu-cay-ha-noi-chet-kho-chua-hoc-duoc-trung-quoc-3321624/