Nhiều cách xâm nhập, bẫy thú tinh vi trên rừng Sơn Trà

Dù đã giảm thiểu so với trước đây nhưng nạn bẫy bắt động vật hoang dã (ĐVHD) trong các cánh rừng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà (Đà Nẵng) vẫn chưa thể chấm dứt. Đây là nguy cơ gây ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái của rừng đặc dụng Sơn Trà.

Một bẫy thú được lực lượng chức năng phát hiện.

Chị Thanh Trúc, một tình nguyện viên chuyên “giải cứu” ĐVHD tại bán đảo Sơn Trà kể, vào ngày 30 Tết vừa qua, chị nhận được tin báo của người dân về việc một cá thể chồn dính bẫy kẹp trong tình trạng thoi thóp. Khi chị tới nơi thì chiếc bẫy đã được gỡ bỏ, chỉ còn lại dấu vết một cái hố và đường dẫn dụ các con thú được ngụy trang rất khéo. Khoảng một tuần sau, tại khu vực bãi rác gần cùa Linh Ứng, chị Trúc tiếp tục phát hiện một con khỉ chết đang trong quá trình phân hủy cũng do dính bẫy kẹp ở chân.

Sau các vụ việc nói trên, các tổ công tác của Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn đã tăng số lần tuần tra để ngăn chặn việc xâm nhập rừng trái phép, đồng thời kiểm tra, tháo gỡ bẫy do các đối tượng giăng lên trong các khu rừng. Trong quá trình tuần tra, lực lượng chức năng phát hiện rất nhiều loại bẫy kẹp được đặt trong rừng để bẫy thú. Cộng cả dịp Tết Dương lịch 2024 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn, lực lượng Kiểm lâm liên quận đã tổ chức 20 đợt tuần tra, truy quét trong các cánh rừng có nguy cơ bị xâm nhập trái phép. Qua đó, đã phát hiện, tháo dỡ, tiêu hủy 1 lán trại, 2 võng dù, thu 12 bẫy kẹp bằng sắt, 118 dây bẫy làm bằng phanh xe đạp, 5 lồng bẫy sắt đặt tại các khu vực có đường đi lại thường xuyên của các loại thú quý hiếm như khỉ, chồn, cu ly, voọc…

Một cá thể khỉ bị dính bẫy kẹp của các đối tượng săn thú trên rừng Sơn Trà. Ảnh: T.TRÚC - A.BÌNH

Theo các cán bộ kiểm lâm, vào mùa du lịch, lượng khách lên bán đảo Sơn Trà tăng cao, đặc biệt là các ngày cuối tuần. Một số đối tượng đã lợi dụng trà trộn vào dòng người để xâm nhập vào rừng đặt bẫy bắt ĐVHD. Ngoài những đối tượng đã có kinh nghiệm đi rừng lâu nay, gần đây có xu hướng đặt các loại bẫy đơn giản hơn nhưng vẫn bắt thú hiệu quả. Qua nghiên cứu, những người này vào rừng, ở lại trong rừng để thực nghiệm kỹ năng sinh tồn như các video hướng dẫn trên mạng xã hội. Sau khi vào rừng, một số đối tượng còn tinh vi trong việc chọn thời gian đặt bẫy cũng như theo dõi lực lượng chức năng tuần tra để đặt bẫy lệch tuyến, lệch thời gian nhằm đối phó…

Lãnh đạo Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn cũng cho biết, địa hình bán đảo Sơn Trà có nhiều hướng xâm nhập, việc du khách đi lại tự do ở một số tuyến đường như cửa vào rừng cũng đã khiến việc kiểm soát người ra vào khó khăn. Bên cạnh đó, do quân số ít nên việc phân ca tuần tra chưa thể khép kín cả về mặt thời gian và địa bàn. Các đối tượng thường tận dụng thời quãng hở giữa các kíp tuần tra để vào rừng trái phép. Do đó, ngoài công tác TTKS, Hạt cũng thực hiện việc tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân và du khách về công tác bảo vệ tài nguyên rừng, lâm sản, hệ sinh thái tại rừng Sơn Trà. Chính các tình nguyện viên, cộng tác viên và người dân là yếu tố then chốt góp phần thay đổi nhận thức của cộng đồng về bảo vệ động, thực vật trên bán đảo Sơn Trà.

BẢO NAM

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/nhieu-cach-xam-nhap-bay-thu-tinh-vi-tren-rung-son-tra-post291337.html