Nhiều bất cập trong bảo hiểm thất nghiệp

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH), tính đến hết tháng 7/2016, toàn ngành đã thu được hơn 6.325 tỷ đồng tiền bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) - đạt 61% kế hoạch cả năm; giải quyết chế độ BHTN cho 439.556 người với tổng số tiền hơn 2.098 tỷ đồng. Đặc biệt trong những năm gần đây, BHTN đã từng bước đi vào cuộc sống, nhưng cũng đã bộc lộ không ít bất cập, hạn chế cần tháo gỡ.

Một chính sách phù hợp

Trước đây, khi chưa có BHTN, người lao động (NLĐ) mất việc làm sẽ rơi vào tình trạng không có nguồn thu nhập, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt.

Nhưng sau khi có BHTN, NLĐ mất việc làm không những được hưởng hỗ trợ thất nghiệp mà còn được hỗ trợ tìm việc làm mới, hưởng BHYT trong thời gian tìm việc, hỗ trợ học nghề để có nhiều cơ hội tìm việc làm hơn.

Đây thực sự là chính sách phù hợp giúp NLĐ thất nghiệp vẫn bảo đảm được cuộc sống tối thiểu. Vì thế, kể từ khi được triển khai, số người tham gia BHTN liên tục tăng. Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, tính đến hết tháng 7/2016, cả nước đã có hơn 10,5 triệu người tham gia BHTN.

Chị Nguyễn Minh Phương ở Phan Bội Châu (Hà Nội) cho biết: “Tôi làm cho một công ty may mặc ở Hưng Yên. Sau 3 năm làm việc, mức lương tăng không đáng kể và việc làm thì không thường xuyên nên tôi đành phải xin nghỉ việc.

Trong lúc chờ xin được việc làm mới, nhờ có khoản tiền trợ cấp thất nghiệp nên cuộc sống của vợ chồng tôi cũng phần nào bớt khó khăn hơn”.

Còn anh Nguyễn Văn Quyết, làm việc cho một công ty tư nhân đóng trên địa bàn quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, sau khi anh nghỉ việc đã nộp hồ sơ và làm các thủ tục hưởng BHTN.

Không chỉ được hưởng trợ cấp thất nghiệp, anh Quyết còn được các nhân viên Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội tư vấn, giới thiệu các công việc làm phù hợp và đến nay anh Quyết đã tìm được công việc mới phù hợp với năng lực của mình.

Bất cập cần tháo gỡ

Có thể khẳng định, chính sách BHTN đã chứng tỏ tính ưu việt, nhưng trong quá trình thực hiện vẫn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Đáng lo nhất là tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHTN của các doanh nghiệp (DN). Bởi nếu NLĐ nghỉ việc trong thời điểm DN còn nợ tiền bảo hiểm thì họ sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, tính đến hết tháng 7/2016, số nợ BHTN lên tới 559,4 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc quyền lợi của NLĐ đang bị ảnh hưởng trực tiếp khi bị mất việc làm.

Bất cập nữa cũng cần đề cập đến trong quá trình triển khai chính sách BHTN là việc quản lý đối tượng tham gia. Do việc quản lý còn lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ đã dẫn đến tình trạng tiêu cực, gian dối trong lập thủ tục, hồ sơ chi trả BHTN.

Cơ quan chức năng đã phát hiện không ít trường hợp NLĐ nghỉ việc ở công ty này liền chuyển sang làm việc ở công ty khác. Nhưng khi có quyết định nghỉ việc ở đơn vị cũ, họ vẫn đi làm thủ tục để hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tiếp đến là trường hợp nhiều NLĐ cố tình tạo hồ sơ giả để được hưởng BHTN.

Theo đại diện của BHXH Việt Nam, cùng với việc chi trả trợ cấp thất nghiệp thì tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề được coi là một nhiệm vụ quan trọng của chính sách BHTN, giúp NLĐ nhanh chóng tái hòa nhập lại thị trường lao động.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, NLĐ khi thất nghiệp mới chỉ quan tâm đến việc nhận được bao nhiêu tiền trợ cấp, chứ chưa thực sự quan tâm đến cái gốc của chính sách là hỗ trợ học nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm mới, nên hiệu quả của công tác này vẫn còn rất thấp...

Có thể khẳng định, BHTN là một trong những chính sách xã hội ưu việt, không chỉ được thực hiện ở nước ta mà đã được áp dụng hiệu quả ở hầu hết các nước phát triển.

Vì vậy, để BHTN phát huy hiệu quả, rất cần sự chung tay góp sức từ nhiều phía, trong đó cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để NLĐ nắm vững chính sách về BHTN, tự bảo vệ quyền lợi của mình; loại bỏ tâm lý chủ quan, ỷ lại cho rằng cứ mất việc, thôi việc là được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Ngoài ra, cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc các DN thực hiện đăng ký, đóng BHTN đúng thời gian, tránh tình trạng nợ BHTN kéo dài. Thêm vào đó, các ngành liên quan cũng cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa để xác định đúng đối tượng hưởng chính sách trợ cấp thất nghiệp, hạn chế kẽ hở để tránh tình trạng lạm dụng chính sách... Có như vậy, BHTN mới thực sự là “chiếc phao” đối với NLĐ trong những lúc khó khăn...

Theo đại diện BHXH Việt Nam, khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện chính sách BHTN hiện nay vẫn là nhận thức của một số NLĐ, người sử dụng lao động về chính sách BHTN còn hạn chế, nhiều người chưa hiểu rõ quyền và trách nhiệm của mình trong việc tham gia và hưởng BHTN. Nên tình trạng NLĐ không trung thực khi khai báo tình trạng việc làm, DN chưa thực hiện thông báo định kỳ về tình hình biến động lao động vẫn xảy ra.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/nhieu-bat-cap-trong-bao-hiem-that-nghiep-2511330-b.html