Nhiệt độ toàn cầu năm 2023 nóng nhất trong 174 năm qua

Thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, năm 2023 vừa qua, nhiệt độ trung bình toàn cầu nóng nhất trong 174 năm qua.

Chiều 26/1, tại Tổng cục khí tượng thủy văn Quốc gia, đã diễn ra hội thảo thông tin báo chí dư báo xu thế khí tượng thủy văn năm 2024. Tại hội thảo, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, Tổ chức khí tượng thế giới (WMO) ngày 12/1/2024 đã chính thức xác nhận nhiệt độ trung bình toàn cầu năm 2023 là năm nóng nhất trong 174 năm qua.

Thông tin này được WMO dựa trên sáu bộ dữ liệu quốc tế hàng đầu được sử dụng để theo dõi nhiệt độ. Năm 2023, nhiệt độ toàn cầu cao hơn khoảng 1,45 độ C so với mức nhiệt độ trung bình nhiều năm (TBNN) thời kỳ tiền công nghiệp (giai đoạn 1850 - 1900).

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thông tin tại hội thảo.

Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu đặt mục tiêu mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức dưới 2°C so với mức tiền công nghiệp, đồng thời theo đuổi các nỗ lực nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ ở mức 1,5°C.

"Như vậy, thế giới đang tiến gần hơn đến các giới hạn được đặt ra trong Thỏa thuận Paris (mức dưới 2 độ C so với mức tiền công nghiệp, đồng thời theo đuổi các nỗ lực nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ ở mức 1,5 độ C). Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã nêu rõ, hiện không còn là ấm lên toàn cầu mà giờ đây thế giới đã chuyển sang kỉ nguyên nung nóng toàn cầu", ông Lâm thông tin.

Trung tâm khí hậu Tokyo - Nhật Bản đánh giá, nhiệt độ trung bình toàn cầu năm 2023 ở mức cao hơn 0,53 độ C so với TBNN thời kỳ 1991 - 2020 và là năm ấm nhất trong chuỗi giá trị đã ghi nhận được. Mười năm qua, từ 2014 - 2023, chính là 10 năm ấm nhất trong 133 năm của chuỗi số liệu quan trắc được, kể từ năm 1891.

Trong điều kiện El Nino, các khu vực có lượng mưa thiếu hụt rõ rệt so với TBNN bao gồm: phía đông nam của Nam Mỹ, lưu vực sông Amazon, phần lớn Trung Mỹ, miền nam nước Canada, khu vực tây Địa Trung Hải...

Năm 2023, trên thế giới và khu vực đã xảy ra nhiều trận thiên tai lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng, vượt mức lịch sử, gây thiệt hại rất nghiêm trọng về người và tài sản, điển hình như: động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng làm trên 53.000 người thiệt mạng, thiệt hại kinh tế trên 105 tỉ USD; lũ quét do vỡ đập tại Libya làm trên 11.300 người chết và mất tích; lũ lụt trên diện rộng tại Bắc Kinh và một số địa phương của Trung Quốc làm 115 người chết, mất tích; bão tuyết mạnh nhất trong vòng 100 năm tại 20 bang miền Tây, miền Trung nước Mỹ (tháng 2.2023)...

Năm 2023, nhiệt độ trung bình ở Việt Nam đã cao hơn 1,09 độ C so với trung bình nhiều năm

Đại diện Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, tại Việt Nam nhiệt độ trung bình trên toàn quốc cũng cao hơn 1,09°C so với TBNN và được ghi nhận là năm có mức nhiệt độ cao thứ hai trong chuỗi số liệu quan trắc (năm 2019 là năm có nhiệt độ trung bình trên toàn quốc cao hơn TBNN là 1,21°C). Đáng chú ý, hầu hết các tháng trong năm đều quan trắc được giá trị nhiệt độ cao nhất tuyệt đối ngày vượt giá trị lịch sử cùng thời kỳ, đặc biệt các tháng 5 và 6/2023.

Nắng nóng ảnh hưởng đến đời sống người dân (ảnh minh họa).

Trên cả nước xảy ra 22 đợt mưa lớn trên diện rộng, tập trung chủ yếu ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ. Đáng chú ý, đã xuất hiện nhiều trận mưa cực đoan thời đoạn ngắn với lượng mưa 24h có nơi trên 800mm ở khu vực miền Trung.

Năm 2023 đã xuất hiện 20 đợt nắng nóng, tính từ năm 2017 đến nay thì năm 2023 là năm xuất hiện nhiều đợt nắng nóng diện rộng nhất và nhiều hơn 5 đợt so với TBNN. Đặc biệt tại Tương Dương (Nghệ An) đã quan trắc được giá trị nhiệt độ cao nhất là 44,2°C vào ngày 7/5/2023 và đây là giá trị nhiệt độ ngày cao nhất trên cả nước đã từng được quan trắc (giá trị kỷ lục trước đó là 43,4°C tại Hương Khê (Hà Tĩnh) ngày 20/4/2019).

Trong năm 2023, đã xuất hiện 24 đợt không khí lạnh (KKL), ít hơn so với trung bình hàng năm (TBNN) (TBNN khoảng 29-30 đợt), tại Mẫu Sơn (Lạng Sơn) vào ngày 22/12/2023 nhiệt độ thấp nhất xuống mức -2,5°C, là giá trị nhiệt độ thấp nhất trong cùng thời kỳ tháng 12 tính theo số liệu ghi nhận tại Mẫu Sơn từ năm 2012 đến nay.

Trong năm 2023, trên khu vực Biển Đông đã xuất hiện 8 xoáy thuận nhiệt đới, trong đó có 5 cơn bão và 3 áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Số lượng bão/ATNĐD hoạt động trên khu vực Biển Đông ít hơn trung bình nhiều năm. Đáng lưu ý, trong năm 2023 các cơn bão hầu như không đổ bộ trực tiếp nên không gây gió mạnh trong đất liền.

Quang Hùng

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhiet-do-toan-cau-nam-2023-nong-nhat-trong-174-nam-qua-post282624.html