Nhiệt độ Mỹ cao kỷ lục, NASA họp bất thường; châu Á, châu Âu, châu Mỹ bị thiên tai bủa vây

Chưa bao giờ người ta lại thấy cái nóng, mưa lũ, cháy rừng bủa vây nhiều châu lục trên thế giới như hiện nay.

Ban lãnh đạo NASA sẽ họp bất thường vào ngày 20/7 (giờ Mỹ) để bàn về các giải pháp khí hậu. Ảnh: NASA

Từ những trận cháy rừng hoành hành khắp Bắc Mỹ, lũ lụt ở Đông Bắc, những đợt nắng nóng khắp Tây Nam và tháng 6 nóng kỷ lục, hàng triệu người Mỹ đang phải chịu tác động của thời tiết khắc nghiệt và NASA không bỏ qua những điều đó.

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ sẽ tổ chức cuộc họp bất thường vào chiều ngày 20/7 (giờ Mỹ) tại trụ sở chính ở Washington để làm sáng tỏ các sự kiện thời tiết khắc nghiệt gần đây và thảo luận về cách nghiên cứu và dữ liệu của NASA hỗ trợ các giải pháp khí hậu.

Ban lãnh đạo của NASA, bao gồm các chuyên gia về khí hậu, tham gia cuộc họp này gồm:

Giám đốc NASA Bill Nelson

Kate Calvin, nhà khoa học trưởng của NASA và cố vấn khí hậu cấp cao

Karen St. Germain, Giám đốc bộ phận Khoa học Trái Đất của NASA

Gavin Schmidt, Giám đốc Viện Nghiên cứu Vũ trụ Goddard của NASA

Tom Wagner, Phó giám đốc Hành động hành tinh

Huy Trần, Giám đốc hàng không, Trung tâm nghiên cứu Ames của NASA

Carlos Del Castillo, Giám đốc, Phòng thí nghiệm Sinh thái Đại dương, Trung tâm Chuyến bay Vũ trụ Goddard của NASA

Thời tiết cực đoan hoành hành khắp các châu lục

Trên thực tế, nắng nóng khắc nghiệt tại Mỹ không phải là trường hợp khác biệt. Khắp nơi trên thế giới hiện nay cũng bị các hiện tượng thời tiết cực đoan như cháy rừng, lũ lụt, mưa bão, nắng nóng... hoành hành.

Châu Âu

Châu Âu tiếp tục trải qua đợt nắng nóng kỷ lục ngày 18/7 khi các đợt nắng nóng khô héo trên toàn cầu không có dấu hiệu dịu đi và Hy Lạp phải chiến đấu với các đám cháy rừng buộc mọi người phải rời bỏ nhà cửa.

Trên khắp các khu vực rộng lớn của hành tinh, từ California (Mỹ) đến Trung Quốc, các nhà chức trách đã cảnh báo về sự nguy hiểm đối với sức khỏe của cái nóng khắc nghiệt, kêu gọi mọi người uống nước và trú ẩn khỏi cái nắng như thiêu như đốt.

Châu Âu, lục địa nóng lên nhanh nhất thế giới, đang hứng chịu đợt nắng nóng tấn công các đảo Sicily và Sardinia của Ý, nơi có mức cao 48 độ C được Cơ quan Vũ trụ Châu Âu dự báo trước đó. Ảnh: Tiziana FABI/AFP

Trong một lời nhắc nhở rõ ràng về tác động của sự nóng lên toàn cầu, Cơ quan Khí tượng Thế giới (WMO) của Liên Hợp Quốc cho biết thế giới nên chuẩn bị cho tình trạng nắng nóng ngày càng gay gắt.

"Những sự kiện này sẽ tiếp tục gia tăng cường độ và thế giới cần chuẩn bị cho những đợt nắng nóng gay gắt hơn" - John Nairn, cố vấn cấp cao về nhiệt độ cực cao tại WMO nói với các phóng viên ở Geneva, Thụy Sĩ.

Đỉnh điểm ở châu Âu có thể xảy ra ở các đảo Sardinia và Sicily của Ý, nơi nhiệt độ có thể vượt qua kỷ lục toàn lục địa là 48,8 độ C được ghi nhận ở Sicily vào tháng 8 năm 2021.

Phía Tây Bắc thủ đô Athens của Hy Lạp, một đám khói khổng lồ bao trùm khu rừng Dervenohoria, khi các lực lượng khẩn cấp chiến đấu với các đám cháy rừng trong ngày thứ hai ở một số địa điểm xung quanh thủ đô.

Cháy rừng tại châu Âu. Ảnh: Insurancejournal.

Các cơ quan y tế ở Ý đã ban hành cảnh báo đỏ cho 20 thành phố, từ Napoli ở phía Nam đến Venice ở phía Bắc, tăng từ mức 17 vào hôm 17/7.

Một số khu vực của Tây Ban Nha đã được chính quyền đặt trong tình trạng báo động đỏ, với nhiệt độ có thể lên tới 44 độ C ở Catalonia và Quần đảo Balearic. Nhiệt độ cao nhất hôm thứ 17/7 là 44,9 độ C ở Andalusia.

Châu Á

Ở một số khu vực của châu Á, nhiệt độ kỷ lục đã gây ra mưa xối xả. Gần 260.000 người ở miền Nam Trung Quốc và Việt Nam đã được sơ tán trước khi cơn bão Talim đổ bộ vào cuối ngày 17/7, mang theo gió và mưa dữ dội. May mắn, Talim đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới vào ngày 18/7.

Trung Quốc đã báo cáo mức nhiệt cao mới vào giữa tháng 7 là 52,2 độ C tại làng Sanbao, vùng Tây Bắc Tân Cương, phá vỡ mức cao trước đó là 50,6 độ C được thiết lập 6 năm trước.

Tại Nhật Bản, cảnh báo say nắng đã được đưa ra ở 32 trong số 47 quận, chủ yếu ở khu vực miền Trung và Tây Nam, với ít nhất 60 người được điều trị say nắng, truyền thông nước này đưa tin.

Lực lượng cứu hộ tại một con đường bị nước lũ nhấn chìm dẫn đến một đường hầm dưới lòng đất ở Cheongju, Hàn Quốc vào ngày 16/7/2023. Nguồn: Cơ quan Cứu hỏa Quốc gia Hàn Quốc via AP

Tại Hàn Quốc, ít nhất 40 người thiệt mạng do mưa lớn trong chưa đầy 1 tuần. Trong số đó có 13 người tử vong sau khi mắc kẹt trong 1 đường ở hầm thành phố Cheongju.

Nắng nóng kỷ lục xảy ra khi đặc phái viên về khí hậu của Mỹ là John Kerry gặp gỡ các quan chức Trung Quốc tại Bắc Kinh, khi hai quốc gia gây ô nhiễm lớn nhất thế giới khôi phục hoạt động ngoại giao bị đình trệ về việc giảm lượng khí thải làm Trái Đất nóng lên.

Châu Mỹ

Ở các bang phía Tây và Nam Mỹ thường khô và nóng, hơn 80 triệu người đang được tư vấn về một đợt nắng nóng "lan rộng và ngột ngạt" khiến nhiệt độ ở mức cao nhất.

Thung lũng Chết của bang California cũng đạt nhiệt độ cao kỷ lục hơn 54 độ C.

Tại bang Arizona, thành phố Phoenix của bang đã lập kỷ lục 18 ngày liên tiếp nóng trên 43 độ C. Riêng ngày 17/7, nhiệt độ lên tới 45 độ C.

Dịch vụ thời tiết quốc gia Mỹ dự đoán mức cao tương tự ít nhất là đến cuối tuần tới, đồng thời cảnh báo mức thấp nhất qua đêm vẫn tăng cao một cách nguy hiểm, trên 32 độ C.

Ở Nam California, một số vụ cháy rừng đã bùng phát trong vài ngày qua ở các vùng nông thôn phía đông Los Angeles.

Theo các nhà chức trách, vụ cháy lớn nhất, có tên là Rabbit Fire, đã thiêu rụi gần 8.200 mẫu Anh.

Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) Petteri Taalas cho biết: "Thời tiết khắc nghiệt đang có tác động lớn đến sức khỏe con người, hệ sinh thái, nền kinh tế, nông nghiệp, năng lượng và nguồn cung cấp nước. Điều này nhấn mạnh tính cấp bách ngày càng tăng của việc cắt giảm khí thải nhà kính càng nhanh và càng sâu càng tốt".

Nguồn: NASA, Yahoo/News

Trang Ly

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nhiet-do-my-cao-ky-luc-nasa-hop-bat-thuong-chau-a-chau-au-chau-my-bi-thien-tai-bua-vay-20230720081704915.htm