Nhiệt điện than bao vây ĐBSCL: Những nhầm lẫn tai hại

Những nhà máy nhiệt điện than chưa được xây dựng thì cần dừng hẳn lại để bước đầu xây dựng năng lượng tái tạo, nhà máy cũ dùng công nghệ mới.

Xung quanh kiến nghị dừng hẳn các nhà máy nhiệt điện than chưa được xây dựng tại ĐBSCL của Liên minh là Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) và Liên minh Phòng chống Bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN), Đất Việt đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu- Trường ĐH Cần Thơ.

PV:- Vừa qua, đã có 2 Liên minh về năng lượng và bệnh không lây nhiễm kiến nghị đề xuất Bộ Công Thương về việc dừng hẳn các nhà máy nhiệt điện than chưa được xây dựng ở ĐBSCL. Là người đã có gắn bó suốt thời gian dài nghiên cứu về ĐBSCL và Mê Kông, ông có ủng hộ kiến nghị trên không?

PGS. TS Lê Anh Tuấn: - Tôi ủng hộ kiến nghị về việc dừng các nhà máy nhiệt điện than chưa được xây dựng bởi với những nhà máy nhiệt điện than đã xây và đang đi vào hoạt động có nguy cơ gây các tác hại môi trường cao cho ĐBSCL.

Trong Quy hoạch điện VII đã sửa đổi có 14 nhà máy nhiệt điện tại ĐBSCL nhưng theo tôi kiểm đếm đã có 15 nhà máy vì thêm một nhà máy ngoài kế hoạch đó là nhà máy nhiệt điện Lee& Man. Nhà máy này có quy mô nhỏ nhằm cấp điện cho hoạt động của nhà máy giấy Lee& Man.

Với quy mô 15 nhà máy nhiệt điện như vậy tập trung trong vùng đồng bằng chuyên sản xuất nông nghiệp và thủy sản sẽ gây ảnh hưởng môi trường lớn từ chất thải rắn, chất thải khí và nước thải từ các nhà máy thải ra có nhiệt độ cao sẽ hủy diệt sự sống của các loài sinh vật tại ống xả của nhà máy.

Tổ hợp các nhà máy nhiệt điện than tại ĐBSCL. Ảnh: PGS.TS. Lê Anh Tuấn

Thêm nữa, sự phát tán của các hạt bụi nhỏ trong không khí sẽ đi rất xa và ảnh hưởng tới sức khỏe của nhiều triệu người dân ở ĐBSCL.

Dù nhiều nhà khoa học tìm các biện pháp, công nghệ và công bố rằng đã tìm cách để giảm thiểu được số hạt bụi thải này nhưng rõ ràng là không giảm thiểu được hoàn toàn.

Thứ hai, nói về vấn đề năng lượng, thông thường, các nhà máy nhiệt điện đốt than đặt ở các vùng khai thác than để giảm bớt các chi phí vận chuyển. Hiện nay, nguồn than cấp cho các nhà máy nhiệt điện than ở ĐBSCL là ở Quảng Ninh. Để đi một tuyến đường xa như vậy vừa tốn kém lại rủi ro.

Chưa kể, nguồn than trong một thời gian ngắn nữa sẽ hết rồi, chúng ta phải đi nhập than ở nơi khác như Úc, Indonesia, Trung Quốc... Khi đó, chúng ta phải phụ thuộc vào nguồn cung cấp nhiên liệu từ nước ngoài. Nếu trong rủi ro, nước xuất khẩu cắt nguồn nguyên liệu xuất khẩu, an ninh năng lượng của chúng ta bị ảnh hưởng do sự lệ thuộc.

Mới đây, tôi nghe một quan chức nói nguồn sản xuất điện phải đặt cạnh vùng kinh tế trọng điểm để giảm bớt thất thoát đường dẫn và ĐBSCL là một vùng kinh tế trọng yếu như vậy.

Tôi không đồng tình với đề xuất này lắm vì vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL ít sử dụng điện vì hoạt động sản xuất nông nghiệp, thủy sản không cần nhiều tới điện như các vùng sản xuất công nghiệp như Sài Gòn, miền Đông Nam Bộ: Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, các khu vực miền Trung hay một số vùng ở ĐB sông Hồng..

Trong khi đó, nhà máy nhiệt điện than sẽ lấy đi một lượng nước rất lớn trong hoạt động của họ. Sản xuất 1.000MW điện sẽ lấy trên 90.000 m3 nước. Như vậy, vùng ĐBSCL vốn đang thiếu nước sẽ ảnh hưởng rất lớn tới các ngành kinh tế khác như thủy sản, nông nghiệp.

Bên cạnh đó, than đá là nguồn gây ô nhiễm lớn nhất trong nhà máy phát điện. Việt Nam trong năm 2015 tham gia Hội nghị lần thứ 21 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) đã cam kết giảm thiểu khí gây hiệu ứng nhà kính xuống 8% vào năm tới. Nếu tiếp tục làm nhiệt điện than, chúng ta sẽ đi ngược lại các cam kết với thế giới.

Điện gió Bạc Liêu- Nguồn năng lượng xanh.

Còn các nguồn năng lượng tái tạo khác như năng lượng gió, mặt trời, sóng biển.... chúng ta lại không tập trung. Có một số người lập luận, năng lượng tái tạo hơi đắt tiền. Tuy nhiên, những chi phí đầu tư ngày càng giảm đi và giảm đi rất nhanh nhờ các tiến bộ khoa học và kỹ thuật.

Ví dụ: 2 năm trước tôi từng có ý định xây dựng hệ thống pin mặt trời để sử dụng trong gia đình mình, nhưng khi đó chi phí lắp đặt quá cao, hơn 100 triệu đồng. Nhưng tới gần đây tôi có nhờ người khảo sát lại, với cùng công suất đó, mức giá đã giảm xuống còn 50-60 triệu đồng.

Như vậy, có thể thấy rõ, nhờ những tiến bộ khoa học kỹ thuật mà chỉ trong 2 năm, chi phí đã giảm xuống rất lớn. Hiện, nay, các tấm pin mặt trời còn được uốn cong theo hình dạng của các mái nhà hoặc phù hợp với địa hình của nơi đặt chúng. Bên cạnh đó còn các chi tiết kỹ thuật nếu để thêm thời gian sẽ còn giảm các chi phí đi nữa.

Năng lượng gió cũng vậy đang ngày càng giảm dần và giảm thấp hơn cả năng lượng mặt trời nữa.

Nếu tiếp tục xây thêm các nhà máy nhiệt điện than, chúng ta sẽ mất cơ hội đầu tư vào năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã sang thăm Việt Nam và Mỹ đã có cam kết hỗ trợ Việt Nam xây dựng phát triển năng lượng gió với công suất lắp đặt là 1.000 MW.

Mới đây nhất, ngày 20/10/2016, Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An và thành phố Wernigerode (Cộng hòa liên bang Đức) khởi động Dự án “Xây dựng hệ thống cung cấp điện từ năng lượng mặt trời để vận hành hệ thống âm thanh và chiếu sáng tại khu phố cổ Hội An.”

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/quan-diem/nhiet-dien-than-bao-vay-dbscl-nhung-nham-lan-tai-hai-3322031/