Nhiếp ảnh Việt Nam - 71 năm đồng hành cùng đất nước

Trong những năm gần đây, nghệ thuật nhiếp ảnh Việt có bước tiến mới khi rất nhiều nhiếp ảnh gia Việt Nam đã được xướng tên ở những cuộc thi quốc tế, đem vinh quang về cho nước nhà.

Nhiếp ảnh Việt Nam đã ghi lại những hình ảnh quý giá, đầy tự hào về chặng đường đấu tranh giành độc lập của đất nước. Trong ảnh: Bộ đội ta từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội, ngày 10/10/1954. (Ảnh: TTXVN)

Được thành lập ngày 15/3/1953 tại chiến khu Việt Bắc với tên gọi ban đầu là “Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam,” trải qua 71 năm, ngành nhiếp ảnh Việt Nam đã luôn đồng hành cùng sự phát triển của đất nước.

Thông qua những bức ảnh đã cổ vũ, động viên, truyền thông mạnh mẽ bằng thị giác, cảm xúc, đưa đến cho mọi tầng lớp nhân dân những hình ảnh hiện thực, sinh động, ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước con người Việt Nam trong chiến đấu, trong lao động sản xuất, xây dựng và phát triển đất nước.

Phục vụ đắc lực cho công cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước

Lịch sử thế giới ghi nhận năm 1839 là năm chính thức ra đời nhiếp ảnh. Chỉ 30 năm sau, nhiếp ảnh đã được du nhập vào Việt Nam.

Bắt đầu từ đó, ngoài chức năng ghi lại những hình ảnh lưu niệm đơn thuần, nhiếp ảnh còn có thêm một chức năng tuyên truyền, phục vụ đắc lực cho công cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước.

Mỗi giai đoạn, mỗi thời khắc quan trọng của đất nước, của dân tộc đều có sự song hành của các nghệ sỹ nhiếp ảnh.

Đặc biệt là các thế hệ nghệ sỹ nhiếp ảnh kháng chiến - những nhân chứng lịch sử đã trực tiếp cầm máy ảnh ra trận, để ghi lại những hình ảnh hùng tráng của quân và dân ta.

Nhiều nghệ sỹ, chiến sỹ nhiếp ảnh đã hy sinh trên các chiến trường để mang lại những tác phẩm nhiếp ảnh có giá trị, sống mãi với thời gian.

Trong giai đoạn 1945-1954, nhiếp ảnh Việt Nam là một công cụ sắc bén góp phần vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi.

Với lòng yêu nước và nhãn quan chính trị, nhiều thợ ảnh đã xuống đường lấy máy ảnh làm "vũ khí" ghi lại được rất nhiều bức ảnh quý như: “Chiếm Bắc Bộ phủ” (Vũ Năng An), “Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn Độc lập” (Võ An Ninh), “Đoàn quân Nam tiến” (Nguyễn Bá Khoản), “Gậy tầm vông” (Trần Phượng)...

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, nhiều nhà nhiếp ảnh theo chân các đơn vị bộ đội, cơ quan rút lên căn cứ, bưng biền tổ chức lực lượng tham gia kháng chiến.

Tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc tổ chức ở Việt Bắc (tháng 9/1949), giới nhiếp ảnh đã trưng bày triển lãm một số ảnh kháng chiến như: “Trận Phố Ràng,” “Đánh đồn Giớm” (Tiến Lợi); “Bộ đội hành quân,” “Bình dân học vụ” (Nguyễn Hồng Nghi); “Trận đèo Khách của Hải Bằng”...

Tháng 11/1949, Hội Văn nghệ Việt Nam tổ chức hội nghị thành lập Đoàn Nhiếp ảnh thuộc Hội Văn nghệ, chính thức ghi nhận vai trò của nhiếp ảnh trong đời sống văn hóa văn nghệ kháng chiến.

Với Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi. Bộ ảnh nổi tiếng về Chiến dịch Điện Biên Phủ của các nhà nhiếp ảnh Triệu Đại, Ngọc Thông, Tiến Lợi... và nhiều nhà nhiếp ảnh khác là những tài liệu vô giá, góp phần vào chứng tích lịch sử chiến tranh và cách mạng của đất nước.

Rất nhiều tác phẩm ảnh trở thành tư liệu vô giá, là bằng chứng lịch sử…, nhiều tác phẩm đã được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Trong ảnh: Cụm 5 tác phẩm “Những khoảnh khắc để lại” của nhà báo Lương Nghĩa Dũng (TTXVN) được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt V - năm 2017. (Ảnh: TTXVN)

Về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Ưu có bộ ảnh quý chụp quân Pháp rút khỏi Hà Nội. Các nhà nhiếp ảnh Võ An Ninh, Vũ Minh lại chụp ảnh nhân dân Hà Nội hân hoan đón bộ đội về giải phóng Thủ đô. Một không khí mới, khi miền Bắc sạch bóng quân thù là đề tài hấp dẫn của các nhà nhiếp ảnh.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đặc biệt là khoảng thời gian 1965-1975, các phóng viên, nghệ sỹ nhiếp ảnh đã bám sát trận địa chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc và tại các chiến trường miền Nam để cho ra những bức ảnh để đời.

Điển hình như: "Đấu súng ở căn cứ Khe Sanh," "Chống lầy" của liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng; "Mười hai cô gái Đồng Lộc" của Văn Sắc; "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" của Lê Minh Thường; "Uy thế không lực Huê Kỳ" của Phan Thoan; "Từ thần sấm xuống xe trâu" của Văn Bảo, "Phúc Tân kêu gọi trả thù" của Vũ Ba; "Phòng mổ dã chiến" của Võ An Khánh; "Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn" của Lâm Hồng Long…

Các bộ ảnh ghi được vừa có tính tài liệu, vừa có tính nghệ thuật đã góp phần đắc lực vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi.

Nhiều tác giả đã anh dũng hy sinh như những người chiến sỹ thực thụ hy sinh vì độc lập tự do cho Tổ quốc. Đó là các liệt sỹ: Đinh Thúy, Lương Nghĩa Dũng, Trần Bỉnh Khuôi, Dương Thanh Vân, Huỳnh Minh Thiện, Lý Wầy, Đoàn Phi Hùng, Hồ Ca, Đinh Dệ, Võ Quy...

Thông qua Thông tấn xã Giải phóng, những bức ảnh được công bố ở miền Bắc và thế giới, góp phần làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ và ủng hộ cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

Và dù trong thời kỳ khó khăn, đất nước có chiến tranh, nhưng nhiều nghệ sĩ-chiến sĩ vẫn gửi ảnh tham dự các cuộc thi quốc tế tại Liên Xô (cũ), Hungary, Đức, Rumani, Ba Lan, Tiệp Khắc, Cuba, Hà Lan, Pháp… và đã đoạt nhiều giải thưởng cao. Có thể nói thế hệ nghệ sỹ-chiến sỹ khi đó đã góp phần tạo nên "thời hoàng kim" cho nhiếp ảnh Việt Nam.

Trong lĩnh vực đối ngoại, ngay từ những năm 50 của thế kỷ trước, hình ảnh một nước Việt Nam chiến đấu kiên cường chống giặc ngoại xâm đã được giới thiệu ra nước ngoài.

Thông qua những bức ảnh, bạn bè thế giới có thể hiểu rõ hơn về đất nước, con người Việt Nam - không chỉ kiên cường, anh dũng trong bảo vệ Tổ quốc mà còn có nhiều thành tựu trong lao động sản xuất.

Giới nhiếp ảnh Việt Nam đã cung cấp cho hàng trăm tờ báo, tạp chí, các nhà xuất bản, các đơn vị tổ chức triển lãm, các công ty du lịch và văn hóa hàng chục vạn hình ảnh ca ngợi thiên nhiên tươi đẹp, con người thân thiện và sức sáng tạo trong công cuộc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa và tinh thần của nhân dân.

Khẳng định vị thế tại các cuộc thi quốc tế lớn

Từ sau khi thống nhất đất nước năm 1975, lực lượng nhiếp ảnh hai miền Bắc-Nam sum họp một nhà. Trong tình hình cách mạng mới, nhiếp ảnh Việt Nam đã tổ chức lại đội ngũ để thực hiện nhiệm vụ: xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam thống nhất, xã hội chủ nghĩa.

Đến nay, Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam có hơn 1.000 hội viên ở thuộc 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đó là lực lượng sáng tác thường xuyên có mặt trong các hoạt động, từ địa phương, khu vực, quốc gia đến quốc tế; góp phần làm phong phú đời sống văn hóa, phong phú hoạt động của văn học nghệ thuật địa phương và cả nước, tích cực đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.

Đặc biệt, trong đại dịch COVID-19, đội ngũ nhiếp ảnh nước nhà đã kịp thời vào cuộc, ghi lại những hình ảnh chân thật, sinh động, góp phần động viên, khích lệ, truyền cảm hứng cho xã hội trong phòng, chống dịch, tạo sự đồng thuận của toàn dân, đồng thời làm lan tỏa năng lượng tích cực trong xã hội, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những nước đầu tiên có được “trạng thái bình thường mới."

Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ kỹ thuật số và internet, nhiếp ảnh hôm nay không còn biên giới và có điều kiện giao lưu, hội nhập mạnh mẽ và lan tỏa sâu rộng.

Nhiếp ảnh dần trở thành một loại hình nghệ thuật dành cho nhiều người với một không gian sáng tạo gần như vô hạn.

Bên cạnh các tác giả lão thành, xuất hiện một thế hệ nhiếp ảnh trẻ nhanh nhạy, năng động với nhiều tìm tòi thể hiện tư duy mới.

Trong những năm gần đây, nghệ thuật nhiếp ảnh Việt có bước tiến mới khi rất nhiều nhiếp ảnh gia Việt Nam đã được xướng tên ở những cuộc thi quốc tế, đem vinh quang về cho nước nhà. Tiêu biểu như: bức ảnh “Đồi chè Long Cốc” của tác giả Vũ Trung Huân đoạt giải Á quân 1 cuộc thi ảnh Weather Photographer of the Year 2020 tại Anh; tác phẩm “Vân núi 5” của tác giả Vũ Mạnh Cường đạt Huy chương Vàng chủ đề Du lịch tại Cuộc thi ảnh quốc tế Shadow 2021 do Liên đoàn Nhiếp ảnh Ấn Độ - FIP, Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế - FIAP bảo trợ.

Vị thế của Nhiếp ảnh Việt Nam trên trường quốc tế từng bước được nâng cao, nhiều tác phẩm đoạt giải cao ở trong nước và quốc tế. Trong ảnh: Tác phẩm "Váy Hoa" của nghệ sỹ nhiếp ảnh Khánh Phan đoạt giải tại cuộc thi ảnh thế giới Skypixel lần thứ 8. (Ảnh: TTXVN phát)

Đáng lưu ý, nhiếp ảnh gia Khánh Phan đã giành cú đúp giải thưởng tại cuộc thi ảnh quốc tế Tokyo International Foto Awards (TIFA) 2020 ở Nhật Bản... Cũng trong năm 2021, tại cuộc thi ảnh thường niên do Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật quốc tế (FIAP) tổ chức, Việt Nam tiếp tục đạt 2 bằng Danh dự Quốc gia cho hai bộ ảnh “Nghề truyền thống” và “Việt Nam nhìn từ trên cao,” 1 bằng Danh dự cá nhân cho tác phẩm “Phơi chiếu cói” của tác giả Dzũng Nguyễn.

Đặc biệt, hai bộ ảnh có sự góp mặt của nhiều nghệ sỹ nhiếp ảnh trong cả nước, trong đó có 4 tác phẩm của 5 tay máy khu vực Đồng bằng sông Cửu Long: Phan Thanh Cường (Bạc Liêu), Đinh Công Tâm (Sóc Trăng), Lý Anh Lam (Hậu Giang), Ngô Phương (Kiên Giang), Phạm Thành Vinh (Long An).

Tại cuộc thi ảnh quốc tế “Two Country Circuit” lần thứ 7-năm 2022 do các câu lạc bộ nhiếp ảnh Novi Sad, Kotor và Podgorica của hai quốc gia Serbia và Montenegro tổ chức dưới sự bảo trợ của Liên đoàn Nghệ thuật Nhiếp ảnh quốc tế (FIAP), các nhiếp ảnh gia Việt Nam là Nguyễn Đăng Hào, Trần Anh Thắng, Ngô Thanh Hương và Vũ Hải giành được 13 giải thưởng, bằng danh dự cho các chủ đề: du lịch, chân dung, tự do. Trong đó, các tác phẩm đoạt giải cao chủ yếu ghi lại những khoảnh khắc đẹp về thiên nhiên, đất nước Việt Nam như: “Mùa cò ở Vân Long” của Nguyễn Đăng Hào, “Rước rồng về bến” của Vũ Hải (huy chương vàng), “Chợ nổi Phong Điền” của Trần Anh Thắng, “Mùa nước đổ Mù Cang Chải” của Ngô Thanh Hương (bằng danh dự)...

Tại cuộc thi quốc tế Drone Photo Awards công bố năm 2022, bộ ảnh “Vẻ đẹp Việt Nam từ trên cao” của tác giả Cao Kỳ Nhân đoạt Giải khuyến. Cao Kỳ Nhân cũng là người Việt duy nhất đoạt giải ở hạng mục này.

Có thể nói trải qua 71 năm, nhiếp ảnh Việt Nam đã tạo nên pho sử bằng ảnh vô cùng quý giá về chiến tranh chống ngoại xâm, chiến tranh vệ quốc, về đất nước, con người Việt Nam; về sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Pho sử ấy không những đã làm rạng rỡ nền nhiếp ảnh Việt Nam, mà quan trọng hơn là đã làm cho tầm vóc Việt Nam, tâm hồn Việt Nam cao lớn hơn, đẹp đẽ hơn; làm cho bản lĩnh Việt Nam được khẳng định hơn trên trường quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/nhiep-anh-viet-nam-71-nam-dong-hanh-cung-dat-nuoc-post934676.vnp