Nhảy việc cuối năm: Cơ hội hay rủi ro?

Cuối năm là thời điểm mà nhiều người lao động chờ nhận thưởng Tết, một khoản tiền có thể giúp họ giải quyết được nhiều vấn đề tài chính. Tuy nhiên, không ít người lại quyết định nhảy việc vào thời điểm này, thậm chí không cần nhận thưởng.

Cuối năm là thời điểm một số người lao động muốn chuyển đổi việc làm. Ảnh: Khắc Kiên

Người lao động cân nhắc trước khi nhảy việc

So với những năm trước, giai đoạn này số đông người lao động (NLĐ) thường thận trọng hơn khi chuyển việc cuối năm. Họ sợ mất thưởng, lo ngại công việc mới không phù hợp và đối diện nguy cơ thất nghiệp là những nguyên nhân chính.

Chị Nguyễn Lê Bình, 39 tuổi, ở Hà Nội là nhân viên kinh doanh của một Cty sản xuất quần áo trẻ em. Có tới 17 năm kinh nghiệm nhưng mức lương của chị Bình cũng chỉ dao động trong khoảng từ 10-12 triệu đồng.

Chị Binh chia sẻ: "Nhiều lúc cũng chán cảnh giật gấu vá vai, tiền lương không đủ nuôi sống gia đình, thế nhưng thời buổi khó khăn nên vẫn phải cố bám trụ. Cận Tết, đi làm cả năm cuối năm mới được chút tiền thưởng Tết nên không nỡ nghỉ việc. Bình thường cuối năm Cty thưởng cho 1 tháng lương thứ 13, ra Tết thì Cty cũng thưởng thêm cho chút ít".

Chị Bình cũng tính toán, dù tiền thưởng có "hậu hĩnh" hơn so với một số Cty khác nhưng so với nhu cầu chi tiêu của gia đình thì số tiền lương trên vẫn chưa đủ. Chị dự tính nếu tìm được công việc phù hợp, tiền lương và thưởng cao hơn thì chị sẽ nghỉ việc ở Cty cũ.

Tương tự, anh Nguyễn Quang Cường, 32 tuổi, ở huyện Thanh Trì, Hà Nội, là công nhân của Cty điện tử của Hàn Quốc cũng cho biết, anh đang có dự định nghỉ việc đi học nghề rồi về quê lập nghiệp. Tuy nhiên, vì thời điểm cuối năm sắp có thưởng Tết nên anh cố "nán" lại thêm 1-2 tháng để có khoản tiền thưởng.

"Thường cuối năm Cty sẽ thưởng từ 1-2 tháng lương, tùy thuộc vào thâm niên, vị trí làm việc và năng suất lao động của mỗi người. Với thâm niên của tôi, ít nhất được thưởng 1,5 tháng lương khoảng 15 triệu đồng nên sẽ cố gắng làm để được nhận khoản tiền thưởng Tết còn có tiền tiêu", anh Cường chia sẻ.

Theo báo cáo "Thực trạng thu nhập và kỳ vọng của người lao động" được công bố bởi Navigos Search (Navigos Group) vào tháng 4/2023, tháng lương thứ 13 và thưởng Tết là phúc lợi lớn nhất mà NLĐ tại Việt Nam được nhận sau quá trình làm việc.

Khảo sát được thực hiện trên 6.800 ứng viên đang làm việc chủ yếu trong 27 ngành nghề khác nhau. Trong đó, 40,53% nhận thưởng một tháng lương; 22,2% nhận thưởng 2 tháng lương và 12,85% chỉ nhận khoản tiền tương đương dưới một tháng lương.

Ngoài ra, có đến 53% ứng viên hiện nay luôn tìm kiếm thông tin về thưởng Tết khi tìm việc, tuy nhiên chỉ có 37% nhà tuyển dụng sẵn sàng thể hiện những thông tin này trong bản mô tả công việc đăng tuyển của Cty mình.

Thậm chí, ngay cả khi đã làm việc, nhân sự vẫn khá mù mờ trước tình hình thưởng Tết theo năm. 82% nhân viên lựa chọn sẽ phản ứng cụ thể nếu không nhận được thưởng Tết như đúng với mong đợi. Theo đó, 27% lựa chọn sẽ nghỉ việc và xin việc nơi khác có mức thưởng Tết tốt hơn, 55% lựa chọn sẽ cùng đồng nghiệp kiến nghị Cty phải thưởng Tết.

Mức thưởng Tết sẽ ảnh hưởng đến việc người lao động có muốn “nhảy việc”? Ảnh minh họa: Thái An

Lý do khiến người lao động đắn đo

Tuy nhiên, dù với lý do nào thì nhảy việc chắc chắn sẽ mang lại cho NLĐ không ít rủi ro. Cụ thể, nếu nghỉ việc vào cuối năm thì NLĐ sẽ mất khoản tiền thưởng tết. Tại Điều 104, Bộ luật Lao động hiện hành có quy định, thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho NLĐ căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc.

Rủi ro lớn hơn là nguy cơ thất nghiệp tạm thời cao. Lý do là vào thời điểm đầu năm, nhiều DN vẫn chưa tìm được đơn hàng để tái khởi động sản xuất, kinh doanh. Vì thế, nhảy việc vào thời điểm này sẽ đem lại rủi ro thất nghiệp tạm thời khá cao nếu vị trí của NLĐ không được nhà tuyển dụng quan tâm. Do vậy, kéo theo đó là nguy cơ NLĐ sẽ bị mất quyền lợi khi đã làm việc lâu dài tại DN. Cụ thể là NLĐ sẽ không được tăng số ngày phép tính theo thâm niên làm việc. Trong khi đó, NLĐ nếu không nhảy việc không chỉ được nghỉ việc hưởng nguyên lương, mà DN sẽ căn cứ vào số ngày phép năm còn lại để thưởng Tết, tính lương tháng 13... cho NLĐ.

Một thiệt thòi nữa cho NLĐ nhảy việc là tại điểm c khoản 2 Điều 20, Bộ luật Lao động năm 2019 có quy định, trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng lao động xác định thời hạn thì chỉ được ký thêm 1 lần, sau đó nếu NLĐ vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Từ quy định nêu trên, có thể thấy khi làm việc lâu dài cho một DN, NLĐ sẽ có cơ hội ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn, từ đó sẽ không phải lo lắng về thời hạn hợp đồng.

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) cho rằng, thay vì nghĩ tới khoản tiền thưởng Tết, NLĐ nên suy tính rõ thiệt hơn trong việc chuyển đổi việc làm. "Cơ hội có một công việc tốt đôi khi là không nhiều, nếu cứ cân nhắc thiệt hơn, chờ đợi tiền thưởng thì rất khó để có được công việc tốt, bền vững, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay", ông Quảng nói.

Hơn nữa, theo ông Quảng, thời điểm giáp Tết Nguyên đán các Cty mới công bố và chuyển tiền thưởng, còn thường các Cty mong muốn tuyển dụng lao động vào đầu năm dương lịch hoặc giữa năm để chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất kinh doanh của năm tới. Như vậy, nếu chỉ vì chờ khoản tiền thưởng, NLĐ sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội tốt hơn về việc làm.

Cũng theo ông Quảng, thời điểm cuối năm cơ hội tìm việc làm thường dễ dàng hơn, khả năng cạnh tranh việc làm cũng không cao bởi tâm lý "ngại nghỉ việc vì mất thưởng Tết".

Ghi nhận từ nhiều năm nay tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng cho thấy, cuối năm nhu cầu tuyển dụng - tìm việc làm tại các phiên giao dịch việc làm sôi động hơn. Ngược lại, đầu năm (âm lịch) xu hướng tuyển dụng kém hơn, nhu cầu tìm kiếm việc làm của lao động cũng ít hơn. Thực tế cũng cho thấy, thường phải hết quý I, NLĐ mới đi tìm việc làm lại. Một số lao động vẫn còn cảnh mải chơi xuân, ở nhà chơi cố sau đó mới đi làm. Điều này diễn ra chủ yếu với công nhân, lao động ở các khu công nghiệp.

Theo anh Nguyễn Minh Hải (41 tuổi, trưởng phòng nhân sự Cty cổ phần về may mặc ở Hà Nội), thời gian ngành nhân sự nhận đơn nghỉ việc nhiều nhất là thời điểm cận Tết (sau khi đã nhận được lương, thưởng cuối năm) và sau khi nghỉ Tết. Tết Nguyên đán thường rơi vào tháng 1 hoặc tháng 2, với các DN đây là thời điểm kết thúc năm kinh doanh (thường năm tài chính sẽ từ tháng 1 đến hết tháng 12 hằng năm), bắt đầu một năm kinh doanh mới nên cả từ phía DN và phía NLĐ đều phát sinh nhu cầu về việc làm.

Thái An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn//nhay-viec-cuoi-nam-co-hoi-hay-rui-ro-365962.html