Nháy mắt, nhìn gợi tình chưa thể cấu thành hành vi quấy rối tình dục

Theo Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ LĐTB&XH, hành vi nhìn gợi tình hay nháy mắt liên tục chưa thể cấu thành hành vi quấy rối tình dục, mà cần xem xét thêm các yếu tố khác.

Ngày 16/9, tại Hội thảo Tập huấn báo chí về chủ đề "Phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc", ông Nguyễn Văn Bình (Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đã chia sẻ những thông tin mới nhất.

Bộ Quy tắc phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc đã được hoàn thiện và lấy xong ý kiến. Dự kiến đến cuối năm 2022, dự thảo sẽ được trình Ủy ban quan hệ lao động quốc gia phê duyệt.

Doanh nghiệp khó nhận diện hành vi quấy rối tình dục

Năm 2015, Bộ LĐTB&XH lần đầu tiên ban hành Bộ quy tắc phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Năm 2019, Bộ Luật lao động đã sửa đổi, bổ sung một số quy định rõ ràng hơn. Do vậy, cần xây dựng bộ quy tắc mới để đáp ứng những điều bổ sung, cho sát với nhu cầu thực tế.

Ông Bình cho biết việc xây dựng bộ quy tắc sẽ giúp tạo môi trường làm việc an toàn, tăng uy tín cho doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam tham gia sâu rộng vào các hiệp định thương mại quốc tế.

Bởi lẽ, nhiều nhà mua hàng quốc tế hay đối tác thương mại yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm quy tắc phòng chống quấy rối tình dục nơi làm việc. Doanh nghiệp nếu không có sự hướng dẫn sẽ gặp khó khăn trong việc thực hiện.

Bộ Quy tắc phòng chống tình dục tại nơi làm việc không phải văn bản pháp luật. Tuy nhiên, đây chính là căn cứ để các doanh nghiệp xây dựng nội quy ứng xử cho phù hợp với văn hóa công ty của mình.

Ông Nguyễn Văn Bình trong buổi Hội thảo Tập huấn báo chí về chủ đề phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Ảnh: Vân Trang.

Ông Bình cũng cho biết trong doanh nghiệp, rất khó xác định hành vi nào đó có phải quấy rối tình dục hay không. Bởi với doanh nghiệp này là quấy rối, nhưng với doanh nghiệp khác lại có thể không, do môi trường làm việc và tiếp xúc khác nhau.

“Bộ quy tắc này khi đưa ra lấy ý kiến đã thu hút quan tâm của dư luận vì đây là chủ đề nhạy cảm; đã có nhiều ý kiến về một số hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc được đưa vào quy tắc như cái nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục… Tuy nhiên, những hành vi này đã có trong bộ quy tắc ban hành năm 2015, không mới. Đặc biệt, một hành vi như vậy cũng chưa thể cấu thành hành vi quấy rối, mà cần các yếu tố khác như bên bị quấy rối phản ứng lại là không đồng thuận”, ông Bình nói.

Khó xét xử các vụ án quấy rối tình dục nơi làm việc

Th.S Đoàn Xuân Trường (giảng viên Đại học Luật Hà Nội) nhận định các biện pháp xác định hành vi quấy rối tình dục nơi làm việc vẫn còn hạn chế. Đây là tình trạng chung không chỉ ở Việt Nam mà còn đối với nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Trên thế giới, việc nhận diện hành vi quấy rối tình dục dựa trên pháp chế. Tuy nhiên ở Việt Nam điều này vẫn chưa được phổ biến.

Nạn nhân bị quấy rối tình dục có thể là bất cứ ai, bao gồm người lao động, thực tập sinh, người học việc, khách hàng, đối tác.... Việc quấy rối tình dục sẽ gây ảnh hưởng nặng nề cho tâm lý nạn nhân, khiến họ không dám đi làm, thậm chí dẫn đến tự sát.

Th.S Đoàn Xuân Trường cho rằng các biện pháp ngăn ngừa hành vi quấy rối tình dục nơi làm việc vẫn còn hạn chế. Ảnh: Vân Trang.

"Để xác định một hành vi có bị xem là quấy rối tình dục nơi làm việc hay không có thể xác định rõ dựa trên việc phân tích đúng các khái niệm: Quấy rối - Tình dục - Nơi làm việc. Ví dụ thế nào là hành vi quấy rối? Thế nào là tình dục, ngụ ý tình dục? Thế nào là nơi làm việc", ông Trường nói.

Ông Trường cũng cho rằng các vụ quấy rối tình dục tại nơi làm việc diễn ra khá nhiều, nhưng khó mang ra xét xử do nhiều vụ không có chứng cứ pháp lý rõ ràng.

Vân Trang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhay-mat-nhin-goi-tinh-chua-the-cau-thanh-hanh-vi-quay-roi-tinh-duc-post1356203.html