Nhất Tiến: Phát triển kinh tế từ trồng keoTin khácXét tặng danh hiệu 'Công dân Lạng Sơn ưu tú': Tôn vinh những tấm gương điển hìnhNỗ lực thực hiện Nghị quyết số 116

Người dân thôn Làng Lầu, xã Nhất Tiến chăm sóc rừng keo

– Cách đây khoảng 10 năm, những cánh rừng trên địa bàn xã Nhất Tiến, huyện Bắc Sơn chỉ toàn tre, nứa và gỗ tạp nhưng giờ đây, thay vào đó là những cánh rừng keo bạt ngàn, xanh tốt. Nhờ phát triển cây keo mà nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã có thu nhập cao và vươn lên làm giàu.

Là một trong những hộ tiên phong trong phát triển cây keo trên địa bàn xã, anh Dương Tiến Lâm, người dân tộc Dao, thôn Làng Lầu cho biết: Năm 2014, tôi trồng hơn 10.000 cây keo trên 6 ha đất đồi của gia đình. Đầu năm 2021, tôi khai thác toàn bộ rừng keo cho thu nhập gần 200 triệu đồng. Nhận thấy cây keo cho hiệu quả kinh tế cao, thu hoạch xong, gia đình tôi đã tiến hành trồng lại trên diện tích vừa khai thác và mở rộng diện tích trồng thêm 2 ha. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, đến nay, rừng keo đang phát triển rất tốt.

Tương tự gia đình anh Lâm, gia đình ông Bàn Sinh Hương, thôn Nà Niệt cũng có thu nhập cao từ trồng keo. Ông Hương cho biết: Năm 2014, nhận thấy diện tích đồi trống bỏ hoang của gia đình còn nhiều, tôi bàn với vợ trồng keo trên diện tích khoảng 10 ha đất đồi của gia đình. Sau khi trồng, hằng năm, gia đình tiến hành phát quang và bón phân cho cây. Đến đầu năm 2021, diện tích rừng keo đến tuổi khai thác mang về thu nhập gần 300 triệu đồng. Hiện, gia đình tôi đã trồng mới lại và mở rộng diện tích trồng keo lên hơn 15 ha.

Cây keo được người dân trên địa bàn xã Nhất Tiến trồng từ nhiều năm trước, tuy nhiên, lúc bấy giờ diện tích còn nhỏ lẻ. Nhận thấy nhu cầu ngày càng cao của thị trường và hiệu quả kinh tế thiết thực từ trồng keo, từ năm 2014 trở lại đây, người dân trên địa bàn xã đã mạnh dạn, tích cực mở rộng diện tích trồng. Từ đây, phong trào trồng keo phát triển mạnh.

Bà Dương Thị Thiền, Phó Chủ tịch UBND xã Nhất Tiến cho biết: Với trên 5.000 ha đất lâm nghiệp, chiếm gần 76% diện tích đất tự nhiên, trong những năm qua, người dân trên địa bàn xã đã tập trung phát triển kinh tế rừng, trong đó chú trọng phát triển cây keo. Để khuyến khích người dân phát triển và mở rộng diện tích trồng keo, hằng năm, UBND xã phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện tổ chức 2 hoặc 3 lớp tập huấn cho bà con về kỹ thuật trồng, chăm sóc. Đồng thời, từ các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của chương trình 135, chương trình xây dựng nông thôn mới, UBND xã hỗ trợ bà con cây keo giống để phát triển mô hình.

Đồng thời, các tổ chức, đoàn thể của xã nhận ủy thác, tích cực hướng dẫn, tạo điều kiện giúp người dân tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ trên 8,5 tỷ đồng để trồng rừng. Nhờ đó, người dân có vốn để phát triển sản xuất. Trung bình mỗi năm, người dân trồng mới được từ 70 đến 100 ha rừng.

Từ các chương trình hỗ trợ và sự chủ động của người dân, toàn xã hiện có trên 5.000 ha rừng, trong đó, có khoảng 900 ha rừng trồng (chủ yếu trồng cây keo). Ngoài ra, người dân còn phát triển cây bạch đàn, cây mỡ. Toàn xã hiện có 860/884 hộ tại 6/6 thôn của xã phát triển trồng rừng, trong đó có khoảng 300 hộ bắt đầu có thu nhập từ trồng keo. Với giá bán ổn định từ 700 đến 800 nghìn đồng/m3, thương lái đến tận rừng để thu mua, cây keo đã mang lại thu nhập cao và ổn định cho người dân xã Nhất Tiến. Hộ trồng ít có thu nhập từ 10 đến 20 triệu đồng, hộ trồng nhiều có thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng/năm từ trồng keo.

Phong trào phát kinh tế rừng nói chung và phát triển trồng keo nói riêng trên địa bàn xã Nhất Tiến đã giúp người dân tăng thu nhập, từng bước làm giàu từ rừng. Nếu như năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của xã chỉ đạt 13 triệu đồng/người/năm thì đến nay, đã đạt 36 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 9,42% (giảm 39,11% so với năm 2015). Từ một xã vùng 3 đặc biệt khó khăn, Nhất Tiến đã nỗ lực vươn lên trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019.

LIỄU CHANG

HOÀNG HIẾU - TUYẾT MAI

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/nong-nghiep/458564-nhat-tien-phat-trien-kinh-te-tu-trong-keo.html