Nhật ký của mẹ

Một tối đầu tháng 4-2020, tại Thành cổ Bắc Ninh, chúng tôi-những cán bộ, giảng viên, nhân viên Trường Sĩ quan Chính trị ở lại đơn vị, thực hiện nghiêm các quy định về giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ trong phòng, chống dịch Covid-19.

Đang tản bộ quanh sân vận động sau một ngày dài với 10 tiết giảng dạy, những cơn gió nhè nhẹ thổi hương ngọc lan thoang thoảng khiến lòng xao xuyến, bỗng tiếng chuông điện thoại reo, đầu bên kia tiếng mẹ tôi nhẹ nhàng, ấm áp:

- Con à, con có khỏe không? Cấm trại trong đơn vị thế nào?

- Dạ, con vẫn khỏe mẹ ơi. Chúng con trong đơn vị sinh hoạt theo đúng nền nếp, quy định, chỉ hơi nhớ nhà mẹ ạ.

- Ừ, cố gắng lên con, dịch bệnh như vậy, gia đình mỗi người một nơi, đành phải khắc phục thôi.

- Vâng ạ.

Mẹ ngập ngừng một chút rồi tiếp tục:

- Mấy hôm nữa là ngày giỗ bố rồi, vợ chồng con và các cháu có thu xếp về được không?

- Đơn vị đang thực hiện lệnh cấm trại, với lại toàn quốc đang trong thời kỳ giãn cách toàn xã hội nên chúng con không về được ạ.

Tôi đáp lời mẹ mà trong lòng thoáng buồn, mắt đã ướt lệ từ lúc nào.

- Thôi không sao đâu con, mẹ hiểu mà. Khi nào dịch bệnh tạm ổn, các con về thắp hương cho bố.

Mẹ tắt máy, nhưng tôi biết, trong lòng mẹ đang vấn vương những nỗi buồn, bởi cả năm có ngày giỗ bố mà con cháu lại không về được. Đã 4 năm kể ngày bố rời xa chúng tôi, năm nào ngày giỗ bố anh em chúng tôi cũng về họp mặt, thắp nén hương tưởng nhớ người bố đã đi xa, cùng ôn lại những câu chuyện bố kể và những lời bố dặn, để cùng nhau cố gắng nhiều hơn trong công việc và cuộc sống. Thế nhưng, năm nay thì...

Tôi nghẹn ngào, giọt nước mắt vô thức tuôn trào, lòng bồi hồi nghĩ về xa xăm. Những kỷ niệm thời thơ ấu cùng gia đình ùa về trong tôi, hình ảnh người bố hiền từ hiển hiện ngay trước mắt... Bước chân đưa tôi về phòng nội trú từ lúc nào, tôi tìm quyển nhật ký của mẹ (sau khi bố tôi mất, mẹ trao lại cho tôi cuốn nhật ký-kỷ vật mà mẹ đã nâng niu, trân trọng suốt cả cuộc đời-cũng là minh chứng cho tình yêu của bố và mẹ), để mỗi lần nhớ về bố, nhớ mẹ, tôi lại tìm đến quyển nhật ký đó và đã trở thành “sách gối đầu giường” của tôi.

Tôi đã đọc cuốn nhật ký đó không biết bao nhiêu lần, nhưng lần nào cảm xúc cũng vẹn nguyên như vậy. Trang đầu tiên ghi ngày 9-6-1975 là bài thơ mẹ viết về bà ngoại (bà đã mất khi mẹ mới 14 tuổi). Tiếp đó là những dòng chữ đã nhuốm màu thời gian ghi lại những tâm sự của mẹ từ khi lập gia đình, là cả tuổi thanh xuân của mẹ. Bố tôi là bộ đội công tác tại Binh đoàn 12 nên thường xuyên phải xa nhà. Mẹ ở nhà chăm nom bà nội hay bị đau yếu, đồng thời cùng ông ngoại chăm sóc các dì còn nhỏ dại. Mảnh đất quê lúa với nghề trồng dâu, nuôi tằm là nơi sinh của mẹ tôi-người phụ nữ tần tảo sớm hôm, chịu thương, chịu khó. Trong cuốn nhật ký, tôi cảm nhận được tình yêu của bố-mẹ, niềm vui mỗi khi bố được về thăm nhà và sự bịn rịn, quyến luyến khi phải chia xa. Mẹ ở nhà là hậu phương vững chắc, chăm lo gia đình để bố vững tâm làm nhiệm vụ, còn bố nơi tiền tuyến luôn một lòng, một dạ nhớ về gia đình, dành dụm chút tiền lương ít ỏi gửi về cho mẹ. Và “sứ giả tình yêu” của bố mẹ đó là những bức thư và tấm ảnh kỷ niệm, trong cuốn nhật ký của mẹ còn lưu giữ một bức thư bố viết vội trên đường hành quân:

“Vinh ngày 17-5-1983

Em thương yêu!

Hôm nay anh tranh thủ ghi mấy chữ để em thôi mong. Đầu thư anh mong em và con luôn khỏe.

Em yêu thương. Từ hôm anh đi đến nay em và con có được mạnh khỏe không. Tình hình thế nào em ghi thư cho anh biết tin em nhé.

Hôm đó anh đi sang Nam Định lấy được vé ngay, nhưng 9 giờ đêm mới có tàu, 2 giờ chiều hôm sau anh mới tới. Hôm đó đi tàu vất vả quá vì tàu đông, suốt 17 tiếng đồng hồ chỉ có đứng không có chỗ để ngồi, mà đứng có một chân. Hôm đó lại nóng quá, người lúc nào cũng ướt đẫm mồ hôi, cho nên anh bị ốm liền, bây giờ vẫn chưa dậy được đấy.

Em yêu. Anh gửi tiền về hôm qua (16-5), 150 đồng em nhận được thì cho anh biết tin ngay em nhé.

Em gửi theo địa chỉ ở Vinh vì anh còn ở Vinh đến 10-6 dương này đấy.

Thôi em nhé. Anh hẹn thư sau!”

Bức thư được bố viết sau khi hết đợt tranh thủ về thăm mẹ sinh anh trai thứ hai của tôi. Chắc hẳn khi viết bức thư này, trong lòng bố đang đầy lo lắng cho 3 mẹ con ở nhà. Những dòng chữ viết vội nhưng chứa chan tình cảm của bố dành cho mẹ và các con, từng câu, từng chữ thấm đậm tình yêu thương và nỗi nhớ mong. Có lẽ tình yêu là động lực giúp bố hoàn thành mọi nhiệm vụ.

Tôi chăm chú đọc từng câu, từng chữ mẹ viết trong cuốn nhật ký để cảm nhận nhiều hơn về nghị lực của mẹ, một người vợ bộ đội đúng nghĩa, luôn thủy chung sắt son, vẹn toàn và cũng để hiểu hơn về tình yêu của bố mẹ trong giai đoạn đầy khó khăn, vất vả. Bố mẹ đã cố gắng và hy sinh rất nhiều để chăm lo anh em chúng tôi khôn lớn, trưởng thành.

Gấp cuốn nhật ký lại khi đồng hồ đã điểm một giờ sáng, tôi tự nhủ mình phải cố gắng nhiều hơn nữa để tiếp bước con đường binh nghiệp của bố, để xứng đáng với niềm tin và hy vọng của bố, mẹ đã trao gửi. Và điều quan trọng hơn cả là để bố ở nơi xa có thể tự hào về đứa con gái của bố đã trở thành một nữ quân nhân kiên cường, mạnh mẽ!

TRIỆU THU THỦY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/nhat-ky-cua-me-648678