Nhặt chẹn lúa vàng

Hôm mồng 5 tháng 5 (âm lịch) con trai tôi hỏi vì sao vào ngày này phải có thịt vịt? Tôi lý giải theo cách hiểu của riêng mình - người được sinh ra, lớn lên cùng đồng quê lam lũ. Nông dân ta vốn có 2 mùa canh tác trong năm, đó là vụ tháng 5 và vụ tháng 10 hay còn gọi là đông xuân và hè thu. Vụ tháng 5 thời tiết thuận lợi nên không chỉ trồng trọt mà còn kết hợp với chăn nuôi. Trong mâm cơm ngày mồng 5 nơi thị thành, tôi nhớ những cánh đồng lúa chín vàng rợn ngợp trong tầm mắt những đứa trẻ quê như tôi. Đó là Đồng Phần, Cồn Dài, Bàu Đông… mê mải bước chân theo từng xâu cá rô, cá tràu, ếch nhái mà tuổi thơ tôi đã trải qua, gắn bó với biền bãi đồng làng.

 Minh họa: LÊ DUY

Minh họa: LÊ DUY

Những cánh đồng tháng 5 bao giờ cũng xôm tụ, đông vui hơn cánh đồng tháng 10 nông dân phải chạy đua với thời gian để tránh mưa lũ. Cánh đồng tháng 5 ngập tràn hoa cỏ với không gian khoáng đạt cho trẻ con thỏa sức nới cước cánh diều. Cánh đồng tháng 5 còn ngập tràn từng đàn vịt chạy đồng mà hầu như nhà nào cũng có. Ở làng tôi vụ tháng 5 bình quân mỗi nhà nuôi từ 20-30 con vịt, canh đúng thời gian bước vào vụ gặt là lùa đàn vịt ra đồng ăn những hạt thóc rơi. Từng đàn vịt được thả chạy hết tấm ruộng này sang ruộng khác cho đến khi vụ mùa kết thúc.

Sau vụ mùa tháng 5 là đến đón tết Đoan Ngọ (mồng 5 tháng 5) nên thịt vịt chính là “cây nhà lá vườn” bên cạnh nồi xôi nếp mới và chè kê. Vì thế thịt vịt trở thành sản vật không thể thiếu trong mâm cúng mồng 5 của người dân quê tôi. Cúng vịt ngày mồng 5 cũng là cách để nông dân tiêu thụ hết đàn vịt đã nuôi “lồng ghép” theo vụ mùa. Vui nhất là những ngày cận kề tết Đoan Ngọ cứ sáng sớm cả làng tôi như nháo nhác theo vịt kêu trong chuồng khi người nuôi đưa vịt ra chợ bán. Có điều thật lạ dù nhà nào cũng nuôi nhưng giá vịt trong dịp mồng 5 bao giờ cũng cao hơn thường ngày. Vì lẽ đó mà nông dân làng tôi đua nhau nuôi vịt trong vụ mùa tháng 5 là đỡ tốn kém chi phí nhưng giá bán cao hơn những tháng khác trong năm.

Mỗi khi nhắc lại việc đi mót lúa hay nuôi vịt chạy đồng, tự dưng tôi lại nhớ đồng quê, nhớ mùa gặt tấp nập lúa vàng. Hạt lúa thời đó được coi như “hạt ngọc nhà trời” nên trân quý biết bao. Tôi nhớ nhất là những tháng ngày mót lúa, nhặt nhạnh từng chẹn lúa mà người nông dân trong lúc gặt còn sót lại trên từng thửa ruộng. Mải miết nhặt nhạnh từng chẹn lúa vàng tôi biết cây lúa thủy chung, một đời vẫn vẹn nguyên sắt son vun vén cho người, cho ruộng đồng. Trải qua một hành trình kết hạt trước khi theo chân người về nhà. Cánh đồng ngợp sắc vàng, màu của trù phú, ấm no, viên mãn trong từng nụ cười. Đồng quê rộn rã tiếng nói cười, âm thanh của ngày mùa vui nhộn nhịp theo bước chân ra đồng.

Nhớ lắm! Tuổi thơ của những đứa trẻ lam lũ thôn quê ngày xưa với những buổi chiều rủ nhau đi mót lúa trên đồng, nhặt nhạnh những chẹn lúa rơi rớt còn sót lại trên những thửa ruộng chỉ còn trơ gốc rạ. Nhớ những lần rong ruổi đuổi nhau trên những cánh đồng mùa hạ ngập nắng vàng.

Bất chợt tôi thèm cảm giác ngày mùa, nhớ âm thanh xao xác đồng chiều. Nhớ cảm giác rợn ngợp, thích thú trước một màu vàng ruộm trải rộng đến mênh mông của biển lúa. Đó chính là khoảnh khắc ngày thơ bé đã đi qua và không bao giờ lặp lại.

An Khanh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=74&modid=421&itemid=168123&title=nhat-chen-lua-vang