Nhật Bản tìm phương cách ngăn ngừa học sinh tự sát

Giáo viên không nhận ra dấu hiệu tự sát

Vụ việc đặt ra yêu cầu bức thiết cải thiện hệ thống ngăn chặn tự sát trong giới trẻ cùng với câu hỏi làm thế nào chống bạo lực trong trường học. Cậu bé 12 tuổi, đã tự kết liễu đời mình bằng cách nhảy vào đầu đoàn tàu cao tốc, trong di thư để lại viết rằng cậu không thể chịu đựng bị bắt nạt thêm được nữa.

Điều tra của Sở Giáo dục Nagoya cũng chỉ ra rằng, cậu bé không chỉ chịu nhiếc móc bằng ngôn ngữ và các hình thức bắt nạt khác của bạn cùng lớp, mà còn cảm thấy vô cùng căng thẳng với bầu không khí trong lớp học và thái độ của các thành viên trong CLB bóng bàn. Giáo viên chủ nhiệm của cậu và giáo viên tại CLB đã không coi hành vi bắt nạt của những học sinh khác đối với cậu bé là nghiêm trọng và không có hành động hiệu quả để giúp cậu bé vượt qua khủng hoảng.

Cũng qua điều tra cho thấy, trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường đã không xử lí thích hợp với kết quả kiểm tra tâm lí của cậu bé, và việc nắm bắt tình trạng tâm lí của từng học sinh không đạt yêu cầu.

Kiểm tra tâm lí thực hiện vào tháng 10 năm ngoái (tức chỉ 1 tháng trước khi cậu bé tự sát) cho thấy cậu bé cần sự giúp đỡ và hỗ trợ - nghĩa là có khả năng bị bắt nạt cao. Trong cùng tháng, cậu bé nói với một thành viên CLB bóng bàn rằng cậu không thể tiếp tục tham gia nữa… Đó là những dấu hiệu rõ ràng về khả năng tự sát.

Tác động lớn từ thay đổi môi trường đột ngột

Ngay trước khi kết quả điều tra của Sở Giáo dục Nagoya công bố đầu tháng này, 1 nữ sinh 13 tuổi và 1 nam sinh 12 tuổi đã tự sát tại quận Aomori – cả 2 đều bước vào đầu giai đoạn học kì 2. Trong cả 2 trường hợp, phụ huynh các em đều đã có ý kiến với giáo viên về sự quấy rối của học sinh khác đối với con gái họ, và cán bộ nhà trường đã nhắc nhở những học sinh bắt nạt.

Tuy nhiên 2 vụ tự sát đã không được ngăn chặn. Trong vụ tự sát của bé gái, em này đã báo cáo giáo viên chủ nhiệm từ năm trước đó về những vấn đề liên quan tới quan hệ cá nhân với bạn cùng lớp. Bố nữ sinh này cũng báo giáo viên việc học sinh khác quấy rối con mình bằng ứng dụng tin nhắn Line. Sở Giáo dục Aomori đã lên kế hoạch thành lập ủy ban điều tra lại vụ việc này.

Các vụ việc ở Nagoya và Aomori chỉ ra rằng, giáo viên và nhân viên trường học thường không nhận ra những dấu hiệu căng thẳng tâm lí của học sinh và có biện pháp thích hợp. Báo cáo điều tra vụ việc Nagoya khuyến cáo cải thiện khả năng giáo viên cảm nhận đúng cảm xúc mà học sinh của họ trải qua – điều này đòi hỏi đào tạo thích hợp cho giáo viên. Về phía cơ quan quản lí GD vĩ mô, cần xem xét gánh nặng công việc của giáo viên có quá tải hay không, có phải vì thế mà giáo viên khó quan tâm tới tâm lí từng học sinh hay không…

Hơn 300 trẻ em tự tước đi cuộc sống của mình mỗi năm vì các nguyên nhân khác nhau. Dựa trên dữ liệu trong 40 năm qua về tình trạng tự sát của trẻ dưới 18 tuổi, năm ngoái một báo cáo của chính phủ chỉ ra rằng số trẻ em tự sát tăng mạnh vào 1/9 – sau khi kết thúc kì nghỉ hè – và cũng tương tự khi kì nghỉ mùa xuân kết thúc. Sự lí giải là cảm xúc của trẻ bị tác động mạnh bởi thay đổi lớn môi trường. Như vụ cậu bé ở Nagoya tự sát, cậu bé này cảm thấy đặc biệt cô đơn với môi trường đột ngột thay đổi khi bước vào cấp học THCS.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/nhat-ban-tim-phuong-cach-ngan-ngua-hoc-sinh-tu-sat-2347718-b.html