Nhật Bản: Tâm trạng kinh doanh tụt dốc khi đồng yên yếu gây áp lực lên các hộ gia đình

Niềm tin kinh doanh tại các công ty sản xuất và dịch vụ lớn của Nhật Bản giảm trong tháng 4 so với tháng trước, do áp lực chi phí sinh hoạt và điều kiện kinh tế không ổn định ở thị trường chủ đạo Trung Quốc.

Theo khảo sát của Reuters Tankan, đồng yên suy yếu đến mức chưa từng thấy kể từ năm 1990 bởi bong bóng lạm phát tài sản đang làm tăng chi phí nhập khẩu, giáng một đòn mạnh vào tiêu dùng hộ gia đình.

Hơn nữa, trong khi đồng tiền giảm giá đã thúc đẩy giá trị xuất khẩu, thì khối lượng vận chuyển lại không được hưởng lợi nhiều, kết quả cuộc khảo sát chỉ ra.

Người dân đi bộ trên đường dành cho người đi bộ tại một khu thương mại ở trung tâm Tokyo. (Nguồn: Reuters)

Chỉ số tâm lý Tankan của Reuters dành cho các nhà sản xuất đứng ở mức 9+, giảm so với mức 10 của tháng trước, do hóa chất và chế biến thực phẩm kéo xuống.

Chỉ số ngành dịch vụ giảm xuống 25+ từ mức 32+ trong tháng trước, bất chấp một số mức tăng của các nhà bán lẻ. Cuộc khảo sát được thực hiện từ ngày 3 đến ngày 12/4 cho thấy chỉ số tâm lý của cả hai lĩnh vực đều cải thiện đôi chút trong 3 tháng tới.

Báo cáo Tankan hàng tháng của Reuters, theo dõi chặt chẽ cuộc khảo sát tankan hàng quý của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, được thực hiện trong thời gian đồng tiền Nhật Bản chạm mức thấp nhất trong 34 năm so với đồng đô-la. Điều đó đã khiến các cơ quan chức năng liên tục cảnh báo rằng họ sẵn sàng hành động chống lại các động thái đầu cơ hoặc gây bất ổn tiền tệ. Đồng đô-la đã phá vỡ tỷ giá 154 yên trong tuần này.

“Doanh số bán hàng của chúng tôi dường như được tăng lên do tác động của đồng yên yếu, nhưng không có dấu hiệu phục hồi về mặt khối lượng”, một giám đốc của một nhà sản xuất hóa chất viết trong cuộc khảo sát với điều kiện giấu tên.

Reuters Tankan đã khảo sát 497 công ty phi tài chính lớn của Nhật Bản, trong đó có 235 công ty phản hồi trong thời gian khảo sát.

Giám đốc một công ty hóa chất cho biết: “Các công ty Nhật Bản nói chung có thể đang trên đà tăng lương, nhưng việc tăng giá đã làm giảm nhu cầu mua các mặt hàng như thực phẩm và hàng hóa hàng ngày của người tiêu dùng”.

Bên cạnh nhu cầu trong nước yếu ớt, các yếu tố bên ngoài cũng được cho là nguyên nhân gây lo ngại cho các công ty Nhật Bản.

“Nhu cầu chưa ổn định do sự chậm trễ trong quá trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc và sự không chắc chắn về triển vọng ví dụ như sự tách rời giữa nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc”, nhà quản lý của một nhà sản xuất giấy/bột giấy viết trong cuộc khảo sát với điều kiện giấu tên.

Báo cáo cuối cùng của BOJ cho thấy vào ngày 1/4, sự lạc quan của ngành dịch vụ đã đạt mức cao nhất trong 33 năm trong quý đầu tiên nhờ du lịch trong nước và lợi nhuận tăng từ việc tăng giá. Nhưng điều đó đã được bù đắp ở một mức độ nào đó bởi kết quả khảo sát tương tự về tâm lý trượt dốc đối với các nhà sản xuất lớn lần đầu tiên trong bốn quý.

Hôm 15/4 vừa qua, dữ liệu cho thấy các đơn đặt hàng máy móc cốt lõi của Nhật Bản - thước đo chính của chi tiêu vốn - đã phục hồi mạnh mẽ trong một dấu hiệu đáng mừng về nhu cầu trong nước.

Tuy nhiên, động lực kinh tế tổng thể từ đầu năm đến nay đã chỉ ra rằng nhu cầu trong nền kinh tế không đủ để thúc đẩy sự phục hồi mạnh mẽ trong thời gian tới. Đó là một lý do tại sao Ngân hàng Nhật Bản đánh dấu một lộ trình thận trọng trong việc thắt chặt tiền tệ hơn nữa sau quyết định mang tính bước ngoặt về việc chấm dứt lãi suất âm vào tháng trước.

Chỉ số Tankan của Reuters được tính bằng cách trừ tỷ lệ những người trả lời bi quan khỏi những người lạc quan. Một con số dương có nghĩa là số người lạc quan đông hơn số người bi quan.

Hồng Vân (Theo Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhat-ban-tam-trang-kinh-doanh-tut-doc-khi-dong-yen-yeu-gay-ap-luc-len-cac-ho-gia-dinh-post292162.html