Nhật Bản phục hưng công nghệ chip: Trông chờ ngoại lực từ Đài Loan

Tập đoàn sản xuất chất bán dẫn Đài Loan TSMC (Taiwan Semiconductor Manufacturing Company) đang biến thị trấn nông nghiệp nhỏ ở tỉnh Kikuyo, Nhật Bản thành một nút thắt quan trọng trong chuỗi cung ứng chip của châu Á.

Ảnh minh họa.

Được thành lập vào năm 1987 tại Đài Loan, TSMC hiện là công ty sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới và đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu cho các sản phẩm điện tử như điện thoại thông minh, máy tính, ô tô,...

Vào tháng 7/2022, TSMC đã khởi công nhà máy sản xuất chip tại một khu đất vốn là đồng cỏ nuôi bò và trồng bắp cải của Kikuyo, Nhật Bản và nhận được khoản trợ cấp hàng tỷ USD từ chính phủ nước này. Đây cũng là lần đầu tiên TSMC có một nhà máy nằm ngoài Đài Loan kể từ năm 2018.

Khu vực xung quanh nhà máy hiện đã tấp nập nhân viên và các nhà cung cấp của TSMC. Những gã khổng lồ điện tử Nhật Bản đồng thời là những khách hàng mua chip bán dẫn lớn của TSMC như Sony, Denso và Toyota đang đầu tư số tiền khổng lồ vào dự án này.

Thị trấn công nghiệp công nghệ cao đang hình thành ở Kikuyo là bằng chứng cho sự biến động trong ngành bán dẫn.

Trong nhiều năm, chuỗi cung ứng những con chip nhỏ bên trong điện thoại thông minh, ô tô và máy bay chiến đấu của TSMC phụ thuộc phần lớn vào một số nhà máy ở Đài Loan. Sau đó, đại dịch Covid-19 và tình trạng thiếu chip toàn cầu đã bộc lộ những rủi ro của hoạt động sản xuất tập trung này.

Vì vậy, trong bốn năm qua, TSMC đã cam kết xây dựng các nhà máy mới ở Mỹ, Nhật Bản và Đức.

Đầu tư mạnh tay

Từng là cường quốc sản xuất chip, Nhật Bản đã cam kết chi 26 tỷ USD để vực dậy ngành công nghiệp này, với trọng tâm là các loại chip được sử dụng trong ô tô. Khoảng một phần ba số tiền đó đã được sử dụng cho hoạt động của TSMC.

"Mọi người đều có thể thấy sự hỗ trợ của chính phủ đối với toàn bộ ngành công nghiệp, đặc biệt là chuỗi cung ứng, bao gồm các nhà máy, công trình xây dựng, giao thông vận tải và sân bay", ông Ray Yang, giám đốc Viện Nghiên cứu Công nghệ Công nghiệp Đài Loan, cho biết.

Trong những tháng gần đây, hàng nghìn công nhân đã làm việc suốt ngày đêm ở Kikuyo để xây dựng nhà máy TSMC cũng như chuẩn bị máy móc và vật liệu để sản xuất chip.

Vào tháng 2, khi nhà máy mở cửa trước thời hạn, chính phủ Nhật Bản cho biết họ sẽ đầu tư thêm 4,85 tỷ USD vào nhà máy thứ hai của TSMC tại nước này.

Tại Đài Loan, cứ vài năm, tập đoàn này lại xây dựng thêm một nhà máy sản xuất chip mới để sản xuất ra những con chip ngày càng nhỏ và nhanh hơn. Dựa vào mạng lưới các nhà cung cấp, công ty xây dựng và công nhân lành nghề được thiết lập từ lâu, TSMC đã xây dựng 15 nhà máy sản xuất chip trong 37 năm.

Theo nhiều nhà phân tích, kinh nghiệm của TSMC ở Nhật Bản cho thấy công ty có thể tái tạo nhịp độ này bên ngoài Đài Loan.

Tuy nhiên, tập đoàn này cho biết thách thức của họ là thiếu công nhân lành nghề. Tại Nhật Bản, các liên đoàn lao động phản đối việc TSMC đưa lao động nước ngoài vào làm những công việc mà họ cho rằng người dân địa phương có thể làm. Điều này khiến hai bên đã phải đàm phán nhiều tháng.

Cuối cùng, để đưa nhà máy đi vào hoạt động, một số kỹ sư Nhật Bản của Sony đã tạm thời được chuyển sang TSMC và cử sang Đài Loan để đào tạo. Bên cạnh đó, trường cao đẳng kỹ thuật tại địa phương đã tăng cường các khóa học kỹ thuật điện và TSMC đã tuyển dụng 17 sinh viên tốt nghiệp tại đây.

Dự kiến nhà máy TSMC ở Kikuyo, Nhật Bản sẽ đi vào sản xuất trong cuối năm nay.

Hà Vy

Theo NYT

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/nhat-ban-phuc-hung-cong-nghe-chip-trong-cho-ngoai-luc-tu-dai-loan-20180504224297507.htm