Nhật Bản lần đầu tiên cho phép dùng thuốc phá thai

Trước đó, phụ nữ Nhật Bản chỉ được phá thai nếu chồng hoặc bạn tình đồng ý, ngoài ra phẫu thuật với chi phí đắt đỏ là lựa chọn duy nhất.

The Guardian đưa tin Bộ Y tế Nhật Bản đã "bật đèn xanh" cho một loại thuốc dùng để phá thai nếu thai nhi ở giai đoạn đầu.

Phá thai là hợp pháp ở Nhật Bản từ năm 1948 nếu thai nhi không quá 22 tuần, nhưng thường phải có sự đồng ý của chồng hoặc bạn tình và cho đến nay, phẫu thuật là lựa chọn duy nhất.

Bộ Y tế nước này cho biết trong một thông báo gửi tới các quan chức y tế vào hôm 28/4 rằng đã phê duyệt một loại thuốc phá thai do Linepharma, công ty dược phẩm của Anh, sản xuất.

Công ty dược phẩm của Anh đã đệ trình sản phẩm của mình, phương pháp điều trị hai bước gồm mifepristone và misoprostol, để xin phê duyệt tại Nhật Bản vào tháng 12/2021.

Loại thuốc tương tự đã được bán ở nhiều quốc gia bao gồm Pháp, nơi lần đầu tiên phê duyệt thuốc phá thai vào năm 1988, và Mỹ, nơi thuốc này đã có từ năm 2000.

Việc phê duyệt thuốc phá thai đến 9 tuần sau khi có sự tán thành của hội đồng Bộ, đã bị hoãn lại trong một tháng do hàng nghìn đệ trình công khai được thực hiện.

Đài truyền hình quốc gia NHK cho biết tổng chi phí cho thuốc phá thai và tư vấn y tế sẽ vào khoảng 100.000 yen (733 USD). Phá thai không được bảo hiểm y tế công cộng chi trả.

Phá thai ngoại khoa có thể tốn từ 100.000 yên đến 200.000 yen.

Phụ nữ Nhật Bản muốn phá thai phải được chồng hoặc bạn tình đồng ý, hoặc chứng minh có thai ngoài ý muốn. Ảnh minh họa: Pexels.

Các nhà vận động ở Nhật Bản cũng đang thúc đẩy để người dân có thể tiếp cận tốt hơn với viên thuốc tránh thai khẩn cấp. Loại thuốc này không được chi trả bởi bảo hiểm y tế và có giá thành lên tới 150 USD.

Thuốc tránh thai khẩn cấp không thể mua ở Nhật Bản mà không có sự đồng ý của bác sĩ. Đây cũng là loại thuốc duy nhất phải được dùng trước mặt dược sĩ để ngăn chặn việc bán nó trên thị trường chợ đen.

Quyền phá thai của phụ nữ Nhật Bản còn nhiều hạn chế, bao gồm phải có sự đồng ý của cha thai nhi. Theo một nghiên cứu vào năm 2019 của công ty Bayer và Đại học Tokyo, có khoảng 610.000 trường hợp mang thai ngoài ý muốn tại nước này mỗi năm.

"Ở Nhật Bản vẫn tồn tại những định kiến cho rằng phụ nữ sẽ lạm dụng quyền lợi có được và họ sẽ mắc sai lầm. Trong giới y khoa luôn tồn tại một bản năng cha mẹ mạnh mẽ. Họ muốn giữ phụ nữ trong tầm kiểm soát", nhà vận động quyền sinh sản của phụ nữ Asuka Someya cho biết.

Các biện pháp phòng chống mang thai cũng rất hạn chế ở quốc gia này, dùng bao cao su là biện pháp phổ biến nhất. Theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc vào năm 2019, chỉ 2,9% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản ở Nhật Bản đang sử dụng thuốc tránh thai, so với gần 1/3 số phụ nữ ở Pháp và 20% ở Thái Lan.

Quy định cho phép phụ nữ phá thai nếu chứng minh được bị chồng bạo hành, có thai ngoài ý muốn, được thông qua vào tháng 3/2021, cũng đã vấp phải nhiều hoài nghi và tranh cãi, theo VICE.

Trước đó, trong trường hợp người phụ nữ chưa kết hôn, nhiều cơ sở y tế vẫn yêu cầu sự đồng ý từ người được cho là cha của đứa bé vì lo sợ các vụ kiện tụng. Điều kiện này xảy ra với cả trường hợp nạn nhân bị hiếp dâm.

"Mặc dù luật quy định nếu phụ nữ bị hiếp dâm, cô ấy không cần sự đồng ý của người phối ngẫu để phá thai. Nhưng trên thực tế, điều đó thường không xảy ra. Các nạn nhân nữ vẫn bị từ chối tại nhiều cơ sở y tế", Masato Takashi, giám đốc điều hành của VS Forum (nhóm luật sư bảo vệ quyền lợi của các nạn nhân bị lạm dụng), cho hay.

Mặc dù các nhóm hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình khuyến khích quy định mới, họ không rõ nó sẽ hoạt động như thế nào trong thực tế.

Ông Takashi cho hay nạn nhân của bạo lực gia đình vẫn có thể khó tiếp cận việc phá thai vì những điều vốn bị coi là nhạy cảm, cấm kỵ. "Người vợ thường giấu chuyện mình bị chồng bạo hành vì cảm thấy xấu hổ. Rõ ràng, điều luật mới có ích nhưng chưa đủ hiệu quả", ông nói.

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhat-ban-lan-dau-tien-cho-phep-dung-thuoc-pha-thai-post1426968.html