Nhật Bản có tiềm năng trở thành cường quốc về AI và robot?

Tổ chức vận động hành lang kinh doanh quyền lực nhất Nhật Bản Keidanren vừa phát hành một báo cáo kêu gọi Chính phủ Nhật Bản cần đặt mục tiêu trở thành 'cường quốc về trí tuệ nhân tạo (AI) và robot'.

Nhật Bản có tiềm năng trở thành cường quốc về AI và robot? Ảnh minh họa: TTXVN

Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản Keidanren là một trong những tổ chức có ảnh hưởng lớn nhất về kinh tế đối ngoại và chính sách phát triển kinh tế tại Nhật Bản. Thành lập từ năm 1946, hiện Keidanren bao gồm 129 hiệp hội công nghiệp, 47 tổ chức kinh tế khu vực và hơn 1.600 thành viên là các công ty có văn phòng tại Nhật Bản.
Tháng Tư vừa qua, Keidanren gửi một bản đề xuất cho Chính phủ mang tên “Hướng tới bước nhảy vọt cho ngành công nghiệp Nhật Bản – Giải pháp củng cố cơ sở công nghiệp dựa trên chiến lược dài hạn”.
Trong bản đề xuất, Keidanren đã phản đối cách Nhật Bản đang cố gắng đạt được mục tiêu được ca ngợi là “trung hòa carbon vào năm 2050”, cũng như các biện pháp hiện có để đưa Nhật Bản trở thành trung tâm toàn cầu trong ngành bán dẫn và các lĩnh vực liên quan.
Tổ chức này cho rằng, các chiến lược ngắn hạn và trung hạn không phải là câu trả lời để đạt được những mục tiêu đó. Theo đánh giá của Keidanren: “Một chiến lược dài hạn, toàn diện để bao trùm toàn bộ ngành công nghiệp vẫn chưa được thiết lập”.
Liên đoàn kêu gọi Chính phủ Nhật Bản phải hợp tác chặt chẽ với ngành công nghiệp và giới học thuật để phát triển chiến lược dài hạn đến năm 2040, với mục tiêu nâng cao khả năng cạnh tranh công nghiệp.
Báo cáo của liên đoàn nêu rõ “động cơ” chấm dứt tình trạng trì trệ kinh tế của Nhật Bản và đưa Tokyo trở lại con đường tăng trưởng chỉ có thể đạt được bằng cách xây dựng một “ngành công nghiệp mạnh mẽ”. Keidanren kêu gọi chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp đặc biệt “có triển vọng”, để họ có thể tận dụng tối đa thế mạnh của Nhật Bản và giành được lợi thế trên thị trường quốc tế. Báo cáo viết: “Điều quan trọng là phải thúc đẩy các nỗ lực chung công - tư để đầu tư tích cực và tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi”.
Đề xuất của Keidanren kêu gọi một lộ trình hành động dài hạn để các doanh nghiệp đổi mới nắm bắt thế chủ động và tối đa hóa lợi ích của Nhật Bản. Theo đó, chính phủ cần giải thích chiến lược của mình nhằm “nuôi dưỡng” các công ty đạt được mục tiêu đó và chỉ định nơi đầu tư nguồn lực hạn chế.
Báo cáo của Keidanren đề xuất Chính phủ Nhật Bản tăng cường đầu tư vào 7 lĩnh vực chiến lược, là những lĩnh vực “đầy hứa hẹn” trong tương lai bao gồm: AI và robot; chất bán dẫn, quang - lượng tử; năng lượng, bao gồm năng lượng tái tạo, pin, năng lượng hạt nhân, hydro, quang hợp nhân tạo, năng lượng nhiệt hạch…; sáng tạo nội dung và giải trí; du lịch và ẩm thực; sinh học và chăm sóc sức khỏe; không gian và an ninh quốc phòng.
Báo cáo nhấn mạnh doanh nghiệp tư nhân phải đóng vai trò chủ đạo trong việc đạt được tăng trưởng, đồng thời kêu gọi một chiến lược rõ ràng để khắc phục các vấn đề cơ cấu mà Nhật Bản phải đối mặt từ “quan điểm tối ưu hóa tổng thể” vượt ra ngoài ranh giới của các doanh nghiệp và cơ quan.
Mặc khác, báo cáo phủ nhận “chính sách công nghiệp thông thường do Chính phủ chỉ đạo” và cho biết cần có các chiến lược đầu tư mới để củng cố cơ sở công nghiệp, kêu gọi các biện pháp ngân sách dài hạn trong nhiều năm.
Keidanren cũng đưa ra những cách tiếp cận cụ thể đối với những thách thức cần giải quyết trong “ngắn hạn và trung hạn”. Theo tổ chức này, “vấn đề nghiêm trọng nhất” đối với Nhật Bản là khủng hoảng lao động do dân số nước này đang giảm nhanh chóng. Vì vậy, công nghệ kỹ thuật số sẽ mang lại cho Nhật Bản triển vọng tốt hơn về một tương lai kinh tế tươi sáng. Keidanren ước đoán khoảng 3 năm tới công nghệ sẽ đóng vai trò là “giai đoạn đầu tư chuyên sâu” để củng cố nền tảng cho khả năng cạnh tranh.
Báo cáo của Keidanren nhấn mạnh về sự cần thiết phải có các biện pháp ngân sách quyết liệt, chẳng hạn như thay đổi hệ thống thuế, bãi bỏ quy định và các sáng kiến khác để biến Nhật Bản thành một “siêu cường AI và robot”.
Lưu ý rằng sự phổ biến của AI tạo sinh xử lý khối lượng dữ liệu khổng lồ sẽ dẫn đến mức tiêu thụ điện năng tăng vọt nên nguồn cung cấp điện giá rẻ ổn định là yếu tố “có thể đóng góp trực tiếp vào khả năng cạnh tranh quốc tế của mọi doanh nghiệp”. Vì lý do đó, “việc tích cực thúc đẩy và sử dụng đầy đủ năng lượng hạt nhân là điều không thể thiếu”. Keidanren khuyến nghị việc khởi động lại một số lò phản ứng càng sớm càng tốt, cũng như thay thế các lò phản ứng cũ bằng lò phản ứng mới, đồng thời xây dựng các lò phản ứng bổ sung.
Keidanren cũng đề xuất xây dựng kế hoạch hỗ trợ phát triển các lò phản ứng cải tiến thế hệ tiếp theo trong chiến lược năng lượng dài hạn
Kết thúc báo cáo, các nhà lãnh đạo đại diện Keidanren nhấn mạnh: “Nền kinh tế Nhật Bản đã suy thoái suốt 30 năm nay và đang có cơ hội duy nhất để tạo ra bước nhảy vọt vượt bậc. Động cơ cho điều này là sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp và việc phân phối thành quả của sự tăng trưởng này đến người dân, cũng như tạo ra một chu kỳ ‘chuẩn’ sẽ dẫn đến sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế Nhật Bản”.
Báo cáo đề xuất này tập trung vào việc củng cố cơ sở công nghiệp đa ngành, nhưng để hình thành một ngành mạnh, mỗi công ty phải tích cực đón nhận các thách thức và đầu tư cho sự tăng trưởng trong tương lai cũng như tạo ra giá trị trên toàn cầu.

Xuân Giao (P/v TTXVN tại Tokyo)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nhat-ban-co-tiem-nang-tro-thanh-cuong-quoc-ve-ai-va-robot/332693.html