Nhật Bản cho phép xuất khẩu máy bay chiến đấu tối tân: 3 điều cần biết

Kế hoạch theo Chương trình Không quân Chiến đấu Toàn cầu (GCAP) của Nhật Bản, Anh và Italy báo hiệu sự thay đổi then chốt trong chiến lược an ninh khu vực.

Mô hình máy bay chiến đấu mới của Chương trình Không quân Chiến đấu Toàn cầu do Anh, Nhật Bản và Italy dẫn đầu, được trưng bày tại sự kiện quốc phòng DSEI ở London vào ngày 12/9/2023. (Nguồn: Reuters)

Chính phủ Nhật Bản hôm thứ Ba đã phê duyệt các hướng dẫn sửa đổi đối với các quy tắc chuyển giao thiết bị quốc phòng nghiêm ngặt, cho phép xuất khẩu máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo được phát triển chung với Anh và Italy theo Chương trình Không quân Chiến đấu Toàn cầu (GCAP).

Sự thay đổi trong các quy tắc của "Ba nguyên tắc chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng" của Nhật Bản sẽ giúp hợp lý hóa các cuộc đàm phán với hai đối tác châu Âu phù hợp với nguyện vọng của Tokyo đối với máy bay.

Điểm đến của máy bay chiến đấu xuất khẩu sẽ được giới hạn ở 15 quốc gia đã ký hiệp ước với Nhật Bản về chuyển giao công nghệ và thiết bị quốc phòng. Sự thay đổi quy tắc diễn ra sau nhiều tháng tranh cãi trong liên minh cầm quyền vì Nhật Bản đã duy trì lệnh cấm xuất khẩu vũ khí được phát triển quốc tế của nước thứ ba theo hiến pháp từ bỏ chiến tranh. Động thái này báo hiệu một sự thay đổi lớn trong động lực an ninh khu vực.

Dưới đây là ba lý do tại sao nó quan trọng:

Khả năng của máy bay chiến đấu "thế hệ thứ sáu" này là gì?

Máy bay chiến đấu là chìa khóa cho việc tăng cường khả năng ngăn chặn sự xâm lược từ bên ngoài của Nhật Bản. Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản hiện đang vận hành ba loại máy bay chiến đấu: F-2, F-15 và F-35. Máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo mà họ đang hợp tác với Anh và Italy chế tạo nhằm kế nhiệm F-2 và dự kiến triển khai vào năm 2035.

"Thế hệ" của máy bay chiến đấu biểu thị hiệu suất của nó về mặt khả năng. Chiến thuật chiến tranh phát triển theo từng thế hệ mới, từ các trận "không chiến" tầm nhìn truyền thống đến các cuộc giao tranh ngoài tầm nhìn, chủ yếu sử dụng radar và tên lửa tầm xa.

Máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo dự kiến sẽ có khả năng chiến đấu mạng tiên tiến có thể liên kết với máy bay không người lái và vệ tinh, bên cạnh khả năng tàng hình và công nghệ cảm biến vượt trội.

Vào tháng 12 năm 2023, Nhật Bản và Mỹ đã đồng ý bắt đầu nghiên cứu chung về trí tuệ nhân tạo với hy vọng áp dụng cho các phương tiện bay không người lái có thể hoạt động cùng với máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo.

Hình ảnh máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo đang được phát triển bởi Nhật Bản, Italy và Anh (Nguồn: Bộ Quốc phòng Nhật Bản/Kyodo)

Tại sao Nhật Bản phát triển máy bay chiến đấu với Anh và Italy?

Vì việc phát triển các thiết bị quốc phòng tiên tiến có thể tiêu tốn ít nhất vài nghìn tỷ yên nên các quốc gia phải hợp tác cùng nhau để chia sẻ rủi ro và chi phí trong quá trình phát triển và sản xuất. Ví dụ, một nhóm riêng biệt ở châu Âu bao gồm Pháp, Đức và Tây Ban Nha đang hướng tới phát triển máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo.

Năm 2018, Nhật Bản đã đưa ra chính sách "Phát triển do Nhật Bản dẫn đầu nhằm hợp tác quốc tế" liên quan đến việc phát triển máy bay kế nhiệm F-2 của JASF. Tokyo bước đầu đã thăm dò khả năng hợp tác với Mỹ và các nước đồng minh vào thời điểm đó.

Nhật Bản đã tổ chức các cuộc đàm phán về hỗ trợ kỹ thuật với Lockheed Martin, một nhà thầu quốc phòng lớn của Mỹ, nhưng quyết định rằng khối lượng công nghệ bí mật có thể đồng nghĩa với việc Washington sẽ buộc Tokyo phải nâng cấp các máy bay phản lực sau khi triển khai.

Do đó, Nhật Bản chuyển trọng tâm sang Anh và Italy, hai quốc gia đã công bố thỏa thuận sản xuất và phát triển chung vào tháng 12 năm 2022. Anh và Italy có thành tích cùng phát triển Eurofighter Typhoon thế hệ thứ tư với hai quốc gia châu Âu khác là Đức và Tây Ban Nha. Nhật Bản coi hai nước là đối tác có thể đáp ứng các yêu cầu của Nhật Bản đồng thời mang lại cho nước này những lợi ích từ sự phát triển chung quốc tế.

Vương quốc Anh và Italy đã bắt đầu một dự án chế tạo máy bay kế nhiệm Eurofighter Typhoon, có tên là Tempest. Mục tiêu hoàn thành việc phát triển máy bay của họ xuất hiện cùng thời điểm Nhật Bản đang tìm cách tăng cường mối quan hệ giữa ba quốc gia.

Hai nước hy vọng sẽ xuất khẩu máy bay chiến đấu mới sang các quốc gia khác để giúp trang trải chi phí phát triển và sản xuất. Bằng cách đảm bảo rằng Nhật Bản sẽ đóng góp ở mức độ tương đương với hai đối tác châu Âu, Tokyo có thể tránh bị bất lợi trong các cuộc đàm phán về vai trò và khả năng của máy bay.

Việc không cho phép xuất khẩu từ nước thứ ba sẽ khiến Nhật Bản ít có khả năng được chọn làm đối tác để cùng phát triển các thiết bị quốc phòng khác trong tương lai. Nó cũng sẽ làm dấy lên mối lo ngại về những hạn chế đối với khả năng phòng thủ của Nhật Bản.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nói về dự án này trong chuyến thăm Nhật Bản vào tháng 3/2023: “GCAP sẽ không phải là một mối tình ngắn ngủi. Nó sẽ là một cuộc hôn nhân” từ phát triển đến triển khai và nghỉ hưu, thể hiện mức độ hợp tác quốc phòng cao giữa ba nước.

Những tác động lan tỏa công nghệ có thể xảy ra đối với ngành công nghiệp dân sự?

Tokyo cũng hy vọng việc phát triển máy bay chiến đấu mới sẽ có tác động lan tỏa đến khu vực tư nhân. Các công nghệ được sử dụng trên máy bay F-2 do Nhật Bản hợp tác với Mỹ chế tạo và bay lần đầu tiên vào năm 1995, đã được tái sử dụng cho mục đích dân sự.

Ví dụ bao gồm hệ thống thu phí tự động trên đường cao tốc, radar tránh va chạm cho ô tô, bu lông titan dùng trong y tế và cánh composite được cung cấp cho máy bay thương mại Boeing. Hơn 1.000 công ty tham gia phát triển máy bay chiến đấu ở Nhật Bản.

Máy bay thế hệ tiếp theo sẽ được tích hợp nhiều công nghệ tiên tiến hơn nữa. Ví dụ, người ta hy vọng radar sử dụng trong công nghệ tàng hình có thể được áp dụng cho ô tô tự lái, sử dụng phân tích chính xác về sự biến đổi sóng vô tuyến phức tạp từ các phương tiện khác hoặc vũng nước trên mặt đường.

Công nghệ truyền thông có những ứng dụng tiềm năng trong các hệ thống kiểm soát không lưu có tính tự động cao và công nghệ liên kết vật liệu composite để chế tạo máy bay có thể tìm thấy các ứng dụng cho việc xây dựng quy mô lớn trên nền đất yếu.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản tuyên bố trong “Hướng dẫn Công nghệ Quốc phòng” xuất bản vào tháng 6 năm 2023: “Việc đưa những tiến bộ trong công nghệ quốc phòng trở lại xã hội dưới dạng sản phẩm phụ và việc tăng cường đổi mới khoa học và công nghệ của Nhật Bản là rất quan trọng để tăng cường sức mạnh quốc gia”.

(theo Nikkei Asia)

Tuệ Minh gt

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nhat-ban-cho-phep-xuat-khau-may-bay-chien-dau-toi-tan-3-dieu-can-biet-265659.html