Nhập siêu sản phẩm chăn nuôi đang có chiều hướng tăng cao

Một trong những khó khăn, thách thức mà ngành chăn nuôi đối mặt trong năm 2023 là sản phẩm chăn nuôi vẫn có xu hướng gia tăng nhập siêu; điều này sẽ tạo ra áp lực rất lớn cho sản xuất trong nước.

Nhập siêu sản phẩm chăn nuôi đang có chiều hướng tăng cao. Ảnh: TL

Thịt lợn nhập ngoại năm 2023 tăng tới 85%

Đánh giá về bức tranh ngành chăn nuôi năm 2023, ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho biết, năm 2023 ngành chăn nuôi có nhiều điểm sáng như: duy trì đà tăng trưởng khi nhiều ngành khác sụt giảm; tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu một số sản phẩm chăn nuôi đã ghi nhận tăng cao, như sản phẩm gia cầm đã đạt hơn 10 triệu USD trị giá xuất khẩu...

Tuy nhiên, ông Sơn cũng chỉ ra điểm tối mà ngành chăn nuôi còn đối mặt trong năm qua. Cụ thể, mặc dù tăng trưởng đầu con và sản lượng tốt, nhưng giá trị sản xuất, đặc biệt là giá trị gia tăng của một số ngành hàng chăn nuôi còn thấp, thậm chí tăng trưởng âm.

Theo số thống kê các tháng từ đầu năm đến thời điểm hiện tại của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, hiện nay mức giá lợn hơi của Việt Nam tương đương giá lợn hơi tại Thái Lan nhưng thấp hơn Trung Quốc từ 1 - 3 nghìn đồng/kg và cao hơn giá tại Campuchia khoảng 5 - 8 nghìn đồng/kg. Mức giá lợn tại Việt Nam cao hơn giá lợn hơi xuất chuồng tại một số nước xuất khẩu thịt lợn chủ yếu vào thị trường Việt Nam.

Đáng chú ý, "Tình trạng nhập siêu sản phẩm chăn nuôi đang có chiều hướng tăng cao. Trong đó, lượng thịt lợn nhập ngoại năm 2023 đã tăng tới 85% so với cùng kỳ năm ngoái, thịt trâu bò cũng tăng 56%, còn lượng thịt gia cầm vẫn nhập trên 200.000 tấn (tương đương năm ngoái). Tình trạng này đã và sẽ tiếp tục gây áp lực rất lớn cho hoạt động chăn nuôi trong nước” - ông Sơn nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, hiện nay bắt đầu có xu hướng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi, đặc biệt là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nội địa và hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Đề cập vấn đề thịt ngoại tràn vào nội địa, ông Phan Quang Minh - Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) lý giải, thịt ngoại vào nội địa có một phần là thịt nhập lậu qua biên giới, tình hình diễn biến còn phức tạp. Ông Minh mong muốn các hiệp hội, doanh nghiệp cần chủ động thông tin cho Cục thú y để phối hợp ngăn chặn tình trạng này.

Bên cạnh đó sẽ tăng cường, kiểm soát các sản phẩm động vật nhập khẩu chính ngạch theo quy định của Việt Nam cũng như quốc tế.

Xây dựng ngành chăn nuôi tự chủ

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2024 ngành chăn nuôi đặt mục tiêu giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng khoảng 4 - 5% so với năm 2023, tỷ trọng chăn nuôi trong tổng thể ngành nông nghiệp ước đạt 28 - 30%.

Trong năm 2024, ngành chăn nuôi tiếp tục triển khai tái cơ cấu ngành, triển khai các giải pháp ổn định phát triển chăn nuôi gia cầm, gia súc. Đồng thời, tập trung góp phần kiềm chế lạm phát, nâng cao thu nhập của nông dân gắn với phát triển chăn nuôi với xây dựng nông thôn mới và chống biến đối khí hậu.

Để đạt mục tiêu này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã yêu cầu Cục Chăn nuôi cần phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội và doanh nghiệp nỗ lực chủ động thực hiện “Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045”.

Theo đó, trong bối cảnh khó khăn, tổng cung, tổng cầu thay đổi nhưng chăn nuôi vẫn tăng trưởng, nhu cầu tiêu dùng thấp nhưng vẫn phải tăng trưởng cao - đây là bài toán khó đặt ra cho ngành chăn nuôi. Do vậy, phải xây dựng ngành chăn nuôi tự chủ, xem lại cơ cấu ngành hàng theo hướng tăng gia cầm, giảm đàn lợn để có sự cân đối.

Ngoài ra, muốn có ngành chăn nuôi bền vững phải đảm bảo được chất lượng con giống, nguồn thức ăn, muốn gia tăng thì phải sản xuất, tạo môi trường thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư và những đối tượng vật nuôi chủ lực và có lợi thế.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định 1625/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đến năm 2030 (đề án).

Mục tiêu chung của đề án là phát huy tiềm năng sẵn có, tăng cường hơn nữa năng lực sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm và hạ giá thành sản phẩm, giảm tỷ trọng nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Mục tiêu cụ thể của đề án là công nghiệp hóa sản xuất các loại thức ăn bổ sung trong nước có lợi thế để cung cấp khoảng 20-25% nhu cầu vào năm 2025 và 30-35% vào năm 2030.

Nam Khánh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nhap-sieu-san-pham-chan-nuoi-dang-co-chieu-huong-tang-cao-141949.html