Nhập nhèm trong cấp bò dự án giảm nghèo: 'Văn bản lạ' của cơ quan quản lý

Liên quan đến cấp bò dự án giảm nghèo, Phòng NN&PTNT huyện Điện Biên đã ban hành một văn bản giới thiệu chỉ một doanh nghiệp cung ứng.

Một con bò có dấu hiệu bị cưa sừng.

Vì giá “rẻ”...

Ngày 9/1, Báo GD&TĐ đăng tải bài viết: “Nhập nhèm trong cấp bò dự án giảm nghèo ở Điện Biên?”. Xác minh cho thấy, liên quan đến dự án này, ngày 25/10/2023, Phòng NN&PTNT huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên ban hành Công văn số 567/CV-NN cung cấp thông tin về cơ sở sản xuất, kinh doanh giống gia súc gửi đến các phòng, ban, cơ quan liên quan huyện; UBND các xã thuộc huyện Điện Biên.

Người ký văn bản trên là ông Chu Văn Bách, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Điện Biên. Theo ông Bách, đây chính là “chìa khóa” để giải quyết bế tắc cho các xã trong quá trình triển khai dự án.

Theo Công văn trên, ngày 24/10/2023, UBND huyện Điện Biên cùng đại diện một số phòng, ban làm việc với Công ty TNHH Một thành viên đầu tư xây dựng Đại Thành (Công ty Đại Thành), là đơn vị sản xuất và cung cấp giống gia súc, vật tư nông nghiệp.

Sau khi kiểm tra hồ sơ của công ty nói trên, các phòng liên quan đã thống nhất, xin ý kiến lãnh đạo UBND huyện. Được sự nhất trí của lãnh đạo UBND huyện Điện Biên, Phòng NN&PTNT huyện gửi thông tin về Công ty Đại Thành (có địa chỉ tại phường Cốc Lếu, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai) đến các xã với khẳng định đây là cơ sở “có năng lực cung ứng giống gia súc” để các xã “tham khảo, tổ chức triển khai”.

Chiều 3/1, trong buổi làm việc với ông Chu Văn Bách, Báo GD&TĐ đặt câu hỏi: Căn cứ vào đâu để ban hành công văn nói trên? Ông Bách cho rằng căn cứ vào hồ sơ pháp lý bên phía Công ty Đại Thành cung cấp. Sau nhiều lần đề nghị cung cấp một bộ hồ sơ năng lực đầy đủ của Công ty Đại Thành thì lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Điện Biên mới gửi cho phóng viên một bộ hồ sơ (bản điện tử).

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Điện Biên cho rằng, với bộ hồ sơ này thì có thể khẳng định đây là cơ sở có đủ điều kiện để cung ứng giống. Lý giải cho câu hỏi: Vì sao lại không giới thiệu 5 - 10 đơn vị cung ứng để người dân có thêm nhiều sự lựa chọn thì ông Chu Văn Bách cho rằng: Đây là đơn vị duy nhất đáp ứng được các yêu cầu đề ra, đặc biệt là tiêu chí về giá.

“Các đơn vị khác họ toàn đưa ra mức giá rất cao. Có đơn vị này đưa ra mức giá 100 nghìn đồng/1kg giống. Đây là mức giá rẻ nhất trong số các đơn vị chào hàng”, ông Bách thông tin.

Lấy tiêu chí trâu để cấp bò?

Công văn do Phòng NN&PTNT huyện Điện Biên ban hành.

Rà tìm bộ “hồ sơ năng lực” của Công ty Đại Thành mà Phòng NN&PTNT huyện Điện Biên cung cấp, thật lạ khi trong bộ hồ sơ trên không có bất kỳ một thông tin nào liên quan đến tiêu chuẩn chất lượng đối với giống bò cái sinh sản.

Chiều 4/1, trong buổi làm việc với ông Bùi Hải Bình, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên (ông Chu Văn Bách cùng làm việc), ban đầu ông Bách cho rằng: “Có thể là có, nhưng anh em chưa tìm thấy”.

Sau đó, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Điện Biên Chu Văn Bách lý giải: Thời điểm ban hành Công văn 567 là lúc các xã chưa lựa chọn được hình thức đầu tư, chưa biết chọn con gì để triển khai. Vì vậy, Phòng NN&PTNT huyện Điện Biên chỉ giới thiệu chung chung về “cơ sở sản xuất, kinh doanh có năng lực cung ứng giống gia súc”.

Ở buổi làm việc này, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên cũng khẳng định: Để xác định năng lực của Công ty Đại Thành thì UBND huyện Điện Biên và cơ quan chuyên môn đã làm việc rất kỹ.

Tuy nhiên, dù huyện Điện Biên có làm việc kỹ đến đâu thì thực tế vẫn phủ nhận qua những gì thể hiện trên giấy tờ. Bởi, trong “hồ sơ năng lực” của Công ty Đại Thành thể hiện đơn vị này có trang trại chăn nuôi tại địa chỉ: Xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.

Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi số 23/005/2023/ĐKCN do bà Phạm Thị Hoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai) cấp ngày 26/7/2023 thể hiện điều này. Theo Giấy chứng nhận trên, trang trại chăn nuôi của Công ty Đại Thành có 300 con gia súc, gồm: Trâu, bò, ngựa, dê, lợn.

Thế nhưng, khi Báo GD&TĐ liên hệ với chính quyền xã Gia Phú thì được biết trên địa bàn xã không tồn tại trang trại chăn nuôi này.

Trước đó, ngày 2/1, làm việc với ông Quàng Văn Tiến - Chủ tịch UBND xã Mường Pồn, ông Tiến cho biết Công ty Đại Thành là đơn vị cung ứng giống bò cho dự án trên địa bàn xã.

Để rộng đường dư luận, Báo GD&TĐ đã đề nghị cung cấp quyết định đầu tư, hợp đồng mua bán bò giống, chứng từ chứng minh nguồn gốc con giống và hồ sơ năng lực của nhà cung ứng.

Lúc này, Chủ tịch UBND xã Mường Pồn chỉ cung cấp 1 bộ hồ sơ năng lực, nhưng là của Công ty TNHH Một thành viên đầu tư xây dựng Trang Anh (địa chỉ tại đường Hồ Tùng Mậu, tổ 16, phường Lào Cai, TP Lào Cai, Lào Cai) và một báo cáo kết quả quan trắc môi trường của Công ty Cổ phần giống bò thịt, sữa Yên Phú (xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan, Ninh Bình) chứ không phải là của Công ty Đại Thành.

Trong buổi làm việc, ông Tiến cho biết, cán bộ trông giữ hồ sơ đi vắng nên sẽ cung cấp vào ngày hôm sau. Liên tiếp những ngày sau đó, Báo GD&TĐ có liên hệ với Chủ tịch UBND xã Mường Pồn để đề nghị cung cấp những tài liệu có liên quan thì được trả lời rằng: Phải được sự nhất trí của huyện mới có thể cung cấp. Cuối cùng, Chủ tịch UBND xã Mường Pồn chốt lại: “Huyện không cho cung cấp hồ sơ”.

Ngày 10/1, trong buổi họp báo cung cấp thông tin về quá trình thực hiện các dự án hỗ trợ bò sinh sản năm 2023 do UBND huyện Điện Biên tổ chức, ông Bùi Hải Bình - Chủ tịch UBND huyện Điện Biên thêm một lần khẳng định công văn giới thiệu Công ty Đại Thành với các xã là bình thường vì dự án này không phải đấu thầu. UBND huyện cương quyết sẽ trả bò và thu hồi tiền về ngân sách nếu hồ sơ năng lực của nhà cung ứng và con giống không đảm bảo.

Ngọc Diệp

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhap-nhem-trong-cap-bo-du-an-giam-ngheo-van-ban-la-cua-co-quan-quan-ly-post668297.html