Nhập nhằng hoa quả 'sạch'

Vài năm trở lại đây, hoa quả nhập khẩu, hoa quả sạch (được trồng theo tiêu chuẩn VietGap) trở nên phổ biến khi càng ngày càng có nhiều người lựa chọn để đảm bảo sức khỏe cho gia đình, người thân dù giá khá cao và thường được bán trong siêu thị, các cửa hàng nhập khẩu.

Thế nhưng giờ đây hoa quả nhập khẩu được bày bán khắp nơi với giá rẻ bất ngờ, khiến người tiêu dùng không khỏi nghi ngại về nguồn gốc, xuất xứ…

Tem mác lẫn lộn

Vốn hay quen dùng hoa quả nhập ngoại, chị Nguyễn Thị Nguyệt (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, chị hay đi mua hoa quả nhập khẩu, hoặc hoa quả sạch để làm quà biếu hoặc để gia đình sử dụng. Ban đầu chị hay mua ở siêu thị hay các cửa hàng nhập khẩu lớn nhưng giá tương đối cao. Về sau chị hay ra chợ gần nhà mua vì thấy giá cả rẻ hơn, cũng dán tem nhãn đàng hoàng. Nghĩ rằng nhiều người mua nên chị cũng tin tưởng và mua hàng thường xuyên.

Cục Quản lý Thị trường tỉnh Thái Nguyên bắt giữ và tiêu hủy số lượng lớn quả lê nhập lậu.

“Thế nhưng nhiều khi đi qua các hàng hoa quả ngoài chợ, tôi vẫn thấy táo, hay dưa lưới dù dán tem hoa quả nhập khẩu vẫn được đặt trong các thùng ghi chữ Trung Quốc. Thắc mắc với một người bán hàng tôi hay mua quen thì người này cho biết, phần lớn hoa quả đều nhập từ Trung Quốc nhưng vì tâm lý sính ngoại sợ hàng Tàu của khách hàng nên người bán hay đóng gói hay dán nhãn hàng nhập khẩu Mỹ, Úc, Canada, Hàn… để đánh lừa người tiêu dùng, chứ nếu để nguyên là hàng Trung Quốc thì chỉ có ế…”, chị Nguyệt cho hay.

Không chỉ có chị Nguyệt, phần lớn người tiêu dùng khi lựa chọn mua hoa quả nhập khẩu cũng đặt niềm tin vào tem mác xuất xứ trên chủng loại trái cây. Lợi dụng điều này, một số đơn vị kinh doanh đã dán mác giả để lừa dối khách hàng.

Trên địa bàn thành phố Hà Nội, có rất nhiều điểm bán hoa quả, không chỉ chợ mà còn trên các vỉa hè dọc theo nhiều con phố cũng bán đầy hoa quả với đủ loại màu sắc rất bắt mắt. Tuy nhiên, tại điểm bán hàng trong chợ thường có thùng xốp đựng hoa quả, bên ngoài in chữ Trung Quốc và hình ảnh các loại hoa quả nhưng người bán vẫn giới thiệu là hoa quả của Việt Nam, hoặc hoa quả nhập khẩu.

Tại chợ Văn Quán, khi phóng viên hỏi mua na Thái loại to thì một chủ cửa hàng niềm nở giới thiệu: “Na siêu ngọt, siêu ngon, làm quà hay thắp hương rất đẹp, chị bán rẻ 120 nghìn/1kg. Loại này mà em vào siêu thị, hay cửa hàng họ bán vài trăm nghìn 1 kg là bình thường”.

Còn tại chợ Hà Đông, có cửa hàng bày bán nhiều loại dưa xanh, ruột vàng có dán tem chữ Hàn Quốc. Khi phóng viên hỏi mua số lượng lớn để làm quà thì người này cho biết nếu mua 1 thùng 4 quả thì là 450 nghìn đồng 1 thùng, rẻ hơn mua lẻ là 150 nghìn đồng 1 quả. Nếu cần số lượng lớn sẽ sẵn sàng cung cấp. Thế nhưng theo quan sát của phóng viên, các quả dưa được gắn mác Hàn Quốc rất đẹp lại được đặt trong các hộp có chữ Trung Quốc. Thắc mắc hỏi người bán thì người này cho biết, đó là giống dưa Hàn Quốc trồng tại Trung Quốc và được nhập khẩu trực tiếp về Việt Nam và không quên cam kết chất lượng siêu ngon, siêu ngọt mà nếu dưa nhập từ Hàn Quốc về cũng không ngon bằng.

Dọc nhiều con phố, các xe hàng rong cũng bày bán la liệt các loại hoa quả nhập khẩu, hoa quả được gắn nhãn hoa quả sạch theo tiêu chuẩn Vietgap, được trồng tại các nông trại lớn ở Việt Nam nhưng giá rẻ giật mình. Thậm chí còn cả những loại hoa quả được chủ hàng khẳng định là nhập từ Thái Lan, Campuchia… Một chủ xe dọc đường khu Trung Văn (Nam Từ Liêm) quảng cáo dưa hấu sạch, siêu ngọt, giá siêu rẻ 10 nghìn đồng/1kg nhưng được trồng đúng theo tiêu chuẩn Vietgap. Người này cho biết vì hàng lỡ không xuất được sang Trung Quốc nên đành bày bán tại vỉa hè để bù chi phí vận chuyển từ miền Nam ra.

Hoa quả gắn mác nhập khẩu, hoa quả sạch vẫn tràn ngập các chợ.

Tương tự dưa vàng cũng được bán ra siêu rẻ chỉ 15 nghìn đồng/1kg nhưng lại được các chủ xe khẳng định là hàng nông trại siêu sạch.

Không chỉ nhộn nhịp tại các chuỗi cửa hàng trên phố, trên các trang mạng xã hội hay những trang mua sắm trực tuyến, diễn đàn online, xuất hiện rất nhiều địa chỉ rao trái cây nhập khẩu như: Hoa quả sạch nhập khẩu; hoa quả xách tay; hoa quả đặc sản các nước, hoa quả theo tiêu chuẩn Vietgap… với mức giá rẻ giật mình, khiến không ít người tiêu dùng cảm thấy hoài nghi, bất an.

Trong vai khách hàng mua buôn để mở cửa hàng, phóng viên vào một hội nhóm có hơn 30.000 thành viên để tìm nguồn hàng. Quả thật các loại hoa quả nhập khẩu được rao bán rất rẻ. Thậm chí, tại hội nhóm này, rất nhiều người đang có ý định mở cửa hàng kinh doanh hoa quả nhập khẩu tại Hà Nội cũng đăng bài ẩn danh, tìm kiếm nguồn hàng giá rẻ dù không rõ nguồn gốc, chất lượng.

Như nho xanh không hạt chỉ hơn 100 nghìn 1kg, quýt thơm 130 nghìn 1 thùng 6,5kg, táo hơn 100 nghìn 1 thùng 9kg, lê nâu Hàn Quốc được rao bán với giá siêu rẻ hơn 200 nghìn đồng 15kg… Cùng là táo nhưng có rất nhiều loại được dán tên gọi khá lạ và gắn mác từ Mỹ, Úc, Nam Phi…

Chery vốn là lại quả có giá khá đắt, khi nhập khẩu vào Việt Nam có nơi rao bán 700-800 nghìn đồng/1kg, thậm chí là vài triệu, thế nhưng trên chợ mạng và các hội nhóm, chery chỉ được bán với giá chưa đến 200 nghìn/1kg.

Hầu hết các loại hoa quả giá rẻ này đều được khẳng định là hàng nhập khẩu một trăm phần trăm. Tuy nhiên trên thực tế việc tìm mua các loại tem dán cho trái cây khá dễ dàng với giá chưa đến 100 đồng/1 tem. Thậm chí, nhiều cửa hàng in ấn còn quảng cáo trên mạng xã hội những loại tem dán nhãn hoa quả chất lượng, sắc nét, càng in số lượng lớn giá lại càng rẻ.

Người tiêu dùng phải là nhà thông thái

Có thể thấy hoa quả gắn nhãn mác giả nhập ngoại, hay hoa quả sạch theo tiêu chuẩn Vietgap đang được rao bán tràn lan từ cửa hàng ra đến chợ và cả các xe hàng rong. Điều này khiến khách hàng khó có thể trở thành người tiêu dùng thông thái vì việc phân biệt thật giả rất khó, khi trên các loại quả đều được gắn tem rất uy tín.

Dưa hấu bán dọc phố luôn được chủ hàng khẳng định là hàng sạch.

Chẳng hạn như với sản phẩm lê Hàn Quốc, một trong những loại hoa quả nhập khẩu rất được người dân Việt Nam ưa chuộng, và vì thế thường bị trà trộn bởi lê Trung Quốc. Những loại lê này được gắn tem mác có chữ tiếng Hàn, khiến người dân dễ dàng tin tưởng mà không cần kiểm chứng.

Mới đây Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên vừa kịp thời ngăn chặn phương tiện vận chuyển hơn 1 tấn hoa quả nhập lậu. Số hoa quả nhập lậu được vận chuyển trên xe ôtô mang BKS 20C-187.xx do ông H.S.B là lái xe kiêm chủ hàng.

Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện trên thùng xe có 105 thùng lê tươi loại 10kg/thùng có nhãn hàng hóa bằng tiếng nước ngoài không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, trên nhãn hàng hóa có dòng chữ thể hiện số lê này có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc.

Làm việc với Đoàn kiểm tra, ông H.S.B không xuất trình được bất kỳ hóa đơn chứng từ gì liên quan chứng minh nguồn gốc hợp pháp của toàn bộ số hàng hóa trên.

Đoàn kiểm tra đã trình cấp có thẩm quyền ban hành Quyết định xử phạt đối với ông H.S.B với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu và buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm trên theo đúng quy định pháp luật.

Còn nhớ năm 2023, hành vi gian dối về nguồn gốc xuất xứ lê Hàn Quốc của các cửa hàng bán trái cây nhập khẩu liên tục bị lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) thành phố Hà Nội làm rõ khi tiến hành kiểm tra. Cụ thể, tại địa điểm kinh doanh 97 Trần Duy Hưng thuộc Công ty TNHH Thương mại và Xuất nhập khẩu Kenlyver, địa chỉ phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, rất nhiều các loại lê được trưng bày để bán trong các tủ bảo quản hàng hóa.

Giới thiệu với khách hàng, nhân viên tại đây cho biết, đối với mặt hàng lê, tại cửa hàng 97 Trần Duy Hưng có 2 loại chính là “lê sữa” và “lê nâu” đều có xuất xứ chính hãng từ Hàn Quốc. Tùy từng sản phẩm, mỗi loại có mức giá khác nhau, trung bình từ 169.000 đồng/ kg - 250.000 đồng/kg. Đại diện cơ sở cũng không quên “cam đoan” với khách hàng về nguồn gốc xuất xứ chính hãng của sản phẩm này.

Tuy nhiên, khi Đội QLTT số 13, Cục QLTT thành phố Hà Nội có mặt kiểm tra, đại diện cơ sở kinh doanh từ chối trả lời các câu hỏi của lực lượng chức năng, bởi lý do “chỉ trông hộ cửa hàng”. Khi các chứng cứ được lực lượng QLTT thành phố Hà Nội đưa ra khá thuyết phục bởi vỏ ngoài hộp của những quả lê được giới thiệu là “xuất xứ Hàn Quốc” kia lại mang dòng chữ “Made in China”, nhân viên ở đây mới thừa nhận “cái này là lê tàu” và các sản phẩm đăng bán tại cửa hàng là “bị vào nhầm mã” chứ không phải là lê Hàn Quốc như trong các bill đã xuất.

Theo quy định, trái cây nhập khẩu phải có thông tin về xuất xứ, giấy chứng nhận kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, hóa đơn, chứng từ mua, bán trái cây để phục vụ việc truy xuất nguồn gốc. Thế nhưng hiện nay tình trạng hoa quả không bảo đảm chất lượng, giả mạo xuất xứ vẫn tràn lan trên thị trường bởi người bán hiểu rõ tâm lý người mua. Hơn thế vì lợi nhuận thu được từ “mác” hàng nhập khẩu quá lớn và dễ tiêu thụ nên nhiều cơ sở bán hàng đã sử dụng chiêu trò ngụy trang tem mác, mặc dù biết là sản phẩm không rõ nguồn gốc, hoặc không bảo đảm chất lượng, nhưng vì chạy theo lợi nhuận cho nên cố tình bán các sản phẩm này cho người dân.

Theo Tổng cục Quản lý thị trường, tình trạng giả nhãn hiệu, nhái thương hiệu hoặc mượn chi tiết hình ảnh của các thương nổi tiếng đã được bảo hộ là những vi phạm phổ biến nhất hiện nay đối với các hàng hóa đang lưu thông tại thị trường Việt Nam. Đáng chú ý, là tình trạng giả mạo xuất xứ trên các sản phẩm hoa quả nhập ngoại như lê, táo… đang rất phổ biến.

Để lành mạnh hóa thị trường hoa quả, bảo đảm an toàn sức khỏe người tiêu dùng, cùng với việc tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2025”, các ngành chức năng cũng cần tăng cường các biện pháp trong việc kiểm soát chặt chẽ mặt hàng hoa quả nhập khẩu; có hình thức xử phạt đủ sức răn đe đối với các trường hợp thay đổi nhãn mác, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Người tiêu dùng cũng nên trang bị những nhận biết đầy đủ về tem mác với hàng hóa nhập khẩu, lựa chọn các cửa hàng uy tín để tránh mua phải hàng hóa không rõ xuất xứ, nguồn gốc, bảo đảm chất lượng, bảo vệ sức khỏe của chính mình và cả cộng đồng.

Mai Ngọc

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/nhap-nhang-hoa-qua-sach-i727811/