Nhanh chóng tái đàn an toàn, bình ổn giá lợn

Ngày 30-3, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong cả nước đã cam kết điều chỉnh giá lợn hơi xuống dưới 70 nghìn đồng/kg bắt đầu từ 1-4 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Động thái này góp phần bình ổn thị trường trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, giảm tác động đến chỉ số giá tiêu dùng của cả nước.

Ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giảm giá lợn hơi, ngày 30-3, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản triển khai một số giải pháp tiếp tục thúc đẩy chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh, đến tháng 3, số lượng đàn gia súc, gia cầm đều tăng chậm so với kế hoạch, từ 91 - 94% kế hoạch. Cụ thể đàn trâu trên 96 nghìn con, đạt 94% kế hoạch; đàn bò gần 36 nghìn con, đạt 91% kế hoạch; đàn lợn trên 546 nghìn con, đạt 93% kế hoạch; đàn gia cầm trên 6 triệu con, đạt 91% kế hoạch. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại tăng hơn so với cùng kỳ năm 2019, xấp xỉ 5%. Giá các sản phẩm chăn nuôi đều đang ở mức khá cao, đây cũng là điều kiện để người chăn nuôi đầu tư phát triển. Tuy nhiên, hiện nay ngành nông nghiệp nói chung và lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh nói riêng phải đối mặt với tác động tiêu cực của dịch bệnh, biến đổi khí hậu như dông, lốc, mưa đá… gây ra. Đặc biệt, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, việc lưu thông, giao thương hàng hóa cũng có phần hạn chế, nên đã ít nhiều ảnh hưởng đến việc điều tiết sản phẩm chăn nuôi từ các vùng miền với nhau.

Cơ sở chăn nuôi của anh Nguyễn Văn Giang, thôn Yên Quang, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa)tái đàn lợn theo hướng an toàn sinh học.

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp về lĩnh vực chăn nuôi; phát triển chăn nuôi theo định hướng thị trường, tập trung, an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, nâng cao hiệu quả, ổn định, bền vững, gia tăng giá trị, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch, đủ nguồn cung thực phẩm trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, giải pháp của ngành là hướng dẫn người dân các biện pháp tái đàn đảm bảo an toàn sinh học, đồng thời mở rộng chăn nuôi sang các loài khác như đại gia súc, gia cầm, thủy sản để bù đắp sản lượng thịt lợn thiếu hụt. Trước mắt, để góp phần bình ổn giá thịt lợn, theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, việc tăng khối lượng lợn xuất chuồng là giải pháp tăng sản lượng nhanh nhất, thay vì xuất bán khi lợn đạt trọng lượng trên 80 kg, có thể tăng lên 100 - 120 kg/con.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 1 số doanh nghiệp lớn tham gia vào chăn nuôi lợn, như doanh nghiệp DABACO, MAVIN... Các doanh nghiệp này, cùng với hơn 50 trang trại chăn nuôi lợn lớn không chịu tác động nhiều của dịch tả lợn châu Phi đã tiếp tục duy trì và mở rộng quy mô chăn nuôi. Đến thời điểm này, toàn tỉnh hiện còn hơn 546 nghìn con lợn. Hầu hết việc tái đàn được thực hiện theo hướng an toàn sinh học và chỉ được khuyến khích tại các cơ sở chăn nuôi đảm bảo được các điều kiện an toàn dịch bệnh, sử dụng con giống có nguồn gốc rõ ràng, chủ động ưu tiên sản xuất giống tại chỗ và hạn chế tối đa việc chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún.

Tại Sơn Dương, hiện có khoảng 30 trang trại chăn nuôi lớn đang hoạt động. Tổng đàn lợn trên địa bàn huyện sau dịch tả lợn châu Phi còn trên 163 nghìn con. Theo ông Phạm Hữu Tân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, các cơ sở chăn nuôi lợn trên địa bàn đều cơ bản áp dụng chăn nuôi theo chuỗi khép kín, đặc biệt nhiều cơ sở ứng dụng công nghệ tiên tiến, đồng bộ trong chăn nuôi, giảm thiểu tối đa tác động từ bên ngoài vào quá trình sản xuất.

Trang trại chăn nuôi của ông Trần Mạnh Quỳnh, xã Sơn Nam (Sơn Dương) hiện chủ động nguồn con giống nhờ duy trì 1.300 con nái. Nguồn con giống này được cơ sở giữ lại một phần cho gia đình, còn lại điều tiết cho các trang trại của Công ty MAVIN trong khu vực.

Cùng với việc khuyến khích tái đàn theo hình thức chăn nuôi an toàn sinh học, ngành nông nghiệp đang tiếp tục đẩy mạnh sản xuất sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm là đặc sản của địa phương gắn với chỉ dẫn địa lý; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm chăn nuôi là thế mạnh của địa phương. Việc chăn nuôi theo chuỗi liên kết, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích, các chợ... để thúc đẩy tiêu thụ trong nước; đa dạng hóa các hình thức bán hàng, như phát triển kênh bán hàng online, bán hàng qua mạng, tăng cường mua sắm trực tuyến và giảm các hoạt động mua sắm bên ngoài cũng được ngành khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện. Đồng thời, nâng cao năng lực chế biến sản phẩm chăn nuôi, bảo quản, đóng gói, bao bì, nhãn mác để nâng cao giá trị sản phẩm...

Bài, ảnh: Trần Liên

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/nhanh-chong-tai-dan-an-toan-binh-on-gia-lon-130602.html