Nhanh chóng di dời các cơ sở chăn nuôi không phù hợp

Theo Quyết định số 296/QĐ-UBND của UBND tỉnh, toàn tỉnh có 3.006 cơ sở chăn nuôi phải di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi. Lộ trình các cơ sở chăn nuôi trong danh sách trên phải thực hiện là trước ngày 1-1-2025.

Trang trại nuôi gà của ông Lê Văn Quyết, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (H.Long Thành). Ảnh: B.NGUYÊN

Đồng Nai ban hành quyết định trên nhằm đảm bảo chăn nuôi đúng quy hoạch và bảo vệ môi trường.

Di dời khỏi vùng không được phép chăn nuôi

Theo Nghị quyết 03/2021/NQ-HĐND ban hành vào ngày 30-7-2021 về quy định khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh gồm: Khu vực nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư. Cụ thể, toàn bộ các phường, xã thuộc TP.Biên Hòa; các phường thuộc TP.Long Khánh (trừ P.Bàu Sen, P.Xuân Lập, P.Suối Tre, P.Xuân Tân, P.Bảo Vinh); các thị trấn thuộc các huyện (trừ KP.4, 6, 7 của TT.Vĩnh An, H.Vĩnh Cửu); các khu dân cư hiện hữu, khu dân cư theo quy hoạch, khu vực phát triển đô thị đã được xác định, định hướng trong các hồ sơ quy hoạch được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với các tổ chức, cá nhân có cơ sở chăn nuôi (trừ cơ sở nuôi chim yến) xây dựng và hoạt động trước ngày nghị quyết này có hiệu lực thi hành, nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi thì phải ngừng hoạt động chăn nuôi hoặc di dời đến địa điểm phù hợp trước ngày 1-1-2025. Các cơ sở không ngừng hoạt động chăn nuôi hoặc không di dời sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

Quyết định trên cũng ban hành chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi gồm: hỗ trợ chi phí di dời cơ sở chăn nuôi; hỗ trợ lãi suất vay đầu tư đối với dự án chăn nuôi mới. Cụ thể, đối với chăn nuôi nông hộ và trang trại quy mô nhỏ được hỗ trợ chi phí di dời cơ sở chăn nuôi 4 triệu đồng/cơ sở. Đối với trang trại quy mô vừa và trang trại quy mô lớn được hỗ trợ chi phí di dời 6 triệu đồng/cơ sở. Về vay đầu tư đối với dự án chăn nuôi mới sẽ hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay theo hợp đồng vay vốn trong 2 năm đầu, 50% lãi suất vốn vay trong năm thứ 3. Mức hỗ trợ lãi suất trong 3 năm không quá 300 triệu đồng đối với trang trại quy mô lớn, 150 triệu đồng đối với trang trại quy mô vừa, 60 triệu đồng đối với trang trại quy mô nhỏ. Mức lãi suất được hỗ trợ theo hợp đồng tín dụng nhưng tối đa không vượt quá lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại từng thời kỳ. Thời gian hỗ trợ lãi suất tính từ ngày bắt đầu giải ngân theo hợp đồng tín dụng với ngân hàng.

Người chăn nuôi lo lắng

Hiện tình hình chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao, đầu ra gặp khó khăn khiến suốt thời gian dài, sản phẩm chăn nuôi bán ra dưới giá thành sản xuất. Việc hàng ngàn cơ sở chăn nuôi sẽ phải di dời khỏi khu vực không được phép chăn nuôi khiến người chăn nuôi càng thêm lo lắng và mong được hỗ trợ kịp thời.

Trại heo ở xã Gia Kiệm (H.Thống Nhất) nằm trong danh sách di dời

Ông Lê Văn Quyết, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (H.Long Thành) có trang trang trại thuộc diện phải di dời theo quyết định của UBND tỉnh kiến nghị: “Tỉnh nên tổ chức rà soát thật kỹ, những trường hợp chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường thì buộc phải ngưng hoặc di dời, điều đó hoàn toàn phù hợp vì chúng ta không thể đánh đổi môi trường để lấy kinh tế. Trường hợp có thể khắc phục được nên cho giãn lộ trình thực hiện”.

Theo ông Quyết, trong thời gian gần 2 năm, toàn tỉnh buộc di dời và ngưng hoạt động hơn 3 ngàn cơ sở chăn nuôi sẽ dẫn đến hệ lụy là người chăn nuôi không xoay xở kịp để chuyển đổi nghề nghiệp. Đồng thời, việc di dời gấp sẽ dẫn đến đứt gãy chuỗi sản xuất do việc đầu tư tại nơi mới sẽ mất nhiều thời gian. Nhân dịp này, tất cả các hộ nông dân nhỏ lẻ nên hợp tác, liên kết lại để mở rộng quy mô chăn nuôi, đưa khoa học công nghệ vào để tăng năng suất, giảm giá thành, tăng lợi thế cạnh tranh.

Cùng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Trí Công chia sẻ, các cơ sở chăn nuôi đều sẵn sàng thực hiện chủ trương của tỉnh nhưng Hiệp hội mong tỉnh xây dựng lộ trình phù hợp hơn. Ở đây, những trang trại nằm trong khu dân cư ngưng chăn nuôi là đúng, vì ảnh hưởng đến môi trường. Những cơ sở nằm ngoài khu dân cư, khắc phục được vấn đề ô nhiễm môi trường thì có thể xem xét gia hạn thêm thời gian. Ngoài ra, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phù hợp, kịp thời cũng rất quan trọng.

Ở góc độ địa phương, Trưởng phòng NN-PTNT H.Thống Nhất Ngô Thanh Tùng cho biết, H.Thống Nhất có khoảng 10% trên tổng số cơ sở chăn nuôi phải di dời hoặc ngưng hoạt động. Thời gian qua, chăn nuôi gặp nhiều khó khăn nên một số cơ sở chăn nuôi, nhất là những cơ sở nằm trong khu dân cư đông đúc đã ngừng hoạt động. Huyện đã nhận được quyết định di dời và ngưng chăn nuôi của tỉnh. Huyện đang rà soát lại để triển khai và sẽ tập trung cả hệ thống chính trị vào cuộc vận động để các cơ sở chăn nuôi chấp hành theo quyết định của tỉnh.

Bình Nguyên

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT:

Cần làm theo Luật Chăn nuôi

Việc di dời hoặc tạm ngưng hoạt động của hơn 3 ngàn cơ sở chăn nuôi của Đồng Nai cần được xem xét cụ thể hơn về nhiều mặt như: đất đai, tiến độ di dời…, vì việc di dời và ngưng hoạt động của hơn 3 ngàn cơ sở chăn nuôi một lúc là không hề đơn giản. Tất cả cần phải được làm theo Luật Chăn nuôi và sắp tới sẽ có nghị định hướng dẫn.

Ngoài ra, trong tình hình ngành chăn nuôi gặp khó khăn như hiện nay, để nâng cao năng lực cạnh tranh, người chăn nuôi phải liên kết, đầu tư sản xuất cho khâu giống; phương thức chăn nuôi cũng phải thay đổi, tiếp cận công nghệ mới khép kín, tự động hóa; xử lý được vấn đề môi trường... Ngành chăn nuôi cũng phải quan tâm đầu tư sơ chế, chế biến, đa dạng hóa sản phẩm gắn với chuỗi phân phối để đáp ứng tốt nhu cầu thị trường.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai:

Có lộ trình để không ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng

Với tình hình sản xuất thua lỗ như hiện nay, tổng đàn chăn nuôi sẽ giảm và ảnh hưởng nguồn cung sản phẩm chăn nuôi trong thời gian tới. Nhiều thành viên trong Hiệp hội Chăn nuôi đang tìm cách giảm đàn; đa số các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hiện không còn đủ sức tham gia chăn nuôi và phải tìm công việc khác để sinh sống.

Với quyết định của tỉnh về việc di dời và ngưng hơn 3 ngàn cơ sở chăn nuôi từ quy mô nhỏ đến trung bình, lớn là vấn đề vô cùng khó khăn, vì ảnh hưởng đến nguồn vốn của người chăn nuôi khi phải xây dựng mới chuồng trại, con giống… Giai đoạn rất khó khăn hiện nay, họ sẽ không dám tái đầu tư sau khi buộc phải di dời. Việc di dời số lượng lớn các cơ sở chăn nuôi trong thời gian ngắn có thể dẫn đến nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng thực phẩm.

Lê Quyên (ghi)

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/tieu-diem/202303/nhanh-chong-di-doi-cac-co-so-chan-nuoi-khong-phu-hop-3161756/