Nhân viên ngân hàng cũng cần 'giữ' mình

Cuối tháng 3 vừa qua, Công an tỉnh Quảng Trị đã có lệnh khởi tố, bắt tạm giam bà Hồ Thị Hương Loan, nguyên Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Agribank tại Quảng Trị vì hành vi 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản'. Đây không phải là lần đầu tiên một cán bộ ngân hàng bị bắt vì hành vi lừa đảo, nên câu chuyện 'giữ' mình của nhân viên ngân hàng càng cần được báo động.

Ai cũng biết, để trở thành nhân viên ngân hàng là cả một quá trình phấn đấu, nỗ lực. Ngoài việc phải được đào tạo sâu về chuyên môn, nghiệp vụ thì những người này còn phải trải qua những cuộc sát hạch “khắc nghiệt” mới có được một tấm “vé” trở thành nhân viên ngân hàng. Bà Loan cũng đã phải trải qua hành trình đó. Thậm chí con đường người này đi còn vất vả và nỗ lực hơn người khác bội lần khi phấn đấu trong nhiều năm để được bổ nhiệm làm phó phòng giao dịch một chi nhánh của ngân hàng lớn như Agribank Quảng Trị.

Không ai có thể ngờ, một người trải qua hành trình khó khăn như thế và đã có được vị trí vững chắc như thế lại trở thành đối tượng bị khởi tố vì tội lừa đảo. Điều này cho thấy cạm bẫy luôn chực chờ bất cứ ai. Với ngành ngân hàng như bà Loan thì cạm bẫy ở đây chính là những cám dỗ từ tiền bạc.

Theo hồ sơ ban đầu của cơ quan công an, từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, Công an tỉnh Quảng Trị tiếp nhận nhiều đơn tố giác của người dân tại thị xã Quảng Trị, huyện Triệu Phong và TP. Đông Hà về việc bị bà Loan lừa đảo. Trong đơn tố cáo, nhiều người cho biết bà Loan đã vay mượn tiền của những người này với lý do đáo hạn ngân hàng. Tuy nhiên, sau đó bà Loan chiếm đoạt luôn số tiền này rồi mất liên lạc.

Cơ quan điều tra đã vào cuộc và xác định bà Loan có nhiều khoản nợ từ trước năm 2022. Sau đó, bà đưa ra thông tin cần tiền làm đáo hạn ngân hàng cho các khách hàng của mình. Nhiều người cho bà Loan vay tiền, nhưng bà Loan dùng tiền này để trả các khoản nợ cũ. Cho đến khi hết khả năng trả nợ thì người này đến cơ quan công an đầu thú.

Theo thông tin ban đầu, số tiền bà Loan vay mượn rồi chiếm đoạt của nhiều người lên đến hàng chục tỉ đồng. Qua những dữ liệu trên, có thể thấy con đường phạm tội của bà Loan bắt đầu từ việc đánh mất giá trị bản thân. Vị trí phó phòng giao dịch của một ngân hàng lớn có thể đem đến nhiều giá trị cho bà Loan, nhưng người này vẫn chọn việc vay mượn bên ngoài thêm một số tiền lớn phục vụ mục đích cá nhân. Khi không thể trả, bà “trôi” tiếp thêm một đoạn rất xa là lừa chính khách hàng của mình bằng “chiêu” mượn tiền đáo hạn để có tiền trả nợ trước đó.

Môi trường công việc tiếp xúc với rất nhiều tiền hằng ngày có thể khiến cán bộ ngân hàng dễ đánh mất giá trị bản thân. Đó có thể là lý do khiến nhiều cán bộ ngân hàng sa ngã trong thời gian gần đây. Đành rằng những người cho mượn tiền đáo hạn cũng cho mượn bằng lợi ích, thậm chí là để nhận lại mức lãi suất rất cao, nhưng rõ ràng để đạt được mục đích, họ phải có sự tiếp tay của cán bộ ngân hàng mới thực hiện được các giao dịch đó.

Câu chuyện cán bộ ngân hàng bỗng trở thành đối tượng bị khởi tố vì có hành vi lừa đảo liên tục xảy ra trong những năm gần đây. Công an các tỉnh từ Gia Lai, Cà Mau, Đà Nẵng, Nghệ An và nhiều tỉnh khác đã khởi tố hàng chục vụ lừa đảo với số tiền lên đến hàng trăm tỉ đồng chỉ trong vài năm qua.

Một loạt cán bộ ngân hàng đã bị bắt và nhận những mức án rất nghiêm khắc từ 10-20 năm tù. Nhưng dường như tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Nhiều cán bộ ngân hàng vẫn chưa biết sợ. Những cuộc thỏa thuận ngầm để chia lợi ích vẫn âm thầm diễn ra sau những hợp đồng vay tiền.

Ngay tại Quảng Trị, mới cuối năm 2022, một vụ việc tương tự liên quan đến một người nguyên là tổ trưởng tín dụng thuộc chi nhánh một ngân hàng lớn ở huyện Triệu Phong đã được đưa ra xét xử. Cán bộ ngân hàng này tên là Nguyễn Ngọc Hoàng (44 tuổi), trú tại Phường 5, TP. Đông Hà. Ông Hoàng được ngân hàng phân công làm cán bộ tín dụng quản lý hồ sơ vay, trực tiếp làm việc, hướng dẫn người dân làm hồ sơ vay và xử lý các trường hợp có liên quan đến khách hàng.

Quá trình công tác, Hoàng nhiều lần “đáo hạn” giúp khách hàng khi quá hạn không có tiền trả nợ gốc và lãi, cho mượn tiền trả trước, làm nhanh hồ sơ vay… nên rất được khách hàng tin tưởng. Lợi dụng điều này, sau đó Hoàng đã chiếm đoạt tài sản của 130 người dân và ngân hàng với tổng số tiền hơn 13,7 tỉ đồng.

Thực tế, nhân viên ngân hàng là một “chiếc áo” đã được in sẵn tự tín nhiệm của người dân và cả khách hàng. Tuy nhiên, nhiều cán bộ ngân hàng đã sử dụng vị trí này như một “vỏ bọc” để lợi dụng và lừa đảo ngay chính khách hàng của mình.

Những vụ lừa đảo liên tiếp mà nghi phạm là nhân viên ngân hàng thời gian qua cho thấy đang có “kẽ hở” trong công tác quản lý nhân sự của một số ngân hàng. Sự “tự do” trong những mối quan hệ với khách hàng và cả những kẽ hở trong cách vận hành của ngân hàng có thể trở thành môi trường tốt cho những vụ lừa đảo xảy ra. Nếu ngân hàng quản lý tốt các mối quan hệ của nhân viên thì khó có thể xảy ra những vụ lừa đảo với số tiền lên tới hàng chục thậm chí là hàng trăm tỉ đồng.

Khi một vụ lừa đảo xảy ra, dù cán bộ ngân hàng có bị khởi tố, bị bắt thì khách hàng vẫn là những người chịu hậu quả cuối cùng. Không ít gia đình rơi vào cảnh nợ nần, mất nhà cửa sau khi trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo do nhân viên ngân hàng thực hiện.

Đã có nhiều khuyến cáo được đưa ra với người dân khi đến giao dịch tại các ngân hàng, trong đó có cả việc chọn lựa ngân hàng có uy tín và đọc kỹ các nội dung điều khoản văn bản trước khi đặt bút ký. Tuy nhiên, những khuyến cáo nói trên sẽ không có nhiều tác dụng nếu người tham gia giao dịch không đủ tỉnh táo và nhân viên ngân hàng không thể “giữ” mình trước sự cám dỗ của đồng tiền.

Thiên Phong

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-de-binh-luan/nhan-vien-ngan-hang-cung-can-giu-minh/176072.htm