Nhân viên du lịch xoay đủ việc trong mùa dịch

Lê Khải với công việc thường ngày ở quán trà sữa, chờ ngày du lịch phục hồi. Ảnh: TRẦN QUỚI

Dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ lan rộng. Ngành Du lịch tiếp tục tê liệt. Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch gồng mình xoay vốn trả lương cầm chừng cho người lao động. Trong khi đó, một bộ phận nhân viên nhà hàng khách sạn, hướng dẫn viên du lịch mất việc hoàn toàn, phải xoay đủ việc để trang trải cuộc sống.

1.Đang mùa du lịch cao điểm trong năm, nhưng trước tình hình dịch bệnh COVID-19 hoành hành, các địa phương đều ưu tiên thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, nhiều nơi giãn cách, phong tỏa, địa phương nào tạm an toàn, trong vòng kiểm soát cũng tiết giảm các dịch vụ không thiết yếu, tập trung chống dịch. Du lịch trở nên xa xỉ, mất an toàn. Hướng dẫn viên du lịch là đối tượng lao động đầu tiên bị mất việc.

Những ngày đầu của đợt bùng phát dịch lần thứ tư này (cuối tháng 4, đầu tháng 5), hướng dẫn viên du lịch còn mệt phờ người sau đợt cao điểm của kỳ nghỉ lễ. Vì vậy, khi các hoạt động du lịch tạm dừng, ban đầu họ còn vui vẻ xem như nghỉ xả hơi. Nhưng sau một tuần, hai tuần, họ nhận ra cuộc sống sôi động, tất bật của công việc hướng dẫn du lịch đang thay đổi quá nhanh theo chiều hướng xấu đi bởi COVID-19. “Đang mùa cao điểm du lịch mà nằm nhà, không một cuộc điện thoại báo lịch tour, buồn còn hơn cả mùa du lịch “ngủ đông””, Dương Trí, một hướng dẫn viên du lịch thở dài. “Trước đó không lâu, công ty lữ hành còn động viên anh em hướng dẫn chuẩn bị sức khỏe để sẵn sàng cho mùa du lịch được kỳ vọng sẽ sôi động sau những tháng “cuồng chân” nhờ dịch tạm được kiểm soát. Ai ngờ dịch bùng phát, vừa buồn, vừa lo chuẩn bị tinh thần cho tình hình mới”, hướng dẫn viên kiêm chủ cửa hàng đặc sản Hòa Yên Thái Mỹ Vàng nói.

Năm 2020, COVID-19 bùng phát, rồi được kiểm soát, du lịch “sống lại” vài ba tháng, những người làm du lịch ước mơ được bận rộn, chạy tour mùa hè như những năm trước khi chưa xuất hiện dịch. Đến năm 2021, du lịch gần như tê liệt hoàn toàn, ngay cả trong mùa cao điểm, khiến cảm giác nhớ công việc thêm cồn cào, ước gì có được vài tháng làm việc như năm 2020 cũng là quý.

Hướng dẫn viên Thái Mỹ Vàng chăm chút sản phẩm nước mắm truyền thống Ông Vàng và cửa hàng đặc sản chờ du lịch phục hồi. Ảnh: CTV

2. Vì sức khỏe bản thân, sức khỏe cho cộng đồng, bắt buộc mọi thứ phải thay đổi để thích ứng.

Lê Khải, hướng dẫn viên du lịch được các công ty lữ hành ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội “chọn mặt gửi vàng” đi tour trong nước, nhất là tour về Phú Yên, Bình Định. Vậy nhưng cả tháng nay, chính xác là từ ngày 28/4 đến nay, mỗi sáng thức dậy, Khải không phải lo lên lịch trình trong ngày, đánh thức khách đoàn và chuẩn bị vật dụng cần thiết trước khi lên xe… Thay vào đó anh phụ vợ nấu trà sữa cho quán Hot Cream trên đường Trường Chinh (phường 7, TP Tuy Hòa). Xong việc, anh xoay ra chăm giàn hoa lan và cho con gái ăn sáng. Lúc khách cao điểm, Khải cùng một nhân viên lo việc pha chế, phục vụ. Công việc lặt vặt ở quán trà sữa trong mùa dịch cũng khiến anh bận rộn cả ngày. “Mùa này, những năm trước, một ngày ở nhà cũng không có, năm nay cả mùa ở nhà phụ quán trà sữa. Thời gian rảnh, tôi chăm lại giàn lan, đọc vài trang sách và trả lời tin nhắn của bạn bè thăm hỏi mùa dịch, động viên nhau qua ngày”, Lê Khải trải lòng.

Nhiều nhân viên nam làm trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, sau khi mất việc thì về nhà phụ ba mẹ, hoặc hùn hạp mở quán cà phê, quán nhậu vỉa hè để tự tạo việc làm trong những tháng mất việc. Hay như hướng dẫn viên Thái Mỹ Vàng, cả tháng vừa qua, anh về quê ở thôn Long Thủy, xã An Phú cùng gia đình chuyên chú việc làm nước mắm nhỉ thương hiệu Ông Vàng, chờ hết dịch thì tái khởi động hệ thống cửa hàng đặc sản Hòa Yên của mình.

Tuy nhiên, không phải ai cũng tự chủ được việc làm như Lê Khải, Mỹ Vàng... Nhiều hướng dẫn viên du lịch trong thời điểm mất việc phải chạy đôn chạy đáo để xoay xở cuộc sống. Có người làm shipper, người làm thợ sắt, chạy taxi, bán hàng online với tất cả các mặt hàng có thể… Thanh Tuấn, hướng dẫn viên nội địa, hơn một tháng nay anh chuyển tới 3 đầu việc. Ban đầu Tuấn đăng ký chạy taxi, không có xe, chạy tài theo ca, khá vất vả nhưng khách mùa COVID-19 cũng hiu hắt… Thu nhập không đủ trang trải, Tuấn chuyển sang làm cộng tác viên tư vấn du học Nhật Bản. Công việc này khá tốt, nhưng không thường xuyên. Có chút ít kinh nghiệm về thị trường thực phẩm chức năng và dược, Thanh Tuấn tìm được chân tư vấn bán hàng, trình dược. “Có công việc trong mùa dịch là mừng, nhưng tôi vẫn nhớ nghề hướng dẫn du lịch, mong một ngày hết dịch để trở về nghề chính. Nếu dịch vẫn kéo dài, chắc tôi tìm đường đi xuất khẩu lao động Nhật Bản một thời gian”, Thanh Tuấn chia sẻ.

Nhân viên nữ ngành Du lịch nói chung và hướng dẫn viên nói riêng thường chọn việc tư vấn bán hàng online. Các đặc sản của Phú Yên như: nước mắm, bánh tráng, hải sản các loại có thêm một kênh giới thiệu đến khách hàng phương xa. Chị Vy Nguyễn, Biển Việt tour, hàng ngày nhận hàng đặc sản, trái cây các loại từ Tây Nguyên về Tuy Hòa phân phối, đồng thời tư vấn bán hàng hải sản ngược lại cho khách quen ở các nơi. “Dịch kéo dài, tôi nghĩ ngồi than vãn cũng không giải quyết vấn đề, thay vào đó phải tìm việc để trang trải cuộc sống. Hơn nữa tư vấn bán hàng đặc sản cũng tốt, cũng là một sản phẩm du lịch để khách hàng nhớ đến mình, chờ khi hết dịch tiếp tục đi lại giao lưu”, chị Vy bộc bạch.

Trong tình hình hiện nay, không biết khi nào dịch COVID-19 được kiểm soát. Các doanh nghiệp du lịch, lữ hành đều điêu đứng, nhân viên phải xoay đủ việc, cả giám đốc cũng phải chạy vạy xoay xở. Mong muốn lớn nhất của anh em hướng dẫn viên du lịch nói riêng và người lao động trong ngành Du lịch nói chung là được tiêm chủng COVID-19, mong du lịch sớm phục hồi để được trở lại với nghề.

Anh Bùi Nguyễn Vy Đông, Chi hội trưởng Chi hội Hướng dẫn viên du lịch Phú Yên

TRẦN QUỚI

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/258088/nhan-vien-du-lich-xoay-du-viec-trong-mua-dich.html