Nhân sự mới có mang lại khởi sắc cho Sacombank?

Như vậy sau nhiều ngày trông đợi cuối cùng 'ghế nóng' của Sacombank đã có chủ. Người trúng cử vào vị trí này chính là ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Him Lam với tỷ lệ phiếu bầu cao nhất. Câu hỏi lớn nhất được các cổ đông đặt ra đó là nhân sự mới có mang lợi sự khởi sắc mới cho ngân hàng không, đặc biệt là câu chuyện tái cơ cấu sau khi sáp nhập Phương Nam bank.

Các cổ đông của Sacombank kỳ vọng vị Chủ tịch HĐQT mới sẽ đưa ngân hàng trở lại vị thế dẫn đầu. Ảnh: Bảo Chương

Các cổ đông của Sacombank kỳ vọng vị Chủ tịch HĐQT mới sẽ đưa ngân hàng trở lại vị thế dẫn đầu. Ảnh: Bảo Chương

Cổ đông Sacombank mong muốn gì ở tân chủ tịch?

Trên thực tế, các cổ đông vẫn có sự hoài nghi nhất định về sự xuất hiện của ông Dương Công Minh trong danh sách HĐQT nhiệm kỳ 2017 - 2021 của Sacombank.

Ông Dương Công Minh được đánh giá là người vừa có tiền thật, vừa có kinh nghiệm trong cả lĩnh vực bất động sản lẫn ngân hàng, sẽ giúp Sacombank tái cơ cấu thành công và vượt qua khó khăn. Trước khi đến với Sacombank, ông Minh là chủ tịch của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt – một ngân hàng nhỏ hơn Sacombank nhiều và do ông Minh sáng lập. Không kể người liên quan khác, riêng Him Lam sở hữu 15% LienVietPostBank.

Bên cạnh phần đông ý kiến ủng hộ ông Minh vào Sacombank vì vừa có tiền thực lại vừa có kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản sẽ giúp Sacombank xử lý nhanh số nợ xấu chủ yếu liên quan đến bất động sản, nhanh chóng đưa ngân hàng trở về quỹ đạo cũ của nó, thì cũng có những ý kiến quan ngại rằng, ông Minh vào Sacombank liệu có liên quan đến lợi ích nhóm hay không, có đủ năng lực thực sự hay không?

Một cổ đông của Sacombank cho biết, sự mong đợi nhất ở đây chính là chủ tịch mới đừng như người tiền nhiệm, ông Trầm Bê, vì lợi ích nhóm khiến Sacombank rơi vào khó khăn mà hãy vì lợi ích cộng đồng, lợi ích cổ đông để đưa Sacombank trở thành ngân hàng hàng đầu.

Còn nhớ, năm 2014, Sacombank và Phương Nam Bank rục rịch sáp nhập và hoàn tất vào năm 2015. Tại thời điểm trước khi sáp nhập, những lo lắng của cổ đông về tình hình Phương Nam đã được ông Trầm Bê trấn an rằng không có vấn đề gì phải quan ngại, vì lãnh đạo ngân hàng đã tính toán rất kỹ và điều gì có lợi cho cổ đông mới làm.

Thế nhưng sau cuộc sáp nhập, thực tế lại không toàn màu hồng như vậy. Báo cáo tài chính kiểm toán cho thấy, lợi nhuận của Sacombank năm 2015 chỉ còn chưa đầy 700 tỷ đồng và năm 2016 còn chưa nổi 100 tỷ. Lý do là bởi ngân hàng phải dành gần hết lợi nhuận làm ra để trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu mà Phương Nam mang về sau sáp nhập. Và vì những vi phạm gây ra cho ngân hàng, ông Trầm Bê và người có liên quan đã phải ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn toàn bộ cổ phần cho Ngân hàng Nhà nước. Số cổ phần của nhóm ông Trầm Bê được cho là tới 53% số vốn của Sacombank tại thời điểm năm 2016.

Theo kế hoạch đã được NHNN phê duyệt, sẽ phải mất 3-5 năm nữa, cùng với các cơ chế đặc thù mà NHNN tạo điều kiện cũng như chính sách của Chính phủ, Sacombank mới có thể xử lý xong nợ xấu và trở về thời trước khi sáp nhập. Phát biểu ngay khi trúng cử, tân Chủ tịch HĐQT Sacombank Dương Công Minh cho biết, việc tái cơ cấu Sacombank là cả một quá trình dài, nhưng ông tin tưởng sẽ tái cơ cấu thành công và kỳ vọng sẽ hoàn tất trong 5 năm, nhanh hơn thì mất khoảng 3 năm.

Nhắc lại câu chuyện sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam đã khiến cho Sacombank gặp một số vấn đề ông Minh cho rằng cái được lớn nhất là đã đưa Sacombank trở thành ngân hàng có quy mô lớn nhất trong khối cổ phần. Ông mong các cổ đông tiếp tục đồng hành và tin tưởng ngân hàng và HĐQT.

Đồng thời, ông nhấn mạnh 4 vấn đề trọng tâm mà Sacombank cần tập trung xử lý: Phải cấu trúc lại quản trị điều hành ngân hàng, sắp xếp tổ chức về công tác quản trị nhân sự điều hành; Thúc đẩy kinh doanh; Xử lý tốt nợ xấu. Nợ xấu của ngân hàng vướng ở BĐS, TSĐB để sớm hoàn thành quá trình tái cơ cấu; Quản trị tốt chi phí từ đó tăng trưởng lợi nhuận

Đi tìm lại vị thế

Những khó khăn ở Sacombank chắc chắn không tránh khỏi khi ngân hàng đang phải ôm khối nợ xấu “khủng” với tỷ lệ lên đến hơn 6,8% tổng dư nợ, bên cạnh khoản lãi dự thu đến hơn 23.000 tỷ đồng cùng hàng chục nghìn tỷ đồng nợ bán cho VAMC. Nhưng ông Minh đang có lợi thế đó là được chính sách hỗ trợ, có những cơ chế riêng về xử lý nợ và quan trọng là một nền tảng Sacombank vững chắc với hệ thống nhân sự hơn 17.000 người, mạng lưới đến nay đã phủ khắp cả nước cùng 1 ngân hàng con và các chi nhánh ở nước ngoài.

Nói về những khó khăn của Sacombank, ông Kiều Hữu Dũng - Phó Chủ tịch thường trực cho biết: Sacombank gặp rất nhiều khó khăn sau sáp nhập. Giai đoạn 2012 - 2014, lợi nhuận đều tăng trưởng. Từ năm 2015, nếu loại trừ phần trích lập từ gánh nặng Ngân hàng Phương Nam thì lợi nhuận của Sacombank vẫn ở mức cao. Đơn cử như 6 tháng đầu năm nay, nếu tách ra và không phải trích lập dự phòng thì lợi nhuận Sacombank khoảng 3.000 tỷ đồng. Chi nhánh của Sacombank đều làm ăn có lãi, có uy tín trên địa bàn.

Cũng theo ông Dũng thì quyền lợi cổ đông trong suốt nhiệm kỳ qua với con số không đến nổi quá tệ. Trước khi sáp nhập, giá cổ phiếu 18.000 - 20.000 đồng, giờ giá xuống còn 14.000 đồng thì cũng tương đương thời điểm sáp nhập.

Về kế hoạch hoạt động kinh doanh năm 2017, Sacombank đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 384.600 tỷ đồng, tăng 16% so năm 2016; Tổng nguồn vốn huy động đạt 356.100 tỷ đồng, tăng 17%. Trong đó, huy động từ TCKT&DC là 351.400 tỷ đồng, tăng 20%; Tổng dư nợ tín dụng đạt 277.000 tỷ đồng, tăng 19%. Trong đó, cho vay khách hàng đạt 235.500 tỷ đồng, tăng 18%; lợi nhuận trước thuế đạt 585 tỷ đồng.

Sacombank sẽ củng cố và kiện toàn hoạt động của ngân hàng sau sát nhập, hoàn thiện cấu trúc tổ chức và chuẩn hóa các đơn vị sát nhâp. Xây dựng chi tiết kế hoạch để triển khai thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu đã được NHNN phê duyệt. Xử lý dứt điểm các vấn đề tài chính còn tồn đọng trước đây, tái cấu trúc tài sản có và tài sản nợ để giảm dần các khoản phải thu, tăng tài sản sinh lợi thông qua việc đẩy nhanh tiến trình xử lý tài sản cấn trừ nợ, giảm dần lãi dự thu. Kiểm soát hiệu quả và ngăn chặn nợ quá hạn, quyết liệt xử lý nợ xấu và nợ cơ cấu để nhanh chóng thu hồi vốn, tăng tài sản sinh lời nhằm góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hiện đại đa năng hàng đầu trong khu vực. Trong đó, xác định tăng trưởng bền vững là định hướng chủ đạo, củng cố nhân sự, sắp xếp lại vị trí các điểm giao dịch, giải quyết các tồn động sau sát nhập và kiện toàn mô hình hoạt động.

B.Chương

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thong-tin-ktxh/nhan-su-moi-co-mang-lai-khoi-sac-cho-sacombank-681065.bld