Nhận sai để sửa sai từ những việc nhỏ

Để từng bước hình thành thói quen, văn hóa 'đã uống rượu bia thì không lái xe' cho toàn xã hội, thời gian qua lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn theo tinh thần 'không vùng cấm, không ngoại lệ' trên phạm vi toàn quốc.

Tuy nhiên, dù đã được cơ quan chức năng, các tổ chức, đoàn thể tuyên truyền sâu rộng, cùng với hình thức xử phạt nặng nhưng sau khi uống rượu bia, nhiều người vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Điều đáng nói là khi bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý, một số cán bộ không dám khai đúng công việc, đơn vị công tác hiện tại của mình mà khai làm nghề tự do.

Mới đây, thực hiện kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ, Công an TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện, lập biên bản nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trong đó có hai cán bộ làm việc tại UBND tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng.

Cả hai người này khi bị phát hiện vi phạm đều khai làm nghề tự do. Trước đó, một vị phó chủ tịch UBND xã ở Cà Mau cũng khai tương tự khi bị phát hiện vi phạm nồng độ cồn. Theo quy định, trong công tác tuần tra, kiểm soát, người vi phạm nồng độ cồn phải xuất trình giấy tờ cá nhân liên quan, đồng thời khai báo nghề nghiệp, nơi làm việc.

Trong trường hợp người vi phạm cố tình khai báo gian dối nhằm che giấu nơi làm việc thì lực lượng cảnh sát giao thông sẽ dùng các biện pháp nghiệp vụ để xác minh, xử lý và gửi thông báo về cơ quan, đơn vị nơi người đó công tác.

Sở dĩ một số cán bộ, đảng viên khi vi phạm nồng độ cồn không dám khai nơi làm việc vì biết rất rõ hành vi vi phạm này sẽ bị xử lý theo Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT đường bộ trong tình hình mới.

Theo chỉ thị này, mọi cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về giao thông phải được thông báo về cơ quan, đơn vị để xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, của từng ngành, cơ quan, đơn vị. Trong quá trình xử lý các vi phạm pháp luật về giao thông phải đảm bảo tinh thần thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng; nghiêm cấm lực lượng chức năng “xuê xoa”, bỏ qua trong xử lý vi phạm dưới mọi hình thức.

Như vậy, thông báo vi phạm nồng độ cồn sẽ là cơ sở để cơ quan, đơn vị nơi người vi phạm công tác đưa ra hình thức xử lý phù hợp. Lúc đó, ngoài quy định xử phạt của pháp luật về giao thông đường bộ, người vi phạm có thể bị xem xét kỷ luật theo Nghị định 112/2020 ngày 18/9/2020 và Nghị định 71/2023 ngày 20/9/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 112/2020 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.

Nghị định này không quy định cụ thể trường hợp cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông sẽ bị xử lý kỷ luật bằng hình thức nào, tuy nhiên, khi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ tức là đã vi phạm các quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức và những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm để xem xét hình thức xử lý phù hợp.

Ngoài việc khai không đúng công việc hiện tại của mình, một số cán bộ, đảng viên vi phạm nồng độ khi điều khiển phương tiện giao thông còn tỏ thái độ bất hợp tác với lực lượng làm nhiệm vụ. Mới đây, khi được yêu cầu dừng phương tiện để kiểm tra nồng độ cồn, nguyên giám đốc công ty thủy sản ở tỉnh Thừa Thiên Huế đã “nằm vạ” giữa đường, dùng lời lẽ thách thức lực lượng chức năng.

Các hành vi nói trên đều liên quan đến tính nêu gương và trách nhiệm của người cán bộ. Việc cố tình che giấu nơi làm việc là vì cán bộ đó không dám chịu trách nhiệm trước cơ quan, đơn vị. Không chỉ vi phạm quy định về TTATGT mà ở nhiều lĩnh vực khác, việc cán bộ, đảng viên không dám nhận lỗi khi mắc sai phạm khá nhiều, biểu hiện từ việc nhỏ đến việc lớn.

Điều này được chứng minh rõ qua các vụ đại án vừa đưa ra xét xử, một số bị cáo nguyên là cán bộ lãnh đạo của các cơ quan, đơn vị, lãnh đạo bộ, ngành trung ương cứ loanh quanh chối tội trước tòa, không dám thừa nhận trách nhiệm do mình gây ra trong khi chứng cứ đã rõ ràng.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ban hành nhiều văn bản với những quy định cụ thể, chặt chẽ về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; cấp ủy, chính quyền các địa phương cũng đã chỉ đạo quyết liệt để thực hiện vấn đề này. Vì thế, vấn đề nêu gương của cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, nhất là người đứng đầu mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, thực tế vẫn có không ít cán bộ, đảng viên, nhất là người giữ vị trí lãnh đạo cơ quan, đơn vị còn thiếu gương mẫu, khi làm sai lại đùn đẩy trách nhiệm, không dám nhận lỗi. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến nguyên tắc tự phê bình và phê bình của Đảng, bởi nguyên tắc này đòi hỏi sự cầu thị, tự giác cao, khi có khuyết điểm phải nhận khuyết điểm và phải có kế hoạch sửa chữa.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, Đảng ta, cán bộ, đảng viên của Đảng trong đấu tranh cách mạng, trong công tác hằng ngày không thể tránh khỏi “mắc khuyết điểm, bị sai lầm”. Cũng theo quan điểm của Bác, làm sai mà tự dám đứng ra nhận sai là một điều tốt. Cán bộ được coi là cái gốc của mọi công việc.

Vì vậy, việc sợ, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm của cán bộ ở những cấp độ khác nhau đều tác động tiêu cực đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và ảnh hưởng đến niềm tin của Nhân dân đối với Đảng. Việc nêu gương và dám nhận trách nhiệm phải bắt đầu bằng những việc nhỏ hằng ngày, không chỉ giới hạn trong cơ quan, đơn vị mà còn rộng ra đối với cả gia đình, xã hội.

Minh Thảo

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-de-binh-luan/nhan-sai-de-sua-sai-tu-nhung-viec-nho/183797.htm