Nhân rộng mô hình nhân giống, nuôi mực bán tự nhiên

Mô hình nhân giống và nuôi mực bán tự nhiên là mô hình nuôi biển mới, đồng thời cũng là mô hình đầu tiên của Việt Nam áp dụng công nghệ mới được nuôi tại Ninh Thuận.

Anh Nguyễn Bá Ngọc kiểm tra mực nuôi tại lồng bè ở khu vực biển xã Thanh Hải (Ninh Hải, Ninh Thuận).

Thấy được hiệu quả mang lại từ người nuôi, ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận đang khuyến khích người dân có điều kiện đầu tư, phát triển mô hình này. Đồng thời, nhân giống, tạo ra các sản phẩm chất lượng để đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng hiệu quả kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái biển.

Tại vùng biển xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải, anh Nguyễn Bá Ngọc, 34 tuổi, người sáng lập Công ty cổ phần Mực nhảy Biển Đông, đã tiên phong nghiên cứu và bước đầu thành công với mô hình thí điểm "Nhân giống và nuôi mực trong môi trường bán tự nhiên", đưa sản phẩm mực nhảy tươi sống ở biển Đông đến tận tay người tiêu dùng, mang lại nguồn lợi cho ngư dân và góp phần bảo vệ môi trường biển.

Với mô hình này, tháng 7 vừa qua anh Nguyễn Bá Ngọc là 1 trong 81 doanh nhân trẻ được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam trao danh hiệu Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc toàn quốc năm 2023.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có bốn thế hệ đều là ngư dân nên anh Nguyễn Bá Ngọc thấu hiểu những khó khăn, trăn trở của ngư dân với nghề biển. Bởi vậy, dù từng làm các nghề khác nhau, nhưng tình yêu với biển mãnh liệt đã thôi thúc anh quay trở về với nghề biển theo hướng tạo ra một lối đi riêng, mang giá trị khác biệt để phát triển kinh tế.

Anh Ngọc chia sẻ, cuối năm 2019, anh bắt đầu khởi nghiệp bằng việc thu mua sản phẩm mực sống rồi phân phối cho các nhà hàng, vựa hải sản ở các tỉnh, thành khu vực phía Nam. Để có được sản phẩm mực đang còn bơi về tới tay khách hàng ở thành phố cách biển cả trăm km thì đội ngũ kỹ thuật, nhân viên phải được đào tạo rất kỹ để mực không bị xịt tối làm bẩn nước và chết trong quá trình vận chuyển.

Để làm được điều này, doanh nghiệp đã trực tiếp đầu tư hộp thông thủy trên tàu, các trang thiết bị và hướng dẫn kỹ thuật cho bà con ngư dân để đưa được mực sống khai thác từ ngoài biển vào bờ bán cho công ty với giá trị cao hơn khoảng 100.000/kg mực so với cách bán thông thường của ngư dân.

Mực nuôi tại tại lồng bè ở khu vực biển xã Thanh Hải (Ninh Hải, Ninh Thuận).

Từ việc thu mua và phân phối mực, anh Ngọc thấy được sức hút tiêu thụ của thị trường rất lớn song sản phẩm khai thác bị phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, nguồn thủy hải sản trong biển cũng ngày càng cạn kiệt nên doanh nghiệp đã đầu tư nghiên cứu cho dự án "Nhân giống và nuôi mực trong môi trường bán tự nhiên" song song với việc kinh doanh hiện tại.

Anh Ngọc chia sẻ: “Có lẽ nghề đã chọn tôi và biển cũng vậy, tuổi thơ lam lũ với biển để mưu sinh, chúng tôi đã từng gặp những ổ mực trong biển rất lớn, 20 đến 30 chiếc thuyền tập trung khai thác hết cũng được 40 – 60 tấn/ổ. Có những ổ trứng nằm rải rác bằng cả sân vận động và chúng tôi thường xuyên gặp được trong khi đánh bắt. Mãi đến sau này khi việc khai thác quá mức, để một số nghề xâm hại, môi trường biển đã dần làm mất đi tính cân bằng và phá hoại những ổ mực, ổ cá trong tự nhiên”.

Theo anh Ngọc, từ trước đến nay để nuôi mực các trang trại và ngư dân thường bắt con giống từ tự nhiên và đem về nuôi đến khi trưởng thành chứ chưa tự chủ quy trình nuôi mực.

Với những kinh nghiệm tích lũy được từ công việc, anh Ngọc đã mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi mực với diện tích khoảng 180m2 thí điểm dự án nhân giống và nuôi mực tại khu vực vịnh Vĩnh Hy, huyện Ninh Hải.
Bước đầu cho thấy những tín hiệu rất khả quan, mực đẻ trứng nhiều và tỷ lệ nở thành con rất cao, mực phát triển tốt nhưng lúc này tỷ lệ mực thương phẩm chưa đạt nhiều.

Đến đầu năm 2022, công ty mượn quỹ nước được giao lại từ một hộ dân tại khu vực C3, xã Thanh Hải. Doanh nghiệp đã bắt tay vào đầu tư những lồng nuôi thể tích nước lớn để mở rộng mô hình dự án.

Hiện tại, doanh nghiệp đang có hai lồng nuôi hiện đại bằng nhựa HDPE với quy mô 120m2 và 2.304m2 để đáp ứng cho việc nghiên cứu và thí điểm. Tại hai lồng nuôi anh Ngọc tập trung nuôi mực bố mẹ để lấy trứng và nuôi mực thương phẩm.

Mực non được nuôi thành con giống sau đó đưa ra lồng nuôi trên biển.

Anh Ngọc cho hay, trong một chu kỳ sinh sản, mực có thể sinh sản đến 50.000 trứng, những ngày đầu nghiên cứu, công ty chưa có giống phải mua mực bố mẹ từ ngư dân nên tỷ lệ trứng thu được còn 20% (tương đương 10.000 trứng/cặp bố mẹ).

Theo quy trình nhân giống, trứng sau 10 ngày tuổi được các nhân viên kỹ thuật đưa về trại ấp để tránh bị hư hỏng, khi về trại ấp từ 5 - 7 ngày để trứng nở ra con non (tỷ lệ trứng nở đạt 50%, tương đương khoảng 5.000 con), từ con non nuôi thành con giống khoảng 17 - 25 ngày tuổi (tỷ lệ con non còn lại lúc này đạt khoảng 70%, tương đương khoảng 3.500 con giống) sau đó đưa ra lồng nuôi.

Vì đặc tính rất dễ bị ăn nhau nên khi nuôi mực cần một môi trường đủ lớn để giảm tình trạng tiêu diệt lẫn nhau (tỷ lệ nuôi 1kg mực/m3 nước là tốt nhất). Bên cạnh đó, khi mực còn nhỏ phải cho mực ăn bằng tôm con sống hoặc cá con sống nên lợi nhuận sẽ giảm nếu không sớm đưa mực quay lại với môi trường bán tự nhiên ở biển.

Ưu điểm của mô hình nuôi mực bán tự nhiên là diện tích nuôi lớn, xung quanh có lưới bao, phần đáy là đáy biển tự nhiên, hoàn toàn không có lưới, mực vẫn tìm được nguồn thức ăn từ tự nhiên.

Khi ra với môi trường bán tự nhiên chỉ cần cho mực ăn với hệ số thức ăn 2.0 (tương 2kg thức ăn/1kg thịt mực thương phẩm) sau khoảng 5 tháng nuôi, có con đã đạt hơn 1kg (mực lá).

Với những kinh nghiệm đã trải qua trong nghiên cứu anh Ngọc nói: “Sau này khi chúng tôi làm chủ được con giống để cung cấp các hộ nuôi thì 1 lồng nuôi tầm 1.000m2 (tương đương 10.000m3 nước thả khoảng 10.000 con mực giống) sau 5 – 6 tháng nuôi cho thu hoạch bình quân khoảng 7 tấn mực, cho lợi nhuận từ 400 – 500 triệu/vụ (nuôi 2 vụ mỗi năm).

Mô hình ứng dụng công nghệ lồng nhựa HDPE nuôi mực trên biển cho hiệu quả kinh tế cao.

Nói về việc mở rộng quy mô phát triển doanh nghiệp, đồng thời giúp ngư dân có thêm ngành nuôi mới, anh ngọc cho biết, cần một nguồn lực tài chính và diện tích quỹ nước lớn để làm những cái lồng với quy mô từ 10 - 100ha, chỉ với cách làm đó doanh nghiệp mới chủ động được một lượng trứng lớn phục vụ cho việc tạo ra con giống cho chính doanh nghiệp mình và bà con ngư dân.

“Nguồn lực tài chính thì chúng tôi không e ngại vì hiện tại chúng tôi đang rất được các quỹ đầu tư, nhà đầu tư lớn quan tâm và sẵn sàng đồng hành, nhưng cái khó nhất vẫn là cần một quỹ nước với diện tích lớn để đầu tư”, anh Ngọc chia sẻ.

Theo anh Ngọc, sau khi được địa phương giao diện tích mặt nước đủ lớn để mở rộng vùng nuôi, doanh nghiệp sẽ mở rộng liên kết với bà con chuyển giao kỹ thuật nuôi; liên kết thu mua với giá hợp lý nhất. Doanh nghiệp sẽ tạo lòng tin vững chắc làm cầu nối trong việc phát triển nghề nuôi biển và góp phần bảo vệ hệ sinh thái biển Việt Nam.

Ông Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, với điều kiện phát triển như Ninh Thuận, cùng hiệu quả mang lại như trên, ngành nông nghiệp tỉnh cũng khuyến khích người dân mạnh dạn đầu tư, mở hướng nhân rộng.

Ngành nông nghiệp tỉnh sẽ có giải pháp hỗ trợ cần thiết về mặt khoa học và công nghệ... để giúp nghề nuôi biển; trong đó có mô hình mới này để người dân an tâm đầu tư phát triển nuôi trồng trong thời gian tới.

Bài và ảnh: Nguyễn Thành (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/nhan-rong-mo-hinh-nhan-giong-nuoi-muc-ban-tu-nhien-20230815112425600.htm