Nhân rộng mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp nông dân

Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp để liên kết những nông dân có chung ngành nghề sản xuất, kinh doanh. Qua đó tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa các hội viên, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân.

Vườn ươm quế của gia đình anh Đặng Xuân Ngọc, thành viên Tổ hội nghề nghiệp trồng quế xã Sơn Phú (Định Hóa).

Vườn ươm quế của gia đình anh Đặng Xuân Ngọc, thành viên Tổ hội nghề nghiệp trồng quế xã Sơn Phú (Định Hóa).

Ngày 23/6/2016, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ban hành Đề án số 24 về xây dựng chi, tổ hội nghề nghiệp. Việc xây dựng mô hình này là vấn đề cấp thiết trong đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội theo phương châm hướng về cơ sở. Bởi chi, tổ hội nghề nghiệp là đơn vị hành động, là cầu nối của cơ sở Hội với hội viên nông dân, được tổ chức theo thôn, xóm, khu phố và theo nghề nghiệp. Các thành viên liên kết với nhau để sản xuất và tiêu thụ những sản phẩm có chất lượng theo chuỗi giá trị. Triển khai Đề án, Thái Nguyên là một trong 10 tỉnh, thành phố được chọn làm điểm mô hình này. Việc thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp được dựa trên tiêu chí “5 cùng”: cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự sẻ chia; cùng trách nhiệm; cùng hưởng lợi.

Chi hội nghề nghiệp sản xuất chè VietGAP xóm Đồng Ngõ, xã Bản Ngoại (Đại Từ) là một trong những chi, tổ hội nghề nghiệp đầu tiên trên địa bàn tỉnh được thành lập dựa trên các tiêu chí như vậy. Chi hội gồm có 31 hội viên cùng nghề trồng, chế biến chè với tổng diện tích sản xuất 7ha. Những năm trước, các hộ dân làm chè nơi đây chỉ sản xuất riêng lẻ, manh mún, đầu tư thâm canh không được chú trọng, chất lượng chè không đảm bảo… dẫn đến hiệu quả kinh tế chưa cao. Trước thực trạng đó, năm 2016, Hội Nông dân tỉnh đã vận động các hộ trong xóm thành lập Chi hội nghề nghiệp sản xuất chè VietGAP. Đồng thời triển khai các giải pháp hỗ trợ thiết thực, như: Cho vay 1 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân để cải tạo diện tích chè; hỗ trợ kinh phí lắp đặt hệ thống tưới nước tự động; mở các lớp tập huấn trồng, chăm sóc chè an toàn…

Ông Lương Văn Tình, Chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp xóm Đồng Ngõ chia sẻ: Tham gia vào Chi hội, chúng tôi thường xuyên sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác, giúp đỡ nhau trong tiêu thụ sản phẩm. Nếu như trước đây, năng suất bình quân chè búp tươi của hội viên chỉ đạt từ 80 đến 85 tấn/1ha/năm, thì giờ đã tăng lên 95-100 tấn/1ha/năm. Giá trị sản phẩm, thu nhập của các hộ cũng tăng lên, đời sống cải thiện rõ rệt. Từ năm 2016 đến nay, đã có 12 hộ trong chi hội vươn lên thoát nghèo. Hiện, toàn bộ diện tích chè của Chi hội đều được canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP.

Cũng là một trong những mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp đầu tiên được Hội Nông dân hướng dẫn thành lập, Tổ hội nghề nghiệp trồng na xã La Hiên (Võ Nhai) đã từng bước liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho hội viên. Những thành viên tham gia Tổ đều là những nông dân có nguồn thu nhập chính từ trồng na. Sau hơn 3 năm hoạt động, diện tích na được mở rộng, năng suất và chất lượng cây trồng đều được nâng cao. Số lượng thành viên trong tổ cũng tăng lên từ 15 đến hơn 30 người tham gia.

Bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch Hội Nông dân xã La Hiên cho biết: Ngoài hỗ trợ cho mỗi thành viên vay 30 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân xã đã đứng ra tổ chức các buổi chuyển giao khoa học kỹ thuật, liên kết tìm đầu ra và thực hiện việc dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Qua đó đã góp phần nâng cao giá trị, tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Tổ còn xây dựng nguồn quỹ để sinh hoạt và thăm hỏi các thành viên. Tổ hội nghề nghiệp trồng na của xã đã thực sự trở thành mái nhà chung cho các hội viên nông dân, vừa hỗ trợ, động viên nhau sản xuất, vừa chia sẻ những điều vui, buồn trong cuộc sống.

Hiệu quả từ những mô hình điểm ban đầu đã tạo sức lan tỏa. Đến nay, 9/9 huyện, thị, thành trong tỉnh đã xây dựng được 47 mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp hoạt động hiệu quả với gần 900 thành viên tham gia thuộc các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ… Ông Nguyễn Ngọc Tuân, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho rằng: Việc thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp theo Đề án 24 không chỉ khẳng định tính năng động, sáng tạo của nông dân trong thời kỳ hội nhập mà còn tạo tiền đề cho việc thành lập các hợp tác xã, góp phần đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục khảo sát, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, từ đó lựa chọn những ngành nghề, lĩnh vực của địa phương và nhu cầu tham gia của hội viên, nông dân trên địa bàn để thành lập và nhân rộng mô hình này.

Minh Hiếu

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/kinh-te/nhan-rong-mo-hinh-chi-to-hoi-nghe-nghiep-nong-dan-281547-108.html