Nhân rộng các giống lúa chất lượng cao

Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng lúa, ngành NN&PTNT tỉnh đã tích cực, chủ động phối hợp với các nhà khoa học, doanh nghiệp (DN) sản xuất giống và chính quyền địa phương triển khai khảo nghiệm, trình diễn các giống lúa mới. Từ đó lựa chọn được nhiều giống phù hợp với đặc điểm sinh thái, bổ sung vào cơ cấu giống lúa của tỉnh, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Nhiều giống lúa mới được đưa vào sản xuất do Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh hỗ trợ cho năng suất chất lượng cao. Ảnh Thế Hùng

Cánh đồng Ngà, khu 8, xã Yên Phương (Yên Lạc) vào mùa lúa chín đẹp như một bức tranh, những bông lúa vàng nặng trĩu hạt uốn mình đu đưa trong nắng, niềm vui rạng ngời trên khuôn mặt của người nông dân trước giống lúa thuần mới cho năng suất cao.

Bà Nguyễn Thị Cơ cho biết: 3 năm nay, nhiều giống lúa mới chất lượng, năng suất cao được địa phương chỉ đạo đưa vào gieo cấy như: Hà Phát 3, TBR225, ADI28, thay thế dần các giống lúa Khang dân 18, Q5. Vụ Xuân này, được sự hỗ trợ của Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh và Công ty cổ phần vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Giang, gia đình bà tham gia mô hình cấy 1 sào giống lúa TH8.

Qua theo dõi, mặc dù thời tiết năm nay nóng, lạnh xen kẽ bất thường dẫn đến thời gian sinh trưởng của giống lúa kéo dài 5-7 ngày nhưng giống lúa TH8 cơ bản phù hợp với cơ cấu thời vụ; chống chịu sâu bệnh khá, không nhiễm bệnh đạo ôn và bạc lá. Đặc biệt, có bộ lá đòng óp lòng mo nên khả năng quang hợp tốt, chống chịu điều kiện bất thuận và sâu bệnh, năng suất ước đạt 260 kg/sào.

Do chất lượng gạo ngon, hạt gạo sáng, cơm đậm nên giống lúa TH8 có giá bán cao hơn 500 đồng/kg so với Hương thơm 1, hiệu quả kinh tế đạt hơn 1 triệu đồng/sào, cao hơn gần 430 nghìn đồng/sào (tương đương gần 12 triệu đồng/ha). Vụ Mùa này, gia đình tiếp tục mở rộng diện tích gieo cấy giống lúa TH8.

Là địa phương có truyền thống thâm canh lúa cao, những năm qua, xã Yên Phương phối hợp, triển khai nhiều mô hình trình diễn các giống lúa mới; chủ động đưa các giống lúa chất lượng vào gieo cấy theo chương trình tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh. Đến nay, có hơn 85% diện tích gieo lấy lúa Xuân của địa phương được sử dụng giống lúa chất lượng, đem lại giá trị kinh tế cho người dân.

Nhằm lựa chọn các giống lúa chất lượng vào gieo cấy, vụ Xuân 2022, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh phối hợp với Trung tâm khảo, kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Quốc gia thực hiện khảo nghiệm diện hẹp gần 50 giống lúa và khảo nghiệm diện rộng 12 giống lúa tại trại sản xuất giống cây trồng Vũ Di.

Theo đánh giá của các chuyên gia, các giống lúa đều có những ưu điểm vượt trội về tính thích ứng và khả năng chống chịu sâu bệnh, bông lúa to, hạt sáng, năng suất cao. Điển hình như các giống lúa: X22-V03, X22-V63 cho năng suất khoảng 63 tạ/ha; X22-V07 đạt 63,5 tạ/ha; X22-V109 ước đạt 64 tạ/ha.

Ông Nguyễn Văn Quân, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh cho biết: Năm 2021, đơn vị đã khảo nghiệm, chuyển giao áp dụng tiến bộ KHKT nhiều giống lúa mới vào sản xuất như Hương Bình,Trường Xuân (2X), BG6, HDT11; triển khai trình diễn 45 ha các giống lúa mới gồm TBR225 kháng bạc lá, Lai thơm 6, LTH31, Tân Ưu 98, Hà Phát 3, TBR97 tại huyện Lập Thạch, Sông Lô, Tam Dương, Bình Xuyên, Yên Lạc và thành phố Phúc Yên.

Liên kết sản xuất 5 ha giống lúa ADI28 tại xã Yên Phương (Yên Lạc) năng suất đạt 64 tạ/ha; cung ứng gần 1.000 tấn lúa giống các loại thuộc chương trình hỗ trợ giống lúa chất lượng của tỉnh và hơn 430 tấn lúa giống thực hiện chương trình trợ cước, trợ giá cho các xã miền núi trên địa bàn tỉnh

Nhằm mở rộng diện tích các giống lúa chất lượng, giai đoạn 2013-2020, tỉnh hỗ trợ hơn 4.600 tấn giống lúa với tổng diện tích gieo cấy gần 100 nghìn ha cho người sản xuất theo Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp đã phối hợp với các DN, nhà khoa học tổ chức khảo nghiệm, trình diễn hàng trăm mô hình các giống lúa chất lượng.

Qua đó đã lựa chọn, nhân ra diện rộng các giống lúa có đặc tính sinh học tốt, thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng chống chịu với sâu bệnh hại, điều kiện bất thuận của thời tiết, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và sinh thái của tỉnh như Thiên ưu 8, BC 15, TBR 225, ADI 28 cho năng suất bình quân đạt từ 63-67 tạ/ha, cao hơn so với giống KD18 từ 5-9 tạ/ha, giá bán bình quân cao hơn từ 1-2 nghìn đồng/kg, thu nhập cao hơn từ 5-12 triệu đồng/ha/vụ.

Vụ Xuân 2022, toàn tỉnh gieo cấy hơn 29.000 ha, trong đó 80% diện tích được gieo cấy các giống lúa chất lượng; năng suất bình quân ước đạt 62,8 tạ/ha, tăng 0,1% so với cùng kỳ; sản lượng lương thực ước đạt hơn 183 nghìn tấn. Nhiều địa phương thực hiện xong dồn thửa đổi ruộng đã từng bước hình thành các vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao cho hiệu quả kinh tế.

Vụ Mùa 2022, tỉnh tiếp tục mở rộng diện tích các giống lúa thuần chất lượng như DQ11, DT39 Quế Lâm, Sơn Lâm 2, HDT11, Lai thơm 6, BG6; triển khai hỗ trợ giống lúa chất lượng cho các địa phương; phối hợp trình diễn, mở rộng quy mô áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về giống, kỹ thuật canh tác. Qua đó, thay thế dần các giống lúa năng suất, chất lượng thấp, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao thu nhập cho người dân.

Mai Liên

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/78796/nhan-rong-cac-giong-lua-chat-luong-cao.html