Nhân ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh: Đất nước, tuổi trẻ và 'khát vọng lớn'

Cách nay hơn nửa thế kỷ, mở đầu bài thơ Bài ca Xuân 71, nhà thơ Tố Hữu đã dẫn hai danh ngôn bất hủ của hai danh nhân vĩ đại: Gớt-tơ nói: Phải hành động! và Lê-nin: Nên biết ước mơ…

Thật thú vị khi nhà thơ lớn lại kêu gọi nhân loại “phải hành động”, còn nhà cách mạng thiên tài lại khuyên mọi người “nên biết ước mơ”. Cần nhớ thêm rằng, mùa xuân năm 1971 là lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đang bước vào giai đoạn vô cùng quyết liệt. Trong hoàn cảnh ấy, thật chí lý khi nhà thơ đồng thời là nhà cách mạng vẫn lưu ý quân và dân ta về quan điểm “nên biết ước mơ” của lãnh tụ Lê-nin.

Đồng chí Dương Văn Thái, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và các đại biểu tham quan gian trưng bày tại chuyển đổi số tại Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, nhiệm kỳ 2022- 2027. Ảnh tư liệu

Ước mơ là một trạng thái tinh thần hết sức cần thiết và quan trọng trong đời sống của mỗi cá nhân; rộng lớn hơn là mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc. Cao hơn ước mơ là khát vọng. Đó là mơ ước đạt được những điều lớn lao, tốt đẹp trong cuộc sống. Khi con người có khát khao mãnh liệt, đó sẽ là động lực thôi thúc họ nỗ lực phấn đấu để đạt bằng được mục tiêu. Bởi vậy, khát vọng là một trong những giá trị con người cần phải có, là biểu hiện mang yếu tố tích cực của mỗi con người. Khi ước mơ và khát vọng của mỗi cá nhân phù hợp với ước mơ và khát vọng của cộng đồng, của dân tộc và xu thế của thời đại thì đó là những ước mơ và khát vọng lớn. Làm người phải có ước mơ và khát vọng lớn. Đặc biệt là với tuổi trẻ, bởi vì họ là chủ nhân tương lai của đất nước.

Trước đây, trong đêm trường nô lệ và những năm tháng đất nước bị chia cắt, khát vọng lớn nhất của dân tộc ta là Độc lập, Tự do và Thống nhất non sông. Để góp phần thực hiện khát vọng ấy, các thế hệ thanh niên đã hăng hái tham gia kháng chiến cứu nước. Đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, một thế hệ thanh niên vừa “lớn lên trong mùa cách mạng” đã hăng hái tham gia công cuộc “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai” (thơ Tố Hữu). Họ lên đường với nhiệt huyết tuổi trẻ và tinh thần lạc quan cách mạng. Họ ý thức “cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”.

“Khát vọng lớn” là ưu thế của tuổi trẻ, là phẩm chất hàng đầu của những nhân tài. Đất nước ta có được như hôm nay là nhờ những thế hệ nhân tài có khát vọng lớn đã chung tay góp sức vì dân vì nước; cùng dân tộc vượt qua biết bao thăng trầm cam go. Và ngày nay, đất nước ta đang rất cần những người có khát vọng lớn chung tay góp sức cùng làm “những việc ích nước lợi dân”; góp phần đẩy lùi những trì trệ, tiêu cực, quốc nạn… để hội nhập và phát triển.

Sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước đã kết thúc gần nửa thế kỷ. Công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển trong môi trường toàn cầu hóa và cơ chế thị trường của đất nước ta hôm nay đang đứng trước những thời cơ, vận hội mới; nhưng cũng đầy những hệ lụy, thách thức. Khát vọng lớn nhất của dân tộc Việt Nam ngày nay là “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Nội dung này được nhắc đến nhiều lần trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ta, thể hiện quyết tâm chính trị lớn của toàn Đảng và toàn dân, nhằm “phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa". Hơn lúc nào hết, Tổ quốc và nhân dân đòi hỏi thế hệ thanh niên hôm nay phải nung nấu khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đó là một khát vọng lớn của dân tộc, chất chứa tinh thần lãng mạn và niềm lạc quan cách mạng. Khát vọng ấy có cơ sở từ thực tiễn cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh, đặc biệt là từ những thành tựu to lớn của gần 40 năm công cuộc Đổi mới đất nước. Sự nghiệp ấy đang cường tráng sức xuân, như tuổi trẻ phơi phới lạc quan, tràn trề sức sống và mãnh liệt khát vọng.

Chưa bao giờ như hiện nay, hai tiếng “khởi nghiệp” được nhắc nhiều đến vậy trên các phương tiện truyền thông, trên các diễn đàn hội nghị và trong sinh hoạt cộng đồng. Thực tế đang sôi nổi một tinh thần khởi nghiệp và hình thành một trào lưu khởi nghiệp ở Việt Nam. Thuật ngữ “khởi nghiệp” (Startup) thực ra là một khái niệm đã có từ xa xưa trong tâm thức người Việt. Truyền thuyết về 50 người con theo cha Lạc Long Quân xuống biển vươn ra đại dương, 50 người con theo mẹ Âu Cơ lên rừng khẩn hoang gieo trồng; rồi sự tích bánh chưng, bánh dày của Lang Liêu; sự tích quả dưa hấu của Mai An Tiêm… cùng nhiều tấm gương thành đạt của không ít doanh nhân Việt Nam ngay từ đầu thế kỷ 20, là những minh chứng sinh động cho truyền thống khởi nghiệp của dân tộc Việt Nam chúng ta. Ngày nay, trong quá trình phấn đấu để trở thành một “quốc gia khởi nghiệp” như nhiều nước đã “hóa Rồng, hóa Hổ” trong khu vực và trên thế giới, Đảng và Nhà nước ta đã và đang tích cực chỉ đạo các ngành, các cấp và toàn xã hội chung tay tháo gỡ những khó khăn, vượt qua những thách thức để xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp mới ở Việt Nam.

Cách nay gần chục năm, trong số 121 cá nhân được Diễn đàn Kinh tế thế giới (World Economic Forum - WEF) vinh danh là “Lãnh đạo trẻ toàn cầu năm 2016” có một cô gái Việt Nam. Đó là Phạm Thị Ngân, đồng sáng lập doanh nghiệp xã hội đã triển khai hơn 150 sân chơi nghệ thuật miễn phí tại 11 trung tâm bảo trợ xã hội trên cả nước. Cô được xếp cạnh nhiều nhà lãnh đạo trẻ nổi tiếng cùng thời trên thế giới, như: Bộ trưởng di sản Canada, Giám đốc chiến lược toàn cầu HSBC, Phó Chủ tịch Facebook, Bộ trưởng Kinh tế Pháp, Bộ trưởng Tài chính Đức… Trước đó, một số tài năng trẻ của Việt Nam cũng đã được WEF tặng danh hiệu trên đây, như: GS Ngô Bảo Châu, KTS Võ Trọng Nghĩa, Jimmy Phạm (giám đốc doanh nghiệp KOTO), Lê Thị Thu Thủy (Giám đốc điều hành Vingroup)… Rõ ràng, tiếp nối truyền thống của các tài năng lãnh đạo trẻ trong lịch sử dân tộc, đặc biệt trong sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tài năng trẻ Việt Nam ngày nay đang chứng tỏ năng lực lãnh đạo trên nhiều lĩnh vực, được các tổ chức quốc tế uy tín tôn vinh. Họ thực sự là những hiền tài của đất nước, là những tấm gương thiết thực cho tuổi trẻ Việt Nam hôm nay.

“Khát vọng lớn” là ưu thế của tuổi trẻ, là phẩm chất hàng đầu của những nhân tài. Đất nước ta có được như hôm nay là nhờ những thế hệ nhân tài có khát vọng lớn đã chung tay góp sức vì dân vì nước; cùng dân tộc vượt qua biết bao thăng trầm cam go. Và ngày nay, đất nước ta đang rất cần những người có khát vọng lớn chung tay góp sức cùng làm “những việc ích nước lợi dân”; góp phần đẩy lùi những trì trệ, tiêu cực, quốc nạn… để hội nhập và phát triển. Chỉ những người có khát vọng lớn mới dám chấp nhận khó khăn, cản trở; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì nghiệp lớn của dân tộc. Và tất nhiên, cần kíp những giải pháp và biện pháp hữu hiệu để bảo vệ những nhân tài có khát vọng lớn dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; đừng để họ trở thành nạn nhân của những hẹp hòi, đố kỵ, phe nhóm... và những bất cập của cơ chế, luật lệ hiện hành.

Vẫn biết rằng, trong thời đại ngày nay thì làm việc ở đâu cũng đều là một hình thức cống hiến cho xã hội, cho đất nước. Tuy nhiên, nếu những thanh niên tài giỏi có khát vọng lớn được cống hiến trực tiếp cho đất nước - tại các cơ quan, doanh nghiệp và tổ chức trong nước - thì vẫn thiết thực và ý nghĩa hơn. Và cũng rất cần lưu ý rằng: Những người có khát vọng lớn không bao giờ chấp nhận luồn lách tiến thân qua những “cửa sau” chật hẹp. Vì vậy, Nhà nước và các tổ chức kinh tế - xã hội cần tích cực, nhạy bén và đổi mới hơn nữa trong việc phát hiện, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

MAI NAM THẮNG

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/dat-nuoc-tuoi-tre-va-khat-vong-lon-072802.bbg