Nhân Ngày người khuyết tật Việt Nam (18/4): Tạo sinh kế cho người khuyết tật

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có hơn 30 nghìn người khuyết tật. Số người khuyết tật được chăm sóc tại Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh chỉ có gần 200 người, còn lại chủ yếu sống tại cộng đồng. Người khuyết tật và gia đình của họ luôn khát khao có cuộc sống ổn định, hòa nhập với cộng đồng.

Những tấm gương về nghị lực sống

Ở tổ dân phố Phấn Lôi, thị trấn Nham Biền (Yên Dũng), anh Trần Văn Bộ (SN 1979) được nhắc tới như một thương nhân thành đạt. Từ chàng trai vạm vỡ, khỏe mạnh, là trụ cột gia đình, năm 2003, tai nạn giao thông đã khiến anh bị tàn phế, phải ngồi xe lăn.

Có lúc bi quan, anh chỉ muốn tự kết thúc cuộc đời. Nhưng những giọt nước mắt của mẹ và tiếng khóc của đứa con vừa lọt lòng đã khiến anh bừng tỉnh, quyết không đầu hàng số phận.

Ông Thân Văn Trường - Chủ tịch Hội Bảo trợ Người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh (ngoài cùng bên phải) tặng quà cho người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn huyện Yên Dũng.

Hằng ngày, anh giúp vợ bán hàng xén tại nhà. Vốn thông minh, anh học hỏi về công nghệ thông tin, tìm hiểu thị trường, tiếp cận giao dịch thương mại điện tử. Từ sạp hàng xén nhỏ, sau 20 năm, giờ đây anh đã là chủ một siêu thị bán hàng tự chọn với khoảng 2 nghìn mặt hàng.

Cuối năm 2022, vợ chồng anh được vinh danh trong Chương trình “Vợ chồng người khuyết tật hạnh phúc” do Hội Bảo trợ Người Khuyết tật (NKT) và Trẻ mồ côi Việt Nam phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức. Hiện nay, anh là Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Chấn thương cột sống - kết nối yêu thương tỉnh Bắc Giang”. Không chỉ kết nối với các nhà hảo tâm trợ giúp những hội viên hoàn cảnh khó khăn, mỗi năm, anh cùng Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ tổ chức từ 1-2 lớp tập huấn trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế, tiếp thêm nghị lực sống cho hội viên.

Thật ấm lòng khi còn nhiều bạn trẻ là NKT trên địa bàn tỉnh hôm nay vừa có tri thức, vừa sống vì cộng đồng với những việc làm hữu ích. Đó là các bạn: Lê Viết Thuận, Nguyễn Đức Anh ở Hiệp Hòa; Vũ Thị Tuyến ở Yên Thế; Thân Ngọc Mạnh ở Việt Yên; Nguyễn Văn Quyết ở thị trấn Tân Dân (Yên Dũng)… Không chỉ thể hiện nghị lực, khát vọng sống, họ đang miệt mài phấn đấu từng ngày, khẳng định giá trị bản thân, lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng và những người cùng cảnh ngộ, góp phần xóa bỏ định kiến về NKT.

Xóa bỏ rào cản về việc làm cho NKT

Thực hiện phương châm “Không để ai ở lại phía sau”, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và doanh nghiệp đã có nhiều hoạt động thiết thực quan tâm đến người yếu thế, trong đó có NKT.

Chỉ riêng Hội Bảo trợ NKT&TMC các cấp trong tỉnh, năm 2022 đã kêu gọi vận động và phối hợp vận động được tiền, quà trị giá hơn 7 tỷ đồng, giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với NKT, TMC.

Chị Giáp Thị Huế (SN 1981), ở xã Việt Ngọc (Tân Yên) bị khuyết tật từ nhỏ (liệt một chân) nhưng vẫn có việc làm ổn định tại Công ty cổ phần Thời trang Hà Thanh (Hiệp Hòa).

Tuy nhiên, hiện nay đời sống của phần lớn gia đình NKT còn đang gặp khó khăn. Hiện vẫn còn gần 6 nghìn gia đình NKT thuộc hộ nghèo, cận nghèo; gần 2 nghìn hộ ở nhà thiếu kiên cố; gần 500 hộ ở nhà đơn sơ, tạm bợ; 150 NKT chưa có nhà ở phải sống nhờ người thân. Tại thời điểm tháng 3/2023, Hội Bảo trợ NKT&TMC tỉnh đã nhận được danh sách hơn 700 NKT vận động tại các huyện, TP có nhu cầu được trợ giúp xe lăn để đi lại.

Hiện vẫn còn gần 6 nghìn gia đình NKT thuộc hộ nghèo, cận nghèo; gần 2 nghìn hộ ở nhà thiếu kiên cố; gần 500 hộ ở nhà đơn sơ, tạm bợ; 150 NKT chưa có nhà ở phải sống nhờ người thân. Tại thời điểm tháng 3/2023, Hội Bảo trợ NKT&TMC tỉnh đã nhận được danh sách hơn 700 NKT vận động tại các huyện, thành phố có nhu cầu được trợ giúp xe lăn để đi lại.

Đặc biệt, vấn đề việc làm cho NKT vẫn đang là bài toán khó với các ngành chức năng và toàn xã hội. Thực hiện Luật NKT, hệ thống chính sách về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho NKT được nhà nước ban hành khá đầy đủ.

Tại Bắc Giang, nhiều chính sách về đào tạo nghề đã được HĐND tỉnh thông qua, trong đó có nhiều ưu đãi đối với học viên là NKT. Mỗi năm, ngành lao động, thương binh và xã hội đã dành nguồn kinh phí lớn cho công tác đào tạo nghề. Tuy vậy trên thực tế, số học sinh khuyết tật có nhu cầu và đủ tiêu chuẩn tuyển sinh vào các cơ sở đào tạo nghề của tỉnh cũng rất ít. Số lao động là NKT tham gia các lớp đào tạo nghề ngắn hạn ngày càng giảm. Nguyên nhân chủ yếu do NKT tiếp thu kiến thức chậm, học xong lại khó tìm được việc làm phù hợp.

Có những NKT có nhu cầu mở cơ sở làm nghề, nhưng lại không có vốn hoặc các thủ tục giấy tờ, giao dịch cũng gặp khó khăn nếu không có người thân hỗ trợ. Còn đối với các DN, hiện nhà nước có nhiều ưu đãi với những cơ sở sử dụng từ 30% lao động là NKT trở lên. Tuy nhiên, họ không mấy mặn mà bởi nếu tuyển dụng nhóm lao động này, họ phải tính toán tới việc bố trí vị trí làm phù hợp, thiết kế lối đi, khu vệ sinh riêng…, chưa kể đến năng suất lao động của NKT cũng bị hạn chế.

Để NKT “không ở lại phía sau”, rất cần sự quan tâm của các cấp, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh để triển khai thực hiện tốt chính sách của Đảng và Nhà nước đối với NKT. Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, khơi dậy truyền thống “thương người như thể thương thân”, lan tỏa giá trị nhân văn, sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội đối với NKT.

Với vai trò cơ quan thường trực, ngành lao động, thương binh và xã hội tham mưu cho UBND tỉnh rà soát, đánh giá kết quả 2 năm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch số 5803, ngày 31/12/2020 của UBND tỉnh về “Thực hiện Chương trình trợ giúp NKT giai đoạn 2021- 2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang” để có giải pháp chỉ đạo thiết thực cho những năm tiếp theo.

Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, khuyến khích đổi mới việc đào tạo nghề cho NKT như: Đào tạo tại doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có sử dụng lao động NKT.

Cùng với các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, để đáp ứng nhu cầu của nhiều NKT, nhất là những NKT trong độ tuổi thanh niên, thiếu niên, chính quyền các cấp quan tâm hơn nữa trong công tác quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa, khu thể thao, giải trí, vui chơi phù hợp với NKT.

Bài, ảnh: Lê Huyền

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/xa-hoi/403044/nhan-ngay-nguoi-khuyet-tat-viet-nam-18-4-tao-sinh-ke-cho-nguoi-khuyet-tat.html