Nhân Ngày Dân số Việt Nam (26-12): Khám sức khỏe tiền hôn nhân, vì giống nòi khỏe mạnh

Khám sức khỏe trước khi kết hôn giúp các cặp vợ chồng phát hiện và điều trị sớm nhiều căn bệnh nguy hiểm, tránh được hệ lụy trong cuộc sống và tương lai thế hệ sau.

Cặp vợ chồng hạnh phúc khi đứa con chào đời khỏe mạnh tại Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai. Ảnh: H.Dung

Đây là hình thức sàng lọc quan trọng để xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

* Hậu quả khi không tầm soát trước hôn nhân

Nhìn con trai 12 tuổi nhưng cơ thể nhỏ như bé 9-10 tuổi, da xanh xao do thiếu máu, không tham gia được các hoạt động thể lực mạnh, chị M.Y. (ngụ xã Bàu Cạn, H.Long Thành) lại tự trách mình. Bởi nếu chị và chồng đi khám sức khỏe trước khi kết hôn sẽ biết được có khả năng sinh con ra bị bệnh tan máu bẩm sinh.

Ngay từ khi được sinh ra, bé N.Đ.D.T., con trai chị M.Y., đã được chẩn đoán mắc bệnh tan máu bẩm sinh. Đây là căn bệnh nguy hiểm, muốn duy trì sự sống phải thường xuyên truyền máu, thải sắt, tuổi thọ không cao…

BS Trần Xuân Lam, Trưởng khoa Huyết học - thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, nhiều cặp vợ chồng sau khi kết hôn mới biết một trong hai người có bệnh lý liên quan đến vấn đề tình dục và di truyền. Sau khi sinh con, nhiều người mới biết con mang bệnh di truyền từ gen lặn, để lại hậu quả lớn.

Ngày Dân số Việt Nam năm nay có chủ đề “Tham gia tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước” với mục đích nâng cao nhận thức của mọi người về vai trò quan trọng của việc tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn, giúp các cặp đôi chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho cuộc sống hôn nhân và chuẩn bị sức khỏe để sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh, góp phần nâng cao chất lượng dân số

Theo ước tính của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng 25-30 ngàn trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh. Trong số các dị tật, có các bệnh phổ biến như: Down, hội chứng Ewards, dị tật ống thần kinh, suy giáp bẩm sinh, thiếu men G6PD, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, tan máu bẩm sinh thể nặng…

Phát biểu trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại kỳ họp Quốc hội đầu tháng 11 vừa qua, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) Nguyễn Trí Thức đề xuất quy định bắt buộc người dân khám sức khỏe tiền hôn nhân để phòng tránh nhiều loại bệnh nguy hiểm.

Theo BS Thức, bệnh viện từng tiếp nhận nhiều ca sản phụ bị suy thận, suy tim nặng, hẹp van tim. Có người đến lúc sinh con mới biết bị bệnh, bởi trước đó chưa từng khám sức khỏe. Vì có bệnh lý, khi sinh con họ bị suy tim cấp. Nếu bác sĩ can thiệp kịp thời và tình trạng mẹ tương đối tốt mới hy vọng cứu được cả mẹ và con. Nhưng đa số các ca sản phụ mà bệnh viện tiếp nhận đều bệnh nặng, phải quyết định cứu mẹ hoặc con. Điều này khiến các bác sĩ đứng trước quyết định rất khó khăn và đau lòng. Trong khi đó, những vấn đề này có thể tránh được nếu người dân khám sức khỏe tiền hôn nhân.

* Cần khám những gì trước khi kết hôn?

Khám sức khỏe tiền hôn nhân theo hướng dẫn của Bộ Y tế gồm: khám thể lực (đo chiều cao, cân nặng, vòng ngực trung bình, chỉ số BMI, mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở); khám cận lâm sàng như chụp X-quang tim, phổi; xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, soi tươi dịch âm đạo và dịch niệu đạo.

BS CKI Nguyễn Thị Kim Nga, Trưởng khoa Sản phụ, Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai cho hay, bác sĩ sẽ tập trung khám chức năng cơ bản, sức khỏe tâm thần, tình dục, sinh sản của cả nam và nữ.

Sức khỏe tình dục gồm: rối loạn xuất tinh, dị dạng cơ quan sinh dục mà có thể bản thân người sắp kết hôn không biết. Sức khỏe sinh sản gồm: khả năng sinh sản, chất lượng tinh trùng hoặc trứng của nam và nữ. Các bệnh lý di truyền học và gen cũng cần được xét nghiệm để phát hiện xem cặp đôi kết hôn với nhau thì sinh con có mang bệnh hay không. Nếu có sẽ tiến hành các biện pháp can thiệp sớm trước khi quyết định mang thai, tránh nhiều trường hợp sinh con ra mắc bệnh lý di truyền.

Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ khám các bệnh truyền nhiễm như: viêm gan B, viên gan C, giang mai, HIV, bởi không loại trừ trường hợp có người bị nhiễm bệnh nhưng không cho bạn đời biết, nếu kết hôn sẽ gây hệ quả cho chính họ và thế hệ mai sau.

Khám sức khỏe tâm thần tiền hôn nhân sẽ xác định một trong hai người có bị rối loạn hành vi, rối loạn tâm thần hay không. Nếu không may có người bị bệnh thì cần điều trị hoặc bác sĩ theo dõi, để sau khi kết hôn hạn chế tối đa bạo lực gia đình.

Việc này cũng sẽ giúp các bạn trẻ biết trước về khả năng sinh sản của người chồng hoặc vợ. Căn cứ trên kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ tư vấn cho họ giải pháp góp phần bảo vệ hạnh phúc gia đình. Mỗi gia đình hạnh phúc sẽ góp phần tăng năng suất lao động, đóng góp tích cực cho xã hội.

Phó cục trưởng phụ trách Cục Dân số (Bộ Y tế) Phạm Vũ Hoàng cho rằng, tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn là bước dự phòng cấp một trong nâng cao chất lượng dân số và là chìa khóa vàng để mở ra cánh cửa hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình, đất nước. Điều này giúp các cặp cha mẹ tránh được một số bệnh di truyền thường gặp cho con như: bệnh mù màu, bệnh tan máu bẩm sinh, hội chứng Down, Turner, Edward... Từ đó, tránh những gánh nặng cho bản thân đứa trẻ, gia đình và xã hội.

Thực tế những năm gần đây, số cặp nam, nữ khám sức khỏe trước khi kết hôn tăng so với trước, song vẫn còn khiêm tốn. Nhiều cặp đôi hiện vẫn coi nhẹ, e dè, ngại ngùng khi cùng nhau đi khám sức khỏe tiền hôn nhân vì chưa hiểu hết tầm quan trọng của việc này.

“Tuy nhiên, đây là vấn đề rất quan trọng, ảnh hưởng đến hạnh phúc lứa đôi, hạnh phúc gia đình, chất lượng giống nòi và sự phát triển toàn diện của xã hội. Do vậy, các cặp đôi nên chủ động khám sức khỏe tiền hôn nhân vì tương lai tươi sáng” - ông Hoàng nhấn mạnh.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202312/nhan-ngay-dan-so-viet-nam-26-12-kham-suc-khoe-tien-hon-nhan-vi-giong-noi-khoe-manh-a184d33/