Nhân lực Viettel, phát triển qua thách thức

Năm 2023, bức tranh phát triển nguồn nhân lực của Viettel có thêm nhiều điểm nhấn tươi sáng, nối dài các giá trị cốt lõi Viettel, vừa bền vững, vừa linh hoạt. Các chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của Viettel vừa chú trọng củng cố, nâng cao nội tại, vừa thu hút, ươm mầm từ bên ngoài.

Chương trình luân chuyển toàn cầu - Viettel Global Mobility - năm 2023 khai giảng mùa đầu tiên hồi tháng 5 tại trụ sở tập đoàn.

Cơ hội nâng cao chuyên môn, kỹ năng được trải rộng tới mọi cán bộ, nhân viên. Nếu học bổng “Viettel Excellence Scholarship” (VES) hướng tới nhóm cán bộ chủ chốt, chương trình Global Mobility lại nhằm đa dạng nguồn lực cho thị trường, còn Viettel Digital Talent được tổ chức nhằm xây dựng nguồn nhân sự tương lai. Tất cả đều củng cố vào “mục tiêu kép” đưa Viettel trở thành tập đoàn công nghệ - kinh doanh toàn cầu và hình thành nên một đội ngũ lao động chất lượng cao cả về chuyên môn và kỹ năng.

Tăng sức cạnh tranh dài hạn

“Cơ hội phát triển qua thách thức” - Giá trị thương hiệu tuyển dụng tại Viettel tiếp tục được nhấn mạnh xuyên suốt trong năm qua, trong đó nổi bật là việc tăng cường khả năng thực chiến, rèn luyện bản lĩnh, bước ra khỏi vùng an toàn.

Ở Global Mobility, chương trình luân chuyển toàn cầu lần đầu được Viettel triển khai, 25 cán bộ, nhân viên người bản địa có thành tích xuất sắc ở thị trường, đến từ 7 quốc gia, đã có khoảng thời gian kéo dài 3-6 tháng đến công ty mẹ, vừa trải nghiệm môi trường đa văn hóa; vừa tích lũy thêm kiến thức, mở rộng tư duy, khả năng thích ứng. Đây là chiến lược phổ biến của các công ty đa quốc gia nhằm xử lý bài toán kinh doanh tại các thị trường và thúc đẩy năng lực của nhân sự.

Anh Gabriel Boaventura Mutemba mong mỏi đóng góp những kỹ năng học được ở Viettel Global Mobility cho sự phát triển của Movitel.

Lý giải kỹ hơn, chị Vũ Thị Mai, Trưởng ban Tổ chức nhân lực tập đoàn cho hay, Global Mobility phản ánh việc áp dụng triết lý 70/20/10 trong đào tạo, phát triển nhân sự, với 70% là trải nghiệm công việc thực tế; 20% đến từ trao đổi, thảo luận với đồng nghiệp và 10% thông qua các khóa học chính thức. Nếu trước đây các hoạt động đào tạo chủ yếu vào “nhóm 10%” thì Global Mobility tập trung “nhóm 70%”.

Cụ thể, các cân bộ, nhân viên bản địa được làm việc với những chuyên gia, cố vấn chất lượng, nâng cao năng lực thực chiến ở môi trường mới, đồng thời hiểu rõ hơn về văn hóa và con người Viettel.

Ngoài ra, khi sống và làm việc tại quốc gia khác, giao tiếp, trao đổi hằng ngày với những người đồng nghiệp khác màu da, ngôn ngữ để cùng giải quyết bài toán kinh doanh, vấn đề đang phát sinh khiến mỗi cá nhân phải tìm cách thích nghi, hòa hợp, chủ động học hỏi.

“Các bài học rút ra trong quá trình tham gia luân chuyển toàn cầu của Viettel giúp tôi hiểu sâu công việc hiện tại, biết định hướng sắp tới và điều cần làm với mảng mình phụ trách. Đây là những giá trị thật sự hiếm doanh nghiệp nào có thể mang lại”, anh Magesa, Phó Giám đốc ví Halopesa trực thuộc Halotel (Viettel Tanzania) - nhân sự toàn cầu làm việc tại Tổng công ty Dịch vụ số Viettel, bày tỏ.

Từ trước khi sang Việt Nam, chàng trai đến từ châu Phi xác định rõ bản thân sẽ lạ lẫm với nhiều thứ trong cả đời sống và công việc. Nhờ những đồng nghiệp Viettel cởi mở, sẵn sàng hỗ trợ trong công việc lẫn ngoài giờ làm, thời gian làm quen, bắt nhịp của Magesa thu ngắn lại và trên hết là tăng tình cảm gắn bó với ngôi nhà chung Viettel.

Sâu xa hơn, đây là cơ hội quý giá cho những cá nhân mong muốn trở thành nhân viên giỏi và thành lớp nguồn nhân sự chủ chốt vững chắc cho thị trường. Kết thúc 6 tháng ở Việt Nam, Gabriel Boaventura Mutemba đến từ Movitel, nóng lòng được áp dụng những kỹ năng gặt hái được vào các nhiệm vụ tương lai, lẫn chia sẻ lại bài học cho các đồng nghiệp ở quê nhà Mozambique.

Chương trình thực tập sinh tài năng không chỉ nhằm tìm kiếm, đào tạo nhân sự trẻ cho Viettel mà còn mong muốn phát triển nhân tài công nghệ cao cho đất nước, phục vụ chuyển đổi số.

Học từ những người giỏi nhất ở nơi tốt nhất

Theo công bố vào năm 2023 từ Công ty Tư vấn phát triển nhân lực Anphabe, Tập đoàn Viettel được bình chọn là thương hiệu tuyển dụng thu hút nhất đối với sinh viên Việt Nam theo học khối ngành Điện - Điện tử - Viễn thông - Tự động hóa và nằm trong danh sách 3 nhà tuyển dụng được sinh viên khối ngành học công nghệ thông tin yêu thích nhất.

Sức hút của chương trình thực tập sinh tài năng Viettel Digital Talent (VDT) là minh chứng rõ nét. Qua 3 năm tổ chức, chương trình càng được cải tiến, mở rộng quy mô với số lượng hồ sơ đăng ký tăng theo cấp số nhân.

Năm 2023, hơn 1.900 hồ sơ gửi tham dự, gấp 2 lần so với năm 2022, trong đó có nhiều sinh viên xuất sắc đoạt giải quốc gia, quốc tế. 71 bạn trẻ tài năng gia nhập ngôi nhà chung của Viettel sau đó.

Nguyễn Duy Long (sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội), hiện làm việc tại Phòng Ứng dụng giải pháp AI thuộc Trung tâm Phân tích dữ liệu của Tổng công ty Viễn thông Viettel, đánh giá, điều bản thân trân trọng nhất là việc người trẻ được trao quyền, tự do sáng tạo tại Viettel.

Hiểu rõ mong muốn lớn nhất của nhóm sinh viên và người trẻ mới ra trường là sớm có kinh nghiệm thực tế về công việc, “xương sống” cốt lõi trong đào tạo của chương trình thực tập sinh tài năng là yếu tố học thật, làm thật. Duy Long nằm trong số 200 "hạt giống" đã trải 651 giờ đào tạo chuyên sâu cùng 122 giảng viên, chuyên gia trong và ngoài nước đến từ Viettel, Google, Shopee, University of Texas Austin để định hướng nghề nghiệp, trước khi bước vào giai đoạn 2 “thực chiến” với các dự án lớn ở 9 cơ quan, đơn vị trong tập đoàn.

Quá trình này ánh xạ từ quan điểm của lãnh đạo tập đoàn và cách làm trước nay của Viettel: Chọn học ở những nơi tốt nhất, từ thầy giỏi nhất và kết nối cùng mạng lưới những bạn học xuất sắc nhất.

Lê Hữu Trọng (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) gọi khoảng thời gian thực tập là “6 tháng ý nghĩa nhất từng có”. Ngoài kiến thức chuyên môn, môi trường quân đội quy củ, nghiêm chỉnh của Viettel giúp Trọng học được tinh thần làm ra làm, chơi ra chơi. Dù thừa nhận ban đầu bị “ngợp”, nam sinh dần học cách thích nghi, từ những thói quen nhỏ nhặt như ngủ sớm, bớt chơi điện thoại khuya để sáng dậy sớm đi làm.

Kết thúc chương trình, Hữu Trọng hiện làm việc tại Tổng công ty Dịch vụ số Viettel. Nam sinh thừa nhận mục tiêu ban đầu khi tham gia là muốn cọ xát, song có công việc đáng mơ ước khi bước vào năm 4 đại học là điều vượt ngoài mong đợi…

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nhan-luc-viettel-phat-trien-qua-thach-thuc-655548.html